ClockThứ Sáu, 09/09/2016 13:59

Tín dụng sinh viên: Thừa vốn, thiếu người vay

TTH - Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (VBSP) khẳng định, nguồn vốn cho sinh viên vay luôn dồi dào, nhưng lượng sinh viên đăng ký vay vốn ngày càng sụt giảm.

Ít dần người vay

Theo thống kê của VBSP, thời “hoàng kim” của gói hỗ trợ vay vốn cho sinh viên vào khoảng thời gian đầu triển khai chương trình (2007-2011). Cao điểm, có năm trên 12.000 sinh viên vay vốn, chia làm 2 kỳ/năm, tính ra khoảng hơn 24.000 lượt vay. Thế nhưng, con số này giảm dần qua các năm và giảm xuống còn khoảng 1.000 sinh viên trong năm 2015. Dư nợ theo đó cũng giảm dần, từ vài chục tỷ đồng xuống còn vài tỷ đồng, như từ đầu năm đến nay, con số giải ngân chỉ 4 tỷ đồng.

Sinh viên tìm hiểu thông tin vay vốn tại VBSP

Lý giải về sự sụt giảm doanh số cho vay, ông Trần Minh Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ tín dụng VBSP khẳng định, không có sự thay đổi, điều chỉnh điều kiện vay vốn, hay “làm khó” sinh viên, khiến các em “ngán” vay vốn phục vụ học tập, mà do, đây là thời gian bão hòa, tập trung chủ yếu vào việc trả nợ, nên dư nợ phát sinh không cao như thời gian đầu triển khai chương trình.

Cũng theo giải thích của ông Tâm, thời điểm triển khai chương trình từ năm 2007 đến năm 2012, nay đến thời hạn sinh viên phải trả nợ sau khi ra trường một năm. Do đó, các khoản vay mới ít phát sinh và chủ yếu là sinh viên năm nhất, tuy nhiên, con số này không nhiều, khoảng vài ngàn lượt/năm.

Lý do khác, phụ huynh nhận thức được việc vay vốn phải trả nợ, chứ không như thời gian đầu, do giải thích chưa rõ ràng, khiến một số người nghĩ đây là khoản vay được Nhà nước hỗ trợ như kiểu cho không. Quá trình làm việc, khảo sát ở một số tổ vay vốn, chúng tôi cũng nhận được phản ánh này, khi rất nhiều phụ huynh cho rằng, họ khá bất ngờ với “trát” đòi nợ của VBSP bởi khoản vay cho con học. Có người còn quên và “tá hỏa” khi thấy số tiền gốc, cộng lãi phải trả mỗi năm hơn chục triệu đồng.

Ngoài ra, phụ huynh ngày nay có điều kiện hơn trước, việc tiếp cận vốn vay thương mại khá dễ, cộng với lãi suất chênh lệch không quá cao khiến nguồn vốn vay sinh viên càng ngày càng ít người vay.

Quy trình, thủ tục còn rườm rà

Qua khảo sát, phụ huynh ngại vay vốn sinh viên một phần là do thủ tục còn nhiêu khê, mất thời gian.

Theo quy định, tất cả các hồ sơ vay vốn đều nộp tại các tổ vay vốn của VBSP có ở khắp các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Sau khi nhận hồ sơ, tổ vay vốn tập hợp, làm việc với tổ dân phố, các đoàn thể liên quan để bình xét. Nếu đúng đối tượng, mới đưa lên chính quyền phường, xã xác nhận, sau đó chuyển lên ngân hàng. Từ cơ sở này, ngân hàng tổ chức giải ngân.

Quy trình lòng vòng, nên nhiều tổ vay vốn phải tập hợp vài hồ sơ, thậm chí vài chục hồ sơ mới làm thủ tục một lần. Thế nên, có hồ sơ nộp từ đầu năm học, lúc vừa nhận giấy báo nhập học đến khi được mời giải ngân, phải mất hàng tháng. Với sinh viên năm hai, ba, điều đó còn chấp nhận được, khi học phí thường không thu đầu năm. Tuy nhiên, với sinh viên năm nhất, ngay khi làm thủ tục, hồ sơ nhập học, các em buộc phải đóng học phí ngay tại thời điểm này. Vì thế, nhiều phụ huynh khá vất vả trong việc chuẩn bị đủ tiền cho con nhập học, đó là chưa kể những gia đình có hai, ba em nhập học cùng lúc.

Một số phụ huynh trao đổi, họ rất mong muốn ngân hàng, các tổ vay vốn quan tâm giải quyết cho vay ngay tại thời điểm sinh viên nhận giấy báo nhập học để giảm bớt gánh nặng lo học phí và các khoản sinh hoạt phí đầu năm. Vì chờ vốn VBSP quá lâu nên phụ huynh phải vận dụng nhiều cách để có tiền trang trải học phí cho con, trong đó, có vay ngân hàng thương mại và một số nguồn vay khác từ các nguồn quỹ phụ nữ, nông dân…

đem nguyện vọng này đến VBSP, song người có trách nhiệm của ngân hàng này khẳng định, đối tượng, thủ tục vay đều theo quy định của Chính phủ. Hơn nữa, đây là gói vay ưu đãi, học sinh, sinh viên chỉ trả lãi, gốc sau khi ra trường một năm, nên khả năng phát sinh nợ quá hạn khá cao, vì có nhiều em chưa có việc làm hoặc chuyển đi nơi khác. Bên cạnh đó, VBSP không chịu nhiều áp lực về chỉ tiêu, doanh số như nhiều ngân hàng thương mại nên việc sụt giảm doanh số cho vay chưa phải là vấn đề lớn.

Về thủ tục còn nhiêu khê, thời gian giải ngân chậm, VBSP cho rằng, ngoài quy định của Nhà nước, còn phụ thuộc vào các tổ vay vốn, chính quyền địa phương trong việc xác nhận đối tượng, VBSP khó can thiệp quá trình này, chỉ khi nào có sự cố, đơn vị mới phối hợp để xử lý, chấn chỉnh. Lâu nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp sai đối tượng hoặc làm khó người vay.

Theo quy định, sinh viên con hộ nghèo, có khó khăn đột xuất, mồ côi mới được vay vốn chương trình học sinh-sinh viên. hạn mức vay từ 8 triệu đồng/năm trước đây nay tăng lên 12,5 triệu đồng/năm chia làm hai kỳ, giải ngân theo kỳ của năm học, với lãi suất 0,55%/tháng, được tính từ thời điểm sinh viên ra trường sau một năm. Sau gần 10 năm triển khai chương trình, VBSP đã cho khoảng 60.000 lượt sinh viên, học sinh vay vốn với dư nợ khoảng 600 tỷ đồng. Hiện nay, dư nợ còn khoảng 150 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn chiếm khoảng 0,4%.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đầu năm 2024, nhất là sau hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Điều này đủ để thấy, Ngân hàng Nhà nước coi đây là giải pháp quan trọng và xuyên suốt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Giảm lãi suất cần nhưng chưa đủ
Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là thông điệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 20/2.

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế
Lo tăng trưởng tín dụng từ đầu năm

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp quota room tín dụng sớm đầu năm 2024, các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai ngay giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng đến những khách hàng có dự án khả thi, để giải ngân vốn, kích cầu nền kinh tế…

Lo tăng trưởng tín dụng từ đầu năm
Return to top