ClockThứ Sáu, 29/07/2016 15:46

Tôi viết trường ca “Đêm trên cát”

TTH - Có những tác phẩm được viết ra ngỡ như hết sức tình cờ. Và dù tôi là người ngưỡng mộ nồng nhiệt Chu Thần Cao Bá Quát, nhưng từ ngưỡng mộ tới viết được cái gì đó về thần tượng của mình, con đường ấy xa lắm.

Chu Thần Cao Bá Quát. Ảnh: TL

Nhớ cái ngày tôi và Ngô Thế Oanh đưa nhà thơ Tế Hanh từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi chơi, địa chỉ đầu tiên chúng tôi hướng tới là nhà bác sĩ San, tục gọi là ông San “mập” - một người bạn vừa văn chương vừa đời thường vừa tiếu lâm, đúng là “3 trong 1”. Nhà anh San như một trung tâm tụ tập bạn bè, nhất là bạn văn nghệ ở cái thị xã Quảng Ngãi nhỏ bé hồi đó. Sau khi hàn huyên ở nhà bác sĩ San, buổi chiều hôm ấy chúng tôi đưa nhà thơ Tế Hanh sang nhà bác Nguyễn Trung Hiếu, lúc bấy giờ đang làm “sếp” đài truyền thanh thị xã, gọi là “thăm chơi”. Bác Hiếu rất hiểu “ý nghĩa” của cuộc “thăm chơi” này, nên đã huy động bạn bè, kẻ góp rượu, người góp mồi nhậu. Và chúng tôi lại “lê thị liên hoan”.

Đã quen thân với nhà thơ Tế Hanh từ trước đó, nhưng tôi không nghĩ ông lại dễ tính và hoà đồng như thế với các bạn văn nghệ tuổi em, tuổi cháu mình. Thực ra, Tế Hanh rất thật thà và dễ thương. Ông không phải “đệ tử lưu linh”, nhưng buổi tối hôm ấy ở nhà anh Hiếu là một Tế Hanh đầy hứng khởi và uống… rất được. Mặc dù rượu ở đó chỉ là rượu mật mía, có ngâm cái gì đen đen gọi là… rượu thuốc, nhưng chúng tôi đã uống rất hào sảng, và cảm thấy ngon như lúc uống rượu tây ở nhà bác sĩ San.

Rượu vào, lời ra, trăng đã trên đỉnh đầu, và lúc ấy… tự dưng, hình như là Ngô Thế Oanh nhắc tới bài thơ “Trà giang thu nguyệt ca” của Cao Bá Quát. Tế Hanh đang hào hứng ca ngợi bài thơ này hết lời, bất chợt tôi chen ngang: “Em sẽ viết một trường ca về Cao Bá Quát, chỉ dồn nén trong một đêm của nhà thơ. Sau một đêm thức trắng, mái tóc bạc của Cao Chu Thần bỗng… xanh lại.” Thực lòng, tôi không thể hiểu vì sao lúc đó mình nói như thế, cứ như cái trường ca ấy đã nằm trong đầu mình lâu lắm rồi. Và cả mái tóc bạc chuyển thành… xanh của Cao Chu Thần chỉ sau một đêm suy nghĩ, cứ như tôi đã nghiền ngẫm hình ảnh ấy từ lâu lắm. Thực ra, đó chỉ là câu nói buột thốt, nhưng hình như nhà thơ Tế Hanh - một người rất nhạy cảm -hiểu câu nói ấy như một lời hứa. Ông động viên: “Em phải viết đi. Cái tứ ấy hay lắm!”.

... Sau mấy tháng “tích điện”, tôi đã viết được những dòng thơ đầu tiên. Tôi chỉ có thể viết từng đoạn, từng đoạn, nhiều khi bị ngắt quãng chút ít vì phải di chuyển từ Quy Nhơn ra quê Mộ Đức - Quảng Ngãi và ngược lại, nhưng tôi cảm thấy, chưa có trường ca nào tôi lại viết được liền mạch như thế. Những câu thơ cứ tuôn ra một cách như dễ dàng, như nhẹ nhàng. Tôi viết từng đoạn trong một cuốn sổ tay, rồi viết lại trong máy chữ. Có những đêm ngồi ở nhà thầy má tôi tại quê, nhà không có điện, tôi thắp ngọn đèn dầu hiu hắt và viết.

Những lúc ấy, giữa bóng đêm và bóng đèn nhập nhoạng, cứ như Cao Chu Thần hiện về trước trang giấy, lặng lẽ chuyện trò cùng tôi. Đó là những phút giây thật sự hạnh phúc. Trong cuộc đời không dài nhưng đầy giông bão của mình, Cao Bá Quát đã có lần tới Quảng Ngãi. Ông đã đi thuyền trên sông Trà, đã kịp đánh bạn với một hàn nho quê ở bên bờ sông Trà (có lẽ thuộc huyện Sơn Tịnh bây giờ) và đã viết một bài thơ đứng vào hàng kiệt tác trong thơ Việt, bài “Trà giang thu nguyệt ca”. Một sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nếu không có người bạn quê bên bờ sông Trà ấy, làm sao Cao Chu Thần viết được “Trà giang thu nguyệt ca” ?!

