ClockThứ Năm, 21/06/2018 06:50

Tổng thống Trump ký lệnh chấm dứt chia cắt các gia đình di dân ở biên giới

TTH.VN - Ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp chấm dứt việc tách trẻ em di cư ra khỏi cha mẹ chúng ở biên giới Hoa Kỳ, đảo ngược một chính sách nghiêm ngặt trước đó dưới áp lực nặng nề từ các thành viên đảng Cộng hòa, Dân chủ và cộng đồng quốc tế.

Mỹ: 3 ngày quyên được hơn 3 triệu USD giúp người tị nạnTổng thống Trump muốn bức tường biên giới trong kế hoạch di cưSố người tị nạn vào Mỹ giảm gần 50% dưới thời Tổng thống Trump

Tổng thống Trump ký lệnh chấm dứt chia cắt các gia đình di dân ở biên giới. Ảnh: AFP

Lệnh hành pháp mới được đưa ra sau khi hơn 2.300 trẻ em bị tách khỏi cha mẹ và người thân khi vượt qua biên giới để vào Mỹ một cách bất hợp pháp kể từ ngày 5/5 vừa qua và được đưa vào các lều trại và các cơ sở khác, không có cách nào để liên lạc với người thân. Những hình ảnh về sự chia cắt này đã gây phẫn nộ và bất đồng giữa nội bộ đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump, cũng như các cáo buộc quốc tế rằng Hoa Kỳ đang vi phạm nhân quyền.

Phát biểu khi ký lệnh hành pháp hôm qua, Tổng thống Trump cho rằng, "những gì chúng tôi làm hôm nay là giữ các thành viên gia đình lại với nhau", "tôi không thích cảnh tượng hay cảm giác các gia đình bị chia cắt".

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng ngay cả với sự thay đổi này, chính phủ sẽ vẫn mạnh tay về vấn đề di dân. Nếu không, nước Mỹ sẽ tràn ngập người nhập cư lậu, tội phạm, và nhiều vấn đề không mong muốn khác. "Chúng tôi muốn đảm bảo an ninh cho đất nước", "và chúng tôi sẽ có điều đó. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng có lòng nhân từ, muốn giữ các gia đình bên nhau", Tổng thống Trump cho hay.

Theo sắc lệnh mới, Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm cho các gia đình di dân, không phải Sở Tư pháp và Y tế - Dịch vụ Nhân sinh như chính sách trước đây. Sắc lệnh mới cũng cho thấy, chính phủ có ý định giữ các gia đình vô thời hạn trong khi họ chờ được giải quyết các thủ tục về di trú. Điều này sẽ là một thách thức với đạo luật hiện tại, Thỏa thuận Flores năm 1997, đặt ra giới hạn giam giữ 20 ngày đối với trẻ em. Theo đánh giá, động thái đó có thể dẫn đến những trận chiến pháp lý mới trong chính quyền.

Hình ảnh đau lòng

Hình ảnh bé gái Honduras khóc nức nở khi mẹ bị giới chức Mỹ khám xét ở biên giới Mỹ - Mexico hôm 12/6 làm dư luận "dậy sóng". Ảnh: John Moore

Trước đó, khi các nước kỷ niệm Ngày tị nạn thế giới vào hôm qua, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Canada Justin Trudeau… và Đức Giáo hoàng Francis, đều bảy tỏ sự bất đồng đối với việc chia rẽ trẻ em và gia đình trong chính sách "không khoan nhượng" của Tổng thống Trump .

Thủ tướng May cho biết, hình ảnh những trẻ em di cư bị giữ trong chuồng đã "gây xáo trộn sâu sắc". Đức Giáo hoàng Francis chia sẻ trên Twitter rằng, "nhân phẩm của một người không phụ thuộc vào việc họ là một công dân, một người di cư, hay người tị nạn. Bảo vệ cuộc sống của một người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói là một hành động nhân đạo".

Sau khi suy giảm vào năm ngoái, kể từ tháng 10/2017, số lượng người di cư tìm cách vượt qua biên giới phía tây nam Hoa Kỳ từ Guatemala, El Salvador và Honduras, cũng như từ Mexico, đã tăng lên đáng kể. Chỉ từ tháng 3 đến tháng 5/2018, mỗi tháng có hơn 50.000 người bị bắt vì đã vượt biên trái phép từ Mexico. Khoảng 15% trong số đó là các gia đình, và 8% là trẻ em không có người đi cùng.

Gần như tất cả các gia đình đều yêu cầu chính thức xin tị nạn, với lý do bạo lực vẫn không ngừng ở nước họ.

Chính sách tách trẻ em ra khỏi cha mẹ và người thân đã được công bố vào ngày 7/5 vừa qua như là một biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, những hình ảnh và video đau lòng của những đứa trẻ la hét và khóc lóc do bị chia cắt đã làm dấy lên sự phản đối từ đông đảo dư luận.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
Return to top