ClockThứ Sáu, 13/02/2015 10:03

Tình này xin lấy trăm năm thề bồi

TTH - Ở nhiều thành phố châu Âu, một trong những hình ảnh du khách thường thấy khi đi qua những cây cầu danh tiếng là những ổ khóa móc chi chít trên thành cầu. Những đôi lứa thường rủ nhau đến cầu, sau khi ôm hôn, thề non hẹn biển chán chê thì lấy ra một ổ khóa (có khắc tên và tuổi yêu của họ) móc vào thành cầu, xong ném chìa khóa xuống sông. Hành động quyết liệt đó đúng với tinh thần của ca dao Việt: “Đã yêu nhau thì yêu cho chắc. Còn như trúc trắc thì trục trặc cho luôn”.

Nghe rằng thói tật hay ho này có nguồn gốc từ Hungary, dựa trên câu chuyện về một cô gái mất người yêu của mình là một người lính chết trận trong Chiến tranh thế giới I. Cô đến móc ổ khóa lên chiếc cầu nơi hai người gặp nhau lần đầu tiên, ghi dấu mối tình bi thương. Bẵng đi một thời gian, phong trào “khóa tình yêu” bùng phát dữ dội từ đầu những năm 2000, không biết có phải là một trong những “mục tiêu thiên niên kỷ” hay không(?!). Đông, Tây, Nam, Bắc Trung Âu đều có cả. Ở Mỹ cũng có. Phong trào lan sang cả Á châu, trong đó có Việt Nam. Đã thấy khóa tình yêu lủng lẳng trên cầu Long Biên, Thủ Thiêm, Tràng Tiền.

Khóa tình yêu khiêm tốn trên một cầu nhỏ bắc qua kênh ở Venice (Ý)
Chưa biết “khóa tình yêu” hiệu nghiệm đến đâu, nhưng hậu quả đã rành rành. Cầu Pont des Arts bắc qua sông Seine ở Paris sập một đoạn lan can cầu vì sức nặng của 46 tấn sắt khóa dồn tụ. Đến nỗi chính quyền phải phát động chiến dịch “Tình yêu không ổ khóa” (Not Love Locks) nhằm giải nguy cho những cây cầu oan gia. Nhưng xem ra, chiến dịch thất bại gần hoàn toàn! Cũng phải thôi. Ai mà ngăn nổi khát khao cháy bỏng của con người ta khi yêu. Huống hồ nó còn đụng chạm đến một trong những hố thẳm nghìn đời của lòng người: sự ích kỷ. Ích kỷ lớn nhất của đời người là trói buộc lẫn nhau. Riêng món này, xem chừng Tây, Ta đều “sến” như nhau. Ở Huế, lũ “chíp hôi” vẫn thường rủ nhau đi tâm sự ở các chùa chiền, lăng tẩm, Đại Nội..., toàn những chỗ vắng vẻ một cách thiêng liêng và lãng mạn cả. Sau cao trào tâm sự, họ lại lấy dao sắc khắc tên lên đá, chẳng hạn, “Điệp yêu Lan mãi mãi”. Hoặc “Điệp + Lan”, v.v... và v.v... Nếu khéo tay chút nữa thì khắc thêm hình trái tim có mũi tên đâm xuyên qua, gọi là “Tình này xin lấy trăm năm thề bồi”...
Nói thế thôi, thề nguyền là một chuyện. Trăm năm biết có duyên gì hay không lại là việc khác. Cụ Nguyễn Du của Việt Nam xem ra đã đi guốc trong bụng con người. Theo một thống kê chưa được cập nhật, tỷ lệ ly hôn ở châu Âu cao ngất ngưởng. Khóa tình yêu càng chặt, càng nhiều thì hôn nhân càng đáng báo động. Ngay ở đất nước Áo chỗ tôi đang đăng ký tạm trú, cứ 100.000 người thì có 70 người chịu (hoặc được) cảnh đường ai nấy đi, tỷ lệ ly hôn 43,4/100 cuộc hôn nhân, thuộc mức “trung bình cao” của châu Âu. Việt Nam so ra chỉ bằng 1/10, nhưng đang có nguy cơ tăng! Ngay Hàn Quốc, nơi có tháp Namsan ở thủ đô Seoul tràn ngập những ổ khóa tình yêu sặc sỡ sắc màu, tỷ lệ ly hôn đứng hàng thứ 3 thế giới. Còn ngoại tình thì sao? Thống kê cho thấy gần 60% đàn ông và hơn 40% phụ nữ có tình yêu ngoài hôn nhân ít nhất một lần trong đời. Người chung thủy 100% thời nay dường như là của hiếm. Ngay tại Italy, đất nước của câu chuyện tình lãng mạn bất hủ Romeo và Juliet, tỷ lệ ngoại tình đoạt quán quân thế giới, không còn mấy ai tôn thờ lòng chung thủy như họ, họa chăng chỉ còn trong kịch của Shakespeare thôi. Ổ khóa tình yêu chỉ là chuyện của tuổi trẻ nông nổi và khờ khạo. Với lại, một nghiên cứu chứng minh ngoại tình cũng có gien và cả tùy nhóm máu hẳn hoi. Thế thì có mà khóa đằng trời!
Nhân Ngày Tình nhân, gõ vài dòng vui tặng bà xã. Nhờ trời, ta vẫn là ổn, mình nhỉ (nghe «sến» còn hơn những ổ khóa). Nhưng cũng có lời khuyên với những ai đang xa nhà... như tôi, bắt chước tha nhân, nên gọi điện về bảo bà xã ra chợ mua một bộ khóa Việt-Tiệp loại tốt, khóa bổ sung cửa nẻo (khóa trên cầu Tràng Tiền thì phí quá, lại sợ sập cầu), đề phòng bọn “tàu lạ” thình lình lẻn vô cắm cái giàn khoan khủng lên vùng đặc quyền «của ta» thì có mà hối không kịp...
Yêu nhau thì yêu cho chắc, Thánh Valentine ạ!
Bài & ảnh: Phạm Nguyên Tường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top