ClockThứ Tư, 13/02/2019 05:45

Tỏi Lý Sơn “made in Huế”

TTH - Đó là hướng nghiên cứu vừa được nhóm giảng viên, sinh viên Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế triển khai thành công. Kết quả thử nghiệm cho thấy, năng suất chất lượng không thua kém khi trồng tại Lý Sơn-Quảng Ngãi, mở ra nhiều cơ hội cho nông dân Huế…

Đại học Huế khen thưởng khuyến khích tài năng sinh viên và tuyên dương thủ khoa30 sinh viên Trường ĐH Sư phạm được nhận học bổng AMA

Tỏi Lý Sơn trồng tại Huế

Kỳ công nghiên cứu

ThS. Phùng Thị Bích Hòa, chủ nhiệm công trình “Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa của tỏi Lý Sơn trồng tại Thừa Thiên Huế” cho biết, để thực hiện công trình này, nhóm phải mất hơn 1 năm và tiến hành rất nhiều giai đoạn, đòi hỏi sự tâm huyết và công sức.

Tỏi Lý Sơn là giống tỏi có thành phần dược liệu cao, đang được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng; đồng thời, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người nông dân. Đáng tiếc, tại Huế hầu như chưa có công trình nghiên cứu và thử nghiệm trồng loại tỏi này.

Bắt tay vào nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên Khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm phải thu mua một lượng lớn tỏi giống ngay tại “thủ phủ” của loại củ này. Chỉ việc chọn lọc tỏi giống, đã đòi hỏi sự kỳ công. Những củ tỏi muốn nhân giống tốt phải chắc, không bị sâu bệnh. Với số lượng hơn 10kg tỏi giống, việc lựa chọn không thể qua loa.

“Nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn. Vất vả nhất của chúng tôi là quá trình chuẩn bị đất. Dù được nông dân tại hai xã Vinh Thanh (Phú Vang) và Quảng Thái (Quảng Điền) hỗ trợ đất trồng, song ngoài đất cát, phải bổ sung một lượng đất phù sa. Quá trình làm đất rất mất công, phải cào lớp cát mặt lại thành đống rồi tiếp tục nạo sạch lớp cát sát lớp đất bazan sau đó mới bồi một lớp đất đỏ bazan dày khoảng 1 – 2 cm và đầm chặt. Điều quan trọng, lớp đất này phải được lấy ở những vùng có đất phù sa lân cận, sau đó bón phân lót và trải lớp cát cũ”, ThS. Phùng Thị Bích Hòa nói.

Điểm đặc biệt là nhóm nghiên cứu gồm 4 người đều là nữ (hai giảng viên, hai sinh viên), trong khi kinh phí được cấp hạn hẹp (15 triệu đồng), vì thế mọi hoạt động điều phải “liệu cơm, gắp mắm”.

ThS. Phùng Thị Bích Hòa (phải) cùng sinh viên nghiên cứu các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa của tỏi

Nhiều triển vọng

Đến cuối năm 2018, công trình nghiên cứu này được nghiệm thu thành công. Ngoài vùng đất cát Vinh Thanh tương thích điều kiện thổ nhưỡng của Lý Sơn thì tại vùng đất cát nội đồng Quảng Thái, chất lượng và năng suất tỏi cũng không thua kém tỏi được trồng tại Quảng Ngãi. “Tỷ lệ nảy mầm của tỏi gần như 100%, số lá/cây của tỏi trồng hay chiều dài thân giả, trọng lượng tươi và khô của tỏi khá tương đồng với tỏi Lý Sơn. Đặc biệt, hàm lượng thành phần sinh hóa cơ bản của dịch chiết tỏi là khá cao, điển hình như tại Vinh Thanh thì hàm lượng protein của tỏi chiếm 5,15g/100g. Các yếu tố hàm lượng tinh dầu, vitamin C, hàm lượng các hợp chất sulfua đều rất tốt”, ThS. Phùng Thị Bích Hòa nói.

Thành công của nghiên cứu mở ra nhiều kỳ vọng, nhất hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người nông dân. Theo đại diện nhóm nghiên cứu, do biến đổi khí hậu khiến những cây trồng truyền thống dần dần giảm năng suất. Trong khi đó, tỏi Lý Sơn đang có thị trường tốt, giá thành cao và người nông dân có thể trồng thay thể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một vụ trong năm. Theo tính toán của các tác giả, ngoài Vinh Thanh và Quảng Thái, có rất nhiều xã ven biển tại Thừa Thiên Huế có thể thử nghiệm trồng loại tỏi này, góp phần hỗ trợ người nông dân làm kinh tế theo hướng đi mới.

Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu lên men tỏi Lý Sơn thành tỏi đen giúp cho việc bảo quản tốt hơn và giá thành bán ra cao hơn.

Một trong những kỳ vọng nữa là tạo ra hướng khởi nghiệp cho sinh viên. Kết quả nghiên cứu ban đầu trong việc trồng thử nghiệm thúc đẩy những nghiên cứu tiếp theo cho giống tỏi này.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bánh trung thu “made in Huế”

Bên cạnh các nhãn hiệu truyển thống như Phúc Hưng, Thuận Long, Thanh Thúy… bánh trung thu sản xuất tại Huế còn hiện diện thêm các nhãn hiệu như Midori Sweets, Võ Hoàng Hà, Bếp và Bánh... Sự đa dạng của nguồn cung giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn.

Bánh trung thu “made in Huế”
Return to top