Thể thao trong nước

Tổ đường & câu chuyện của Karatedo Huế

ClockThứ Năm, 07/01/2016 09:39
TTH.VN - Khoảng tháng 6/2016, võ đường đầu tiên và là “cái nôi” của làng Karatedo Việt Nam tại 8 Nguyễn Chí Thanh – Tp. Huế sẽ trở thành Tổ đường. Bên cạnh để tưởng nhớ vị Tổ sư của hệ phái Suzucho Karatedo, đây còn là nơi giao lưu thể thao, văn hóa Việt Nam – Nhật Bản và thế giới…

Tuyển Karatedo Huế đang dần tìm lại vị thế của mình

Danh sư xuất cao đồ

 

Đến Việt Nam từ đầu thập niên 1940, võ sư Choji Suzuki (tên Việt Nam là Lê Văn Phúc) từng huấn luyện Karatedo cho bộ đội, du kích Ba Tơ – Quảng Ngãi. Đến năm 1955, võ sư Choji Suzuki cùng vợ là bà Nguyễn Thị Minh Lệ - người gốc Bình Định chuyển ra Huế sinh sống tại số 8 Võ Tánh (bây giờ là số 8 Nguyễn Chí Thanh – Tp. Huế).

Sau một thời gian truyền thụ Karatedo cho một số môn đồ ở Huế, đến năm 1963, võ đường Suzucho Karatedo Ryu Suzuki Dojo Noen chính thức đi vào hoạt động, thu nhận môn sinh. Từ đó, có không ít học trò của võ sư Choji Suzuki thành danh và đem sở học của thầy “phát dương quang đại”: Võ sư Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Thạnh, Nguyễn Tuấn Kiệt (phát triển ở Hà Nội và các tỉnh bắc miền Trung, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nha Trang...); Võ sư Trương Đình Hùng và Trương Dẫn (các tỉnh, thành phía Nam); võ sư Hạ Quốc Huy, Ngô Đồng (Mỹ); võ sư Lê Văn Thạnh (Lào); võ sư Nguyễn Văn Dũng (Canada, Úc, Nga, Slovakia, Ba Lan...).

Tuy đào tạo ra nhiều võ sư, VĐV và sau này trở thành những HLV xuất sắc nhưng tính từ năm 1992 trở về trước, hệ phái Suzucho Karatedo không có tiếng nói trên đấu trường quốc tế. Nguyên do, những đòn thế của hệ phái mang tính chiến đấu cương mãnh, sát thương cao, không phù hợp với luật thi đấu quốc tế, võ sư Lê Văn Thạnh – hiện là Trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo cho hay.

Đau đáu trước câu hỏi tại sao hệ phái có rất nhiều nhân tài nhưng thành tích trên đấu trường quốc tế gần như bằng 0, năm 1992, cùng với ông Hoàng Vĩnh Giang – (nguyên GĐ Sở TDTT Hà Nội), ông Thạnh quyết tâm nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật đối kháng để phù hợp với luật thi đấu quốc tế nhằm chuẩn bị cho SEA Games 17 tại Singapore. Từ những cải tiến đó, 2 võ sĩ Nguyễn Anh Tuấn và Trần Quang Thông đã góp công lớn cho Thể thao Việt Nam nói chung và karatedo nói riêng khi giành được 2 HCV tại SEA Games 17.

Cũng từ thời điểm đó đến nay, tuyển Karatedo Việt Nam - mà trong đó khoảng 90% là môn sinh của hệ phái Suzucho Karatedo - liên tiếp gặt hái thành công tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Còn ở Huế, người được nhắc đến nhiều nhất là nữ võ sĩ Hà Kiều Trang – VĐV giành khá nhiều HCV, HCB từ SEA Games 19 – 21.

Nơi gắn kết Việt Nam – Nhật Bản

Với những đóng góp cho Karatedo Việt Nam cả ở đấu trường quốc tế lẫn phát triển phong trào trong và ngoài nước, mỗi khi nhắc đến karatedo, người ta đều nghĩ đến Huế - quê hương thứ 2 của Tổ sư Choji Suzuki, người đặt nền tảng cho Karatedo Việt Nam. Từ những đóng góp này cùng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, UBND tỉnh, UBND Tp. Huế đồng ý và hỗ trợ phần lớn để xây dựng Tổ đường hệ phái Suzucho Karatedo tại số 8 Võ Tánh (nay là 8 Nguyễn Chí Thanh – Tp. Huế) với kinh phí dự kiến gần 2 tỷ đồng.

