ClockThứ Hai, 17/08/2015 16:34

Tổ ấm hạnh phúc của anh Hùng

TTH - Luyện tập cử tạ bằng cả niềm đam mê và tinh thần thép đã giúp anh Lê Viết Hùng, 37 tuổi (ngụ số 6/172 đường Tăng Bạt Hổ, TP. Huế), vận động viên khuyết tật của Thừa Thiên Huế đoạt nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi Paralympic Games toàn quốc. Cứ xế chiều, sau khi cùng vợ bán rau ngoài chợ Tây Lộc, anh Hùng lại cần mẫn đến phòng tập để chuẩn bị cho đợt thi đấu trong tháng 8 này, diễn ra ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Thành công từ khổ luyện

Anh Hùng ngồi lên chiếc xe máy tự chế dành cho người khuyết tật một cách thuần thục đến phòng tập thể hình. Di chuyển bằng đôi chân tật nguyền khi bước lên cầu thang tầng hai rất khó khăn, nhưng chưa một lần anh nghỉ tập. Phòng tập trở thành ngôi nhà thứ hai của anh, nơi mà hàng ngày những giọt mồ hôi đã đổ xuống để sau mỗi kỳ thi đấu, anh lại được nhận về những tấm huy chương vàng danh giá. Phòng tập chỉ có duy nhất anh Hùng là người khuyết tật, mỗi lần nâng tạ thì tất cả mọi người lại xúm lại, ngạc. Ai nấy đều khâm phục ý chí của một người khuyết tật tràn đầy năng lượng và đam mê.
Anh Hùng và con gái bên những tấm huy chương
Năm 2006, anh Hùng lọt vào đội tuyển Hội Thể thao người khuyết tật của tỉnh Thừa Thiên Huế. Lần đầu tiên thử sức ở đấu trường Đông Hà (Quảng Trị), anh giành huy chương bạc ở hạng mức 75 kg (chỉ thua 2 kg so với người đạt huy chương vàng). Sau đó, mỗi lần thi đấu anh Hùng đều rinh giải về cho tỉnh nhà, bứt phá với hai huy chương vàng ở hạng mức 125 kg, được tổ chức ở Đà Nẵng (năm 2010) và TP. Hồ Chí Minh (năm 2012).
Thuở thơ ấu, một cơn sốt bại liệt ập đến lúc ba tuổi vĩnh viễn cướp đi đôi chân lành lặn của cậu bé Hùng. 17 tuổi, thấy bạn bè chơi thể thao Hùng thích lắm, nên quyết định chơi cử tạ, càng tập càng say mê. “Do suy nhược cơ thể nên muốn đi tập thể thao để khỏe mạnh chứ không nghĩ sẽ có ngày đứng trên bục nhận giải. Lúc đi thi đấu chỉ biết cố gắng hết sức, khi nhận huy chương tôi đã phải nín thở, kiềm chế để không khóc òa trước niềm vinh dự và hạnh phúc”, anh Hùng chia sẻ.
Những ngày khổ luyện ở phòng tập của vận động viên khuyết tật Lê Viết Hùng
Không chỉ đam mê mà còn cần phải khổ luyện mới luôn giữ được phong độ khi thi đấu, sau khi chấn thương được phục hồi anh Hùng lại miệt mài tập luyện. Anh Hùng đặt ra mục tiêu cho mình phải vượt được mức 170 kg để có thể đến được với sân chơi của khu vực và quốc tế. “Niềm vui của người khuyết tật không chỉ là những tấm huy chương mà đó là sự chiến thắng bản thân mình và hòa nhập được với xã hội”, anh Hùng cười tươi.
Là một trong những người ở phòng tập thường xuyên giúp anh lắp bánh sắt vào giá tạ, anh Trương Văn Ninh (24 tuổi) cho biết: “Tôi rất khâm phục ý chí của anh Hùng, với một người khuyết tật nhưng anh đã chứng minh cho mọi người thấy rằng không có gì là không thể làm được. Anh Hùng là một tấm gương sáng để những người trẻ như tôi học hỏi”.
 
Bán rau phụ vợ
Đến chợ Tây Lộc, hỏi anh Hùng cử tạ là ai cũng biết, bởi cũng chỉ duy nhất anh là đàn ông “bám” chợ. Đôi tay cơ bắp của lực sĩ cử tạ đẩy hàng trăm kg lại rất tỉ mỉ vừa lột hạt sen, vừa nhanh nhẹn bán hàng rau phụ vợ. Không chỉ bán rau củ, anh Hùng còn nhận hàng làm gia công. Vậy nhưng, mỗi ngày vợ chồng anh cũng chỉ kiếm được 200 ngàn đồng. Kinh tế còn khó khăn, vất vả nhưng lúc nào cũng thấy anh Hùng tươi cười, vui vẻ. Cũng chính cái “duyên” đó đã giữ khách thường xuyên lui tới.
Thường, khoảng 5h chiều anh Hùng lại đến phòng tập đối diện chợ Tây Lộc, tập khoảng hơn một tiếng anh lại quay lại chợ phụ vợ dọn hàng, mãi tối mịt hai vợ chồng mới về nhà. Anh Hùng bảo: Hồi 20 tuổi, anh còn làm thợ sửa chữa đồng hồ đối diện cửa hàng ngũ kim, nơi chị Mận - vợ anh hay ngồi bán. Anh Hùng trót thương thầm nhớ trộm nhưng sau đó cô gái vào Nha Trang làm công nhân thủy sản. Cuộc đời đã đưa họ đến bên nhau, khi năm 2008 chị Mận từ Nha Trang về quê ăn Tết. Anh “liều”, hẹn hò với chị đúng đêm 30 Tết, rồi chị Mận trở lại Nha Trang. Suốt hai năm trời sau đó, anh chị chỉ liên lạc bằng điện thoại. Càng hiểu về nghị lực sống của chàng trai khuyết tật, chị Mận càng cảm thấy tin yêu anh Hùng dù khoảng cách địa lý cách trở. Trải qua nhiều gian nan, đến năm 2010, tình yêu đã “chín”, họ đã cưới nhau trong niềm hạnh phúc của gia đình, bạn bè và cả con phố nhỏ đường Tăng Bạt Hổ. Đến nay, vợ chồng anh chị đã sinh được một bé gái (4 tuổi), bé trai (3 tuổi) khỏe mạnh và kháu khỉnh.
Sau một ngày lao động, tập luyện bắt đầu từ tinh mơ cho đến tối mịt, nhìn các con đùa nghịch, khuôn mặt anh Hùng rạng rỡ. Anh tâm sự: “Gia đình là điều tuyệt vời nhất của con người, với một người khuyết tật như tôi, gia đình rất quan trọng và ý nghĩa, mọi mệt nhọc đều tan biến khi tôi trở về nhà…”. Và hạnh phúc bên những người thương yêu chính là động lực để anh vươn lên.
Bài, ảnh: Nhật Hạ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Đậm chất riêng với nhà… container

Những năm gần đây, xu hướng xây dựng nhà ở, văn phòng, quán cà phê bằng container đang dần trở nên phổ biến. Mô hình này trở nên hấp dẫn, lý tưởng bởi chi phí xây dựng phải chăng và tính linh động cao.

Đậm chất riêng với nhà… container
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Return to top