ClockThứ Hai, 19/06/2017 09:02

Tìm phương án lợi nhất cho các hộ kinh doanh ở Suối Voi

TTH - Khu du lịch Suối Voi (xã Lộc Tiến, Phú Lộc) trong quá trình thẩm định giá đền bù, giao mặt bằng cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoa Lư - Huế triển khai dự án. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng tình để doanh nghiệp vào đầu tư.

Cần có phương án đảm bảo an sinh xã hội khi doanh nghiệp vào đầu tư

Chưa đồng tình

Về khu du lịch Suối Voi những ngày này, vấn đề được người dân bàn tán nhất là việc sắp giao mặt bằng để doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng thành một khu du lịch quy mô, hiện đại hơn. Dự án này đã được thông qua. Gần đây, UBND huyện Phú Lộc cũng đã có công văn gửi đến HTX Song Thủy và từng hộ kinh doanh tại Suối Voi để thông báo việc thẩm định giá đất, cơ sở vật chất để đền bù cho người dân. Chủ đầu tư là Công ty Hoa Lư cũng xác nhận, nếu quá trình giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự kiến cuối năm 2017 sẽ bắt đầu thi công. Tuy nhiên, việc giao mặt bằng cho doanh nghiệp đang vấp phải sự phản ứng của nhiều hộ kinh doanh.

Anh Lê Văn Bảo, một hộ kinh doanh cho biết, Suối Voi khai thác đã hơn 20 năm, nhưng khách biết và đến vui chơi đông ở đây chỉ mới 5 năm trở lại. Phải mất thời gian dài Suối Voi xây dựng được thương hiệu, thu hút được khách như hiện nay. Quá trình dài, người dân kinh doanh cầm chừng, giờ mới có hiệu quả mà lại phải bàn giao, không được kinh doanh nữa. “Sao cách đây mấy năm, doanh nghiệp không vào đầu tư, làm như muốn cắt miếng cơm của chúng tôi vậy. Cả gia đình gồm 12 người đều tham gia buôn bán, phục vụ ở đây, nếu không làm nữa thì biết làm gì đây?”, anh Bảo lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Me, một hộ kinh doanh khác, nói: “Từng tảng đá, từng bậc cấp ở đây lúc trước không có, đều do tay người dân chúng tôi làm nên. Công sức và kinh phí bỏ ra nhiều như thế, giờ mà chấm dứt kinh doanh thì người dân chúng tôi sẽ không đồng tình. Hơn thế, chúng tôi biết doanh nghiệp vào đây đầu tư, sau đó cũng tổ chức kinh doanh ăn uống và tắm suối như hiện nay. Nếu thế thì người dân chúng tôi cũng làm được đâu cần doanh nghiệp vào làm”.

Trong khi đó, hộ ông Trần Sửu cho biết, có nhận đền bù rồi tiền cũng tiêu xài cũng hết. Điều người dân mong muốn là công ăn việc làm lâu dài. “Như hộ tôi có đến 10 người cùng phục vụ, thu nhập bình quân mỗi người được 3 triệu đồng/tháng. Nếu không kinh doanh nữa, người dân chúng tôi rất khó tìm được việc làm”. Ông Sửu nói.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc HTX Song Thủy cho biết, hiện có một số đồng ý nhận tiền đền bù, giao lại mặt bằng, nhưng đa số vẫn chưa đồng ý. Hơn 20 năm, từ ngày mới khai thác nhiều khó khăn, một thời gian dài để tạo thương hiệu, giờ Suối Voi đã được nhiều du khách biết đến, mỗi ngày thu hút hàng ngàn người. Nhờ vậy, đời sống người dân cũng khấm khá hơn. Giờ giao lại cho doanh nghiệp, người dân không đồng tình là dễ hiểu. Về phía Ban Giám đốc HTX, chủ trương để doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái chuyên nghiệp, quy mô hơn, giúp phát triển chung là hoàn toàn đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là cần có phương án hài hòa lợi ích, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, nếu không sẽ rất khó để người dân thuận lòng.

Cần phương án có lợi cho người dân

Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho hay, để nâng tầm khu du lịch Suối Voi thì cần có doanh nghiệp vào đầu tư. Nếu không thì dịch vụ Suối Voi đơn điệu và khó thu hút thêm khách. Về mặt chủ trương, xã hoàn toàn đồng ý, nhưng làm sao đó giải quyết được an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân. Chứ người dân đang kinh doanh thuận lợi mà cắt ngang như thế thì đúng là khó.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, lãnh đạo huyện luôn hoan nghênh những doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tận dụng tiềm năng của huyện để nâng tầm chất lượng dịch vụ du lịch. Trong quá trình làm việc với Công ty Hoa Lư, huyện rất chú trọng đến đảm bảo an sinh xã hội, nhất là 25 hộ sống xung quanh và đang kinh doanh tại Suối Voi.

Về phía chủ đầu tư, đã lên một phương án để đảm bảo việc kinh doanh cho người dân. Quy hoạch lại khu ẩm thực, việc kinh doanh sau này công ty hoàn toàn không can thiệp. Một, hai năm đầu sẽ không thu phí mặt bằng để đảm bảo thu nhập cho người dân. Nếu việc thực hiện dự án ảnh hưởng đến kinh doanh của người dân, dựa trên kinh phí nộp thuế, tiền đóng mặt bằng như hiện tại, rồi tính ra bình quân thu nhập bao nhiêu chủ đầu tư sẽ hỗ trợ cho người dân trong mùa đầu tiên. Ngoài ra, công ty sẽ xây lại lều quán, hệ thống vệ sinh đảm bảo môi trường. “UBND huyện sẽ triển khai cam kết này một cách cụ thể, rõ ràng với chủ đầu tư và chỉ thực hiện khi có sự đồng tình của người dân”. Ông Nguyễn Văn Mạnh khẳng định.

Ông Nguyễn Thiên Lý, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoa Lư - Huế cho hay, bên công ty đã có văn bản cam kết với UBND huyện và người dân về giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Khi đền bù sẽ có hai phương án, các hộ đồng ý nhận tiền và không tham gia kinh doanh nữa; còn một số hộ không nhận tiền đền bù và tiếp tục muốn kinh doanh thì sẽ có cơ chế để hợp tác giữa hai bên.

Người dân vẫn tỏ ra lo lắng bởi trước đây từng có một doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khác về đầu tư, có các cam kết để người dân vào làm việc, nhưng sau thời gian người dân phải nghỉ vì thiếu tay nghề. Vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến mong muốn, bên chủ đầu tư cần tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người dân để làm việc lâu dài.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án
Được & Mất

Nghe giới thiệu tưởng ngon lành, chuyên nghiệp lắm. Một lần này thôi nhé, lần sau dù có nhét vàng cũng cạch! …

Được  Mất
Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

Đưa một chữ thiện vào triết lý kinh doanh, Tập đoàn TH đã phát triển TH True Milk trở thành thương hiệu sữa có giá trị dinh dưỡng cao, đáng tin cậy, được người Việt yêu mến. Huế có nền văn hóa Phật giáo tồn tại lâu đời, khi văn hóa đó thấm sâu vào sản phẩm đặc trưng của Huế thì hòa trong đó không chỉ đẹp, ngon, tinh tế mà còn mang có sự lợi lạc về cuộc sống cho khách hàng, khách du lịch.

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại Huế

TIN MỚI

Return to top