ClockChủ Nhật, 14/05/2017 06:51

“Tổ quốc trên biển cả”

TTH - Là một giáo viên mỹ thuật đang giảng dạy tại Huế, vậy điều gì khiến họa sĩ trẻ Cao Lê Quang lại tổ chức một triển lãm tại huyện đảo Phú Quốc và có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính…

Quê hương - sơn mài

Cao Lê Quang - một giáo viên mỹ thuật Huế đã triển lãm và đấu giá tranh hỗ trợ đồng bào bị chất độc da cam trong chương trình nghệ thuật đầy xúc động, thiêng liêng “Tổ quốc trên biển cả” tại Phú Quốc - nơi ghi dấu bao sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những người tù cách mạng trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Sinh năm 1976, quê ở Phong Sơn (Phong Điền), hiện họa sĩ Cao Lê Quang là giáo viên mỹ thuật của Trường THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế). Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế, anh đi dạy và bắt đầu hướng sáng tác vào những chủ đề mang đậm tính nhân văn về cuộc sống của những người bị tàn phế, chịu những nỗi đau bởi chiến tranh và những góc khuất biệt lập về thời hậu chiến với góc nhìn xoáy vào nội tâm của mỗi nhân vật, sự kiện, cuộc đời.

Bình yên trên biển cả - sơn mài

Sau khi hoàn thành học thạc sĩ thị giác tại Thái Lan năm 2014, họa sĩ Cao Lê Quang trở về Việt Nam và tiếp tục sáng tác, tổ chức nhiều triển lãm, trong đó, đáng chú ý là triển lãm cá nhân “Nỗi đau và chiến tranh” năm 2013 tại Huế của anh khiến đông đảo công chúng Huế ngạc nhiên, bởi người họa sĩ trẻ này đã quan tâm và khai thác đến gần như mọi góc cạnh của di chứng bom napan, sự hủy hoại của chất độc hóa học với thiên nhiên, con người và sự chịu đựng của bao người tù cách mạng bởi di chứng tra tấn dã man của kẻ thù.

Triển lãm “Tổ quốc trên biển cả” với 42 tác phẩm được trưng bày với chất liệu tổng hợp, qua nhiều cách nhìn và thể hiện bằng lối tư duy hiện thực đến khái quát trừu tượng cùng một số kỹ thuật tạo hình như đắp nổi với kỹ thuật tả chất mạnh bạo. Tại triển lãm này còn có một số tác phẩm âm nhạc cùng trong một cung bậc cảm xúc của đề tài đầy sâu lắng và bi hùng, trong đó có cả ca khúc anh tự sáng tác, tự trình bày. Tranh của Cao Lê Quang chỉ ra chiều sâu câm lặng, chịu đựng của những người đang từng ngày sống cùng nỗi ám ảnh và di chứng của chiến tranh. Những bức sơn dầu của Quang không phô diễn kỹ thuật, sự mượt mà, mà khai thác chất cảm xù xì của sơn mài đắp keo tạo hình, cái lạnh đến gai rợn của sắc xanh tím,  trắng đen, các khoảng tối trên tranh có sự thu hút liên tưởng mạnh mẽ.

Quang thức tỉnh người xem không phải ở kỹ thuật diễn tả mà ở sự nhấn mạnh “vết thương và nỗi đau” trong những khuôn mặt đượm buồn đầy nén chịu, những sự vặn vẹo của hình thể, đó là di chứng của chiến tranh bạo tàn mà một dân tộc phải gánh chịu, nó thể hiện quá chân thực trong mỗi hình tượng mà Cao Lê Quang biểu tả.

Chứng kiến nỗi đau của gia đình và quê hương, dù đất nước đã hòa bình nhưng  Cao Lê Quang không thể không bị ám ảnh trước mắt là người thân, quê hương, làng xóm, đất đai bị ô nhiễm chất độc hóa học, sự khô cằn và chưa thể hồi sinh do bom đạn gây ra. Anh vẽ bằng tâm huyết và trách nhiệm để lên án chiến tranh như bức tranh “The War and Pain” của anh được chọn trưng bày tại triển lãm PAIN danh tiếng của Hoa Kỳ năm trước đây và khuynh hướng này lại rất đậm nét trong triển lãm “Tổ quốc trên biển cả” hôm nay.

Nỗi đau - sơn mài

Trong tự thuật, Cao Lê Quang thổ lộ, sinh ra trên vùng đất chứa đầy mùi thuốc súng, gia đình của anh cũng như bao gia đình khác ở quê hương đều tham gia kháng chiến. Bố anh là thương binh của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là người tù, một người hoạt động cách mạng, bị bom cháy của kẻ thù đốt bỏng gần như toàn cơ thể, rồi bị rơi vào tay giặc, chịu sự giam cầm, tra tấn dã man qua 5 năm tại nhà tù Côn Đảo. Ông luôn phải sống trong sự đau đớn cơ thể dày vò do di chứng tội ác chiến tranh và sự hủy hoại của chất độc hóa học còn lại, ông mất năm 2015 khi không thể chịu đựng hơn nữa. Cao Lê Quang đã tìm đến nhà tù Phú Quốc, đứng trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, anh không kìm nén được nước mắt và nỗi niềm, điều đó  trở thành nguồn cảm hứng để anh sáng tạo nên các tác phẩm thể hiện những con người đã đứng lên để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.

“Tôi đã chứng kiến những nỗi đau của gia đình, quê hương và khó mà quên được cảnh người cha đau đớn bởi bệnh tật do di chứng chiến tranh. Những điều đó luôn đi theo trong ký ức và tồn tại trong cuộc sống của tôi. Triển lãm này không chỉ là sự tri ân, tưởng nhớ về bao anh hùng liệt sĩ cách mạng mà tôi còn muốn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, chiến tranh và sự mất mát có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng ta không nhớ về quá khứ để cảnh giác hơn, yêu quý hơn nữa giá trị của hòa bình”, họa sĩ Cao Lê Quang bày tỏ.

Những nỗi niềm của họa sĩ Cao Lê Quang thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm của anh tại triển lãm “Tổ quốc trên biển cả” đã tạo nên một sự mới lạ, khác biệt trong nghệ thuật đương đại, đưa nghệ thuật đến gần gũi với mọi tầng lớp xã hội với tính giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sâu sắc về lòng yêu nước và sự khát khao hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc.

Giải nhất triển lãm giáo viên mỹ thuật thành phố Huế năm 2009, giải nhì năm 2011 và 2013. Tham gia triển lãm Mỹ thuật Mekong Art tại Thái Lan năm 2011 và 2012. Triển lãm mỹ thuật cá nhân “Nỗi đau và chiến tranh” tại Huế năm 2013. Triển lãm mỹ thuật quốc tế “PAIN” tại Hoa Kỳ năm 2014 và vừa qua, ngày 27/4/2017, họa sĩ Cao Lê Quang khai mạc triển lãm với chủ đề  “Tổ quốc trên biển cả” tại Phú Quốc .

Bài, ảnh: PHAN THANH BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top