ClockThứ Sáu, 13/07/2018 05:45

Tôn Thất Long – người con ưu tú của Huế

TTH - Nhà văn Ngọc Trai, kết thúc hồi ức về người anh Tôn Thất Long của mình đã viết: “Đúng là anh chị biết sống có lý tưởng, phẩm hạnh, đầy tình nghĩa nên cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng”.

Tự hào về Tôn Thất Tùng, người con xứ Huế

 

 Liệt sĩ Tôn Thất Long

Lần đầu, tôi biết tên anh Tôn Thất Long một cách tình cờ, lại nhờ một… Việt kiều Pháp, trong lần chị về thăm Huế nhiều năm trước đây. Chị hoạt động trong một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ trẻ em Việt Nam.

Hôm ấy, tôi cùng chị đến một trường mẫu giáo trong Thành Nội Huế, khi thăm nhà chị Khương, tôi bỗng nhìn thấy tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và bằng “Huân chương Độc lập” ghi tên Tôn Thất Long. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, chị nói khẽ: “Thế anh không biết chị Khương là con dâu cụ Thượng Lạc Viên à? Anh Long từng là Thành ủy viên Huế...”.

Nghe hai “thông tin” khá là đặc biệt, tôi thầm nhủ sẽ trở lại gặp chị Khương để tìm hiểu thêm. Nhưng rồi những công việc khác cuốn đi. Cho đến gần đây, sau khi tập Kỷ yếu “Lạc Viên Xưa & Nay” ra đời, qua rất nhiều kỷ niệm của các anh chị em ruột với liệt sĩ Tôn Thất Long, tôi đã “gặp” người con trai của cụ Thượng Lạc Viên đi theo “tiếng gọi non sông” ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, một người con ưu tú của Huế mà có lẽ nhiều người chưa biết.

Chuyện gia đình đông đúc của cụ Thượng Lạc Viên đến với cách mạng thì phải một trường thiên tiểu thuyết mới kể hết, như cuộc đời của  “cặp đôi hoàn hảo” Ngọc Toản-Cao Văn Khánh; cặp đôi Tôn Nữ Thị Cung-Đặng Văn Ngữ- một “thiên tình sử” có sức lay động; hay người anh rể anh hùng-liệt sĩ-bác sĩ Đặng Văn Ngữ và người em rể Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh. Riêng hồi ức của người anh là thầy Tôn Thất Lôi và cô em Ngọc Trai có thể giúp chúng ta hình dung được hình ảnh một trí thức Huế dòng dõi hoàng tộc đã chiến đấu kiên cường trước kẻ thù…

Nhà phê bình Ngọc Trai, nguyên Phó Tổng Biên tập báo “Văn Nghệ” kể về anh trai mình: “… Anh Long, anh Lôi đều là hướng đạo sinh. Anh Long ngoài hoạt động truyền bá quốc ngữ còn tham gia cứu đói suốt vùng ven biển Phú Vang. Anh cùng các hướng đạo sinh kéo xe bò đi nhặt xác người chết đói và chôn cất họ trong nạn đói năm 1945, rồi tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại huyện Phú Vang. Sau ngày Bảo Đại thoái vị… trong gia đình có 4 thanh niên vừa đủ tuổi đều tòng quân Nam tiến…”.

Nhà giáo Tôn Thất Lôi - anh trai Tôn Thất Long - cùng ghi tên vào Giải phóng quân Huế từ ngày đầu Cách mạng, nhắc lại kỷ niệm ngày đầu vào Giải phóng quân Huế: “… Tôi tình cờ đọc báo Giải phóng quân biết tin chú Long ở mặt trận Lào, trong khi trung đội bị vây ở Tchêpôn, tình nguyện hóa trang thành người Lào về cấp báo cho đại đội. Giữa đường bị địch bắt, cột vào thân cây bên đường, đánh đập tra khảo, cho uống nước độc rồi bỏ đi. Chú đã tự cởi trói về báo kịp cho đại đội rồi bị ngất xỉu, phải chở về Bệnh viện Huế mới cứu được…”.

Sau đó, cả hai anh em vào chiến đấu tại mặt trận Nha Trang cho đến lúc bị thương phải đưa về Bệnh viện Huế. Chị Ngọc Trai kể tiếp: “…Khi giặc tái chiếm TP. Huế, anh Long được chỉ định ở lại hoạt động nội thành, vừa công khai làm việc tại các hãng tư nhân của Pháp để che mắt địch, vừa bí mật làm công tác trí thức vận. Anh tổ chức Liên đoàn công chức kháng chiến Thuận Hóa, tập hợp các nhân sĩ trí thức… Tiêu biểu có bác sĩ Lê Khắc Quyến, vợ chồng bác sĩ Thân Trọng Phước, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, bác sĩ Diệm Chi, Lâm Bạch Mẫu Đơn… Các trí thức này tích cực tuyên truyền vận động kháng chiến, quyên góp tài chính, vật tư như máy đánh chữ, súng đạn, thuốc men, văn phòng phẩm.