Trước đây, theo dự kiến, kinh phí xây dựng Tổ đường do Đại sứ quán Nhật Bản hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay sau đó Nhật Bản lâm vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế nên dự án phải tạm dừng. Trước nguyện vọng chính đáng của gia đình Tổ sư và các thế hệ môn sinh, UBND Tp. Huế quyết định tiếp tục thực hiện dự án bằng cách hỗ trợ phần lớn kinh phí và giải tỏa 3 hộ dân đang sinh sống nhằm tạo cảnh quan đô thị và cũng để trả lại hiện trạng ngôi nhà. Chung tay với chính quyền, hàng ngàn môn sinh của hệ phái cũng ký giấy cam kết đóng góp 400 triệu đồng.

Không chỉ là địa điểm để các môn sinh hệ phái Suzucho Karatedo nói riêng, Karatedo Việt Nam nói chung đang sống trong và ngoài nước tìm về cội nguồn, đây còn là nơi để các VĐV karatedo đội tuyển của tỉnh và toàn quốc tập huấn, nâng cao. Ngoài ra, bên cạnh hướng đến trở thành địa điểm khai thác du lịch dịch vụ, Tổ đường còn là cầu nối giao lưu văn hóa, thể thao Huế - Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản và thế giới, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND Tp. Huế cho biết. 

Bước qua khoảng lặng

Liên quan đến hệ phái Suzucho Karatedo, từ những môn đồ xuất sắc được đào tạo bởi Tổ sư Choji Suzuki, Karatedo Huế càng lúc càng tạo được tiếng vang trong làng võ cả nước và châu lục. Tuy nhiên, thời điểm từ 2002 - 2008, nơi được xem là “cái nôi” của Karatedo Việt Nam lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thành tích cứ thụt lùi trên bản đồ thành tích quốc gia.

Từ 2009 – thời điểm áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, Karatedo Huế đã và đang dần tìm lại vị thế trên bản đồ thành tích quốc gia, cũng như xuất hiện không ít VĐV đủ khả năng đem vinh quang về cho tỉnh nhà, đơn cử như: Lê Trung Dũng (HCV ĐH TDTT toàn quốc 2014, HCB Đông Nam Á 2015), Hồ Đình Thuận (góp mặt tại ASIAD 2013, HCB Đông Nam Á 2015), Bùi Phước Thành (HCV Đông Nam Á 2014), Lê Minh Thuận (HCB Đông Nam Á 2015 cùng 1 số huy chương tại các giải quốc tế mở rộng)...

Kể từ khi “cô gái vàng” Hà Kiều Trang giải nghệ, một thời gian rất lâu, Karatedo Huế vẫn chưa xuất hiện nữ võ sĩ nào được cho là đủ khả năng tiếp bước đàn chị. Đáng mừng, với 2 HCV hạng 12-14 tuổi tại giải vô địch trẻ quốc gia 2015, Hồ Thị Hạ và Hồ Thị Hoài Tành đang cho thấy tiềm năng khá lớn của mình. Nếu đầu tư đầy đủ và tập luyện đúng hướng, tôi tin 2 nữ võ sĩ gốc A Lưới sẽ xứng đáng là người kế thừa Hà Kiều Trang, HLV Karatedo Lê Văn Lộc chia sẻ.

 

Bài, ảnh: VÕ NHÂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hy vọng “vàng” từ nữ vận động viên miền sơn cước

Sau 9 năm tạm rời A Lưới để tham gia đội tuyển, Hồ Thị Hoài Tành đang là một trong những cái tên duy trì thành tích ổn định nhất của đội tuyển Karatedo Huế. Nói như cách của Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh - Lê Văn Lộc, kỳ vọng tấm huy chương vàng Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc sắp tới với Hoài Tành là hoàn toàn có cơ sở.

Hy vọng “vàng” từ nữ vận động viên miền sơn cước
Karatedo Huế: Gắn kết là sức mạnh

Karatedo Huế đang có dấu hiệu hồi sinh sau hơn một thập niên “im hơi lặng tiếng”. Dẫu vậy, vẫn chưa xứng tầm với những gì bộ môn này đã và đang có trong tay.

Karatedo Huế Gắn kết là sức mạnh
Return to top