ClockThứ Ba, 25/10/2016 05:31
Sáp nhập, chia tách và thành lập thôn, tổ dân phố mới:

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý

TTH - Sau thời gian thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố quy mô nhỏ thành thôn, tổ dân phố có quy mô lớn hơn cho thấy, bộ máy bớt cồng kềnh, tinh gọn hơn; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp thôn, xã, tổ dân phố cũng không ngừng nâng lên.

Nhà Văn hóa thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân (Phong Điền) vừa mới xây dựng

Thôn nhỏ, thôn lớn khó quản lý

Toàn tỉnh hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 152 đơn vị hành chính cấp xã, với 1.488 thôn, bản, tổ dân phố. Theo quy định, mỗi tổ dân phố có từ 250 hộ dân trở lên mới đạt chuẩn và đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ông Bạch Chơn Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ cho biết: “Quy mô dân số của nhiều tổ dân phố ở TP. Huế và các thị xã, thị trấn nhỏ so với quy định dẫn đến số người hoạt động không chuyên trách lớn, ngân sách tốn kém, hiệu quả hoạt động không cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển theo xu hướng mới. Sắp xếp lại tổ, thôn trên địa bàn là việc làm cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý và giảm gánh nặng ngân sách”.

Tình trạng thôn nhỏ, thôn lớn không đồng đều về tỷ lệ hộ dân dẫn đến khó khăn trong quản lý. Cụ thể, toàn tỉnh vẫn còn 9 tổ dân phố có quy mô dưới 70 hộ dân và 36 tổ dân phố quy mô từ 71-100; 66 thôn quy mô dưới 50 hộ dân và 238 thôn quy mô từ 51-100 hộ dân. Ngược lại, có đến 36 thôn có quy mô trên 500 hộ dân; cá biệt có 4 thôn quy mô lớn trên 1.000 hộ dân. Tỷ lệ dân cư không đồng đều nên hoạt động của hệ thống chính trị ở khu dân cư gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sinh hoạt, thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế, hiệu quả việc tự quản chưa cao, tính ổn định không bền vững. Ông Đỗ Xuân Đính, Trưởng thôn Hà Úc, xã Vinh An (Phú Vang) chia sẻ: “Do thôn có hơn 1.000 hộ dân nên việc quản lý, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân gặp không ít khó khăn. Đó là chưa kể đến địa bàn rộng, việc quán xuyến, giữ vững tình hình trật tự, an toàn xã hội là cả vấn đề”.

Không chỉ thôn Hà Úc, ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận (Phú Vang), thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn (Phú Lộc), thôn An Xuân, xã Quảng An (Quảng Điền) do tỷ lệ hộ dân quá lớn, nên cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sinh hoạt của người dân vẫn chưa đảm bảo. Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quảng An (Quảng Điền) cho rằng: “Thôn An Xuân chỉ có một nhà văn hóa, một trường mẫu giáo nên khó đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân và em. Chỉ khi nào chia tách, thành lập các thôn, tổ dân phố mới có quy mô hợp lý mới đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bà con và chính quyền ở cơ sở”.     

Bớt cồng kềnh, tăng tinh gọn

Phú Lộc là một trong những địa phương thực hiện tốt việc sáp nhập, chia tách, thành lập các thôn mới. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định: “Theo kế hoạch, huyện sáp nhập để thành lập mới 18 thôn trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện có của 35 thôn ở các xã Lộc Bình, Lộc Hòa, Lộc Bổn, Lộc Trì, Lộc Vĩnh, Xuân Lộc và Lộc An. Sau khi sáp nhập, toàn huyện giảm được 16 thôn, đồng nghĩa với việc bộ máy cấp thôn đỡ cồng kềnh hơn, công tác quản lý cũng thuận lợi hơn”.

Trong số địa phương cấp huyện, A Lưới có số lượng thôn mới thành lập nhiều nhất. Những thôn manh mún, nhỏ lẻ đều được sáp nhập lại thành những thôn lớn hơn, phù hợp với quy định và đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Tân, Phó Chủ tịch HĐND huyện A Lưới thông tin: “Trong số 48 thôn ở các xã A Roàng, A Đớt, Đông Sơn, Phú Vinh, Hương Nguyên, Hồng Thượng, A Ngo, Hồng Thái, Hồng Kim, Hồng Bắc, Bắc Sơn và Hồng Thủy, huyện sáp nhập để còn lại 24 thôn. Như vậy, khi hoàn thành việc sáp nhập để thành lập các thôn mới, trên địa bàn huyện giảm được 24 thôn”. 

Khi có chủ trương của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, TP.. Huế khẩn trương tiến hành rà soát, sắp xếp, sáp nhập, chia tách, thành lập mới thôn, tổ dân phố. Có 141 thôn của các huyện đã tiến hành rà soát, sắp xếp, sáp nhập, hình thành nên 71 thôn mới (giảm 70 thôn). “Đa số thôn mới hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ dân số, diện tích tự nhiên của 2 thôn có quy mô nhỏ. Ngoài ra, có 6 thôn mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ dân số, diện tích tự nhiên của 3 thôn có quy mô nhỏ. Sau khi sáp nhập, chia tách và thành lập mới thôn, tổ dân phố hoàn thành, toàn tỉnh sẽ còn lại 1.373 thôn, tổ dân phố, trong đó có 729 thôn và 644 tổ dân phố, giảm 115 thôn, tổ dân phố so với hiện nay”, ông Bạch Chơn Đông thông tin thêm.

Song song việc kiện toàn lại hệ thống chính trị, các chức danh hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố mới theo quy định của pháp luật cũng được các địa phương khẩn trương thực hiện. Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai, các sở, ban ngành cấp tỉnh đã thường xuyên tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về thủ tục hành chính, tư pháp có liên quan đến tên mới của thôn, tổ dân phố; ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư cải tạo, xây mới các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ các hoạt động chung của thôn, tổ dân phố mới được thành lập.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng

Hiện nay, cho vay tiêu dùng được đánh giá là một lĩnh vực "nóng". Số liệu thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng.

Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Return to top