Thơ Cao Bá Quát là thơ mà mỗi thế hệ lại có thể khám phá những điều mới lạ tùy điểm nhìn của mình. Từ thế kỷ 19, thơ Cao Chu Thần đã mang đậm bản sắc cá nhân, mạnh mẽ khẳng định cá tính sáng tạo của mình, bất chấp những ràng buộc khắc nghiệt của thể chế phong kiến. Nhà thơ Cao Bá Quát trong khi vẫn là nhà nho thì đã có những suy nghĩ, những sáng tạo vượt quá khuôn khổ một nhà thơ - nho học.

Ở một phía khác với Nguyễn Công Trứ, nhưng giống như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát là nhà thơ đầy cá tính, và quyết liệt giữ cá tính, giữ cách suy nghĩ đi trước thời đại của mình. Ông không thể thích hợp với thời mình sống, và có cái nhìn xa hơn nhiều nhà thơ cùng thời.

Tôi muốn hình dung một Cao Bá Quát “của riêng mình” trong “Đêm trên cát” từ điểm nhìn ấy. Và, chưa bao giờ tôi viết một bài thơ dài hơn 600 câu mà luôn trong trạng thái gần như “đang cơn” như thế. Linh hồn Cao Chu Thần đã phù hộ tôi, dắt dẫn tôi trong từng đoạn thơ, hay chính tôi trong trạng thái bất thường như thế đã “bắt sóng” được với thơ Cao Chu Thần - nghĩa là bắt sóng được với phần tâm huyết, sâu kín của nhà thơ.

Nếu đọc kỹ thơ Cao Bá Quát, ta sẽ không ngạc nhiên về bước đường tư tưởng và hành động của ông, kể cả quyết định dấn thân cuối cùng là trở thành lãnh tụ khởi nghĩa nông dân. Tôi muốn cô đặc cả hành trình dài đầy phức tạp ấy của Cao Bá Quát vào một đêm thức trắng của ông. Một đêm cho cả một đời. Ở “Đêm trên cát” thì khi viết đoạn kết trường ca, hình ảnh “mái tóc bạc của Cao Bá Quát bỗng xanh cả lại” đã không xuất hiện như hình ảnh chợt đến với tôi ban đầu. Thay vào đó, là hình ảnh một quả cây: “khi quả cây chín được trên cành/ nó không lo bao giờ rụng xuống” - một quyết định nhận đường bình thản. Sự thay đổi đã lặn vào bên trong, không hiện rõ như hình ảnh “tóc bạc - tóc xanh”, nhưng cách khẳng quyết về một khả năng sống lại thì đã rõ.

“Cỏ bồng bềnh câu thơ hoang dại

cánh đu tiên mùa xuân

ta đã bay quá lằn mức đời mình

trên cả dao động và yên tĩnh”

(Đêm trên cát)

Thơ Cao Bá Quát, tôi nghĩ, luôn “bay quá” một cái gì. Và cho tới bây giờ, sau hơn 160 năm (Cao Bá Quát mất năm 1855) thơ ông vẫn tiếp tục “đánh đu” trên cả dao động và yên tĩnh.

THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Tìm cách lưu giữ tác phẩm mỹ thuật giá trị cho Huế

Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động của bảo tàng. Không có hiện vật thì không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Hiện vật vừa là trung tâm, vừa là điểm xuất phát của bảo tàng. Ngoài phát huy hai bộ sưu tập của họa sư Lê Bá Đảng và điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, một trong nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng sau khi được thành lập đó là hình thành bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật.

Tìm cách lưu giữ tác phẩm mỹ thuật giá trị cho Huế
Những bình yên bên hiên nhà

Ngày mùa đông thảnh thơi ngồi bên bếp lửa hồng, thong dong ngắm nhìn mưa bay và gió lạnh chầm chậm dừng chân bên thềm nhà. Chỉ có sự an yên tràn trong chái bếp nhỏ. Bữa cơm thanh lành giữa chiều bình dị đầy tiếng chim lích chích trong khu vườn xanh bóng lá. Những bức tranh yên ấm ấy, luôn trở đi trở lại trong tập thơ, tản văn “Tiếng mưa” (NXB Dân Trí, 2023) của Lê Bích Nguyệt như nỗi khát khao về một nhịp sống đầy tự tại bên cây cỏ, hoa lá, để năm tháng cứ thế bình lặng đi qua hết dâu bể cuộc đời.

Những bình yên bên hiên nhà
Return to top