Để che mắt địch, anh Long không ở tại nhà dì Ba (tức là mẹ của anh) mà khi thì ở với chị Kinh tại phố Chi Lăng, khi thì ở trên lầu của khuôn viên nhà thờ. Tại đây, anh đã làm một cái kho sát nóc nhà lầu để giữ tài liệu, vật dụng, súng đạn trong thành chuyển ra giúp kháng chiến. Nhà lầu cũng là nơi anh đón tiếp các cán bộ ở chiến khu như anh Hùng, anh Lén, anh Thị… về họp hành cùng với các đoàn thể trong thành phố… Phong trào rầm rộ, địch bị quấy rối đến điên đầu nên chúng ra sức khủng bố. Anh Long bị địch bắt, tù đày, tra tấn nhiều lần…”.

Trước khi được “tổ chức” đưa ra học ở Nghệ Tĩnh rồi sang Trung Quốc, chị Ngọc Trai ở lại học Trường Đồng Khánh, hoạt động trong Đoàn Học sinh kháng chiến, trực tiếp làm liên lạc cho anh Long nên biết rõ các đầu mối.“Ngày ấy, do có anh Long nên nhà tôi ở Lại Thế vô hình chung biến thành một trạm liên lạc chung cho nội thành Huế.

Các liên lạc từ chiến khu, từ vùng tự do, trước khi muốn vào Huế đều ghé qua Lại Thế nắm tình hình; nếu biết có bảo an hay an ninh đang kiểm tra ở Đập Đá thì liên lạc phải tạm dừng ở Lại Thế. Lúc này, nếu có thư từ gì cần kíp phải chuyển ngay trong ngày, các liên lạc đều nhờ tôi mang đi; tôi nhét vào giữa bọc vở, khi đi học thường rủ nhiều bạn bè ở Vỹ Dạ kéo lũ lượt, vừa đi vừa nô đùa rất nhí nhảnh nên bọn an ninh không để ý… Có lần tôi đã kịp mang thư đến phố Cầu Đất báo để anh Lý (tức Đài, phụ trách Hội kháng chiến Thuận Hóa) trốn thoát trước khi mật thám ập đến nhà định bắt anh. Trường hợp đối với anh Long thì không được may mắn như vậy. Hồi này anh Long đang ở với chị Kinh tại Gia Hội. Tôi đến bảo anh ra ngay bến sông,bơi qua Cồn Hến đã có người đón. Anh Long chuyển vội cho tôi một số tài liệu… nhưng anh vừa lao ra bến thì địch đã đi ca nô ập vào, túm lấy anh đưa vào nhà, đánh đấm anh túi bụi, kéo anh ra khỏi nhà đưa lên xe, mồm miệng anh đầy máu. Chúng giam anh trong cơ quan an ninh ở Canh nông… Chị Đại và tôi, thỉnh thoảng có thêm chị Cung luân phiên đi thăm nuôi anh và thường xuyên phải nghe tiếng la hét rùng rợn khi chúng tra khảo anh và các tù nhân khác…”.

Không chỉ một lần như thế. Gia đình nhờ bà Từ Cung can thiệp và do không có bằng chứng, chúng phải thả anh ra. Mặc dù bị tra tấn dập phổi, ho ra máu, rồi bị lao, anh vẫn tiếp tục hoạt động, để rồi lại bị bắt. Cho đến năm 1964, anh qua đời…

Cuộc sống hạnh phúc gia đình của anh quá ngắn ngủi. Anh lập gia đình năm 1954 với cô giáo Hoàng Thị Khương, cũng là một cán bộ hoạt động nội thành. Thật may là anh chị đã kịp có con trai, con gái và nay cháu chắt đều đã trưởng thành. Cô Tôn Nữ Ngọc Thanh đã ghi lại nhiều kỷ niệm không quên về “đức tính nghị lực và lòng can trường” của mẹ Khương trong những năm tháng nuôi hai con nhỏ.

Tôi trở lại thăm chị Khương ở phía sau Tam Tòa. Chị Khương nay đã gần 90 tuổi, đi lại phải tựa xe đẩy, tai lãng nhưng mắt còn tinh. Trên bàn là một xấp báo mà chị đọc hàng ngày. Trường mẫu giáo mang tên con gái chị (Ngọc Thanh) gồm mấy lớp, đến nay vẫn hoạt động liên tục. Các con, cháu và chắt của chị, phần lớn đang làm việc, học tập ở xa, nhưng ngày ngày quanh chị vẫn luôn có đàn cháu nhỏ vui chơi bên những bộ bàn ghế sạch bong, màu sắc thanh nhã - thế hệ măng non sẽ tiếp nối sự nghiệp mà liệt sĩ Tôn Thất Long đã cống hiến cả cuộc đời mình.

Nghe tôi nhắc bài chị Ngọc Trai viết về anh Long, chị Khương liền nói: “Chỉ mươi ngày nữa là giỗ anh Long…”. Phải rồi! Anh Tôn Thất Long mất vào một ngày giữa tháng 7, khi mới 37 tuổi! Tôi xin phép vào thắp nén hương lên bàn thờ anh. Dù khó khăn, chị cũng bước tới, đôi mắt tinh anh kính cẩn hướng lên di ảnh người chồng thân yêu đã xa cách hơn nửa thế kỷ!

 Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top