ClockThứ Năm, 13/12/2018 09:19
XÉT XỬ VỤ CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ KINH TẾ:

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

TTH - Các bị cáo Lê Hữu Lam, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Nguyễn Lợi, nguyên Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch, bị truy tố, xét xử về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng, 1,1 tỷ đồng (trong tổng số hơn 1,3 tỷ đồng bị quy kết làm thất thoát của Nhà nước) là khoản tiền chi phí hợp lý, được trích ra từ tiền công khoán việc của người lao động (NLĐ) và NLĐ đã đồng ý.

Cáo buộc cố ý làm trái

Trung tâm Tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm (trung tâm) trực thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tỉnh (nay là Trung tâm Xúc tiến tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh), là đơn vị sự nghiệp có thu, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là quy hoạch, đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực, việc làm, du lịch và dịch vụ, đất đai và tham mưu quản lý trên các lĩnh vực được giao. Nguồn thu chính của trung tâm là từ hoạt động dịch vụ đo vẽ lập bản đồ địa chính, những chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động dịch vụ đều được chi ra từ nguồn thu dịch vụ này.

Theo cáo trạng: Trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại trung tâm, lợi dụng chính sách tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có thu, ông Lam đã chỉ đạo nâng khống chi phí thực hiện công trình quy hoạch nông thôn mới. Đồng thời, đưa ra chủ trương khoán sản phẩm, nhằm tăng thu nhập NLĐ và trích tiền hoa hồng (tiền %) cho chủ đầu tư, nhằm duy trì công việc thường xuyên cho trung tâm, dẫn đến gây thiệt hại về tài sản cho trung tâm.

Theo đó, từ 2011 đến 2015, bị cáo Lam đã chỉ đạo bị cáo Lợi nâng khống chi phí giao khoán tiền công thực hiện công trình quy hoạch nông thôn mới 4 xã của huyện A Lưới từ 35% lên 75%, tương ứng với số tiền từ 172 triệu đồng lên 369 triệu đồng. Số tiền chênh lệch, ông Lam chỉ đạo để ngoài sổ sách, sử dụng vào các chi phí nhưng không có hóa đơn chứng từ, gây thiệt hại cho trung tâm hơn 197 triệu đồng.

Ngoài ra, từ 2011 đến 2014, trung tâm đã khoán tiền công 29 công trình, với khoản tiền công khoán việc là 3,3 tỷ đồng. Trong đó, trung tâm chỉ thực chi tiền công khoán sản phẩm cho NLĐ là 569 triệu đồng. Ông Lam đã chỉ đạo chi 1,6 tỷ để phục vụ cho lợi ích NLĐ, cán bộ công viên chức như lễ tết, ốm đau…; còn hơn 1,1 tỷ đồng còn lại, bị cáo Lam nhận từ thủ quỹ để đi chi tiền phần trăm giá trị công trình cho các chủ đầu tư (theo cáo trạng, quá trình điều tra, xác minh, đối chất, các chủ đầu tư đều không thừa nhận có nhận tiền từ bị cáo). Hành vi chi phần trăm cho các chủ đầu tư là làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho trung tâm số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà ông Lam và đồng phạm (ông Lợi) gây thiệt hại cho trung tâm là hơn 1,3 tỷ đồng.

Còn những điểm cần làm rõ

Bị cáo Lam lại cho rằng: 197 triệu đồng là chi phí có thật do cán bộ, nhân viên trung tâm tạm ứng để phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch nông thôn mới và phục vụ lợi ích cho cán bộ công nhân viên chứ không phải gây thiệt hại cho trung tâm. Theo bị cáo, khi triển khai lập đồ án quy hoạch 4 xã nói trên, do trung tâm không có kiến trúc sư nên đã ký hợp đồng với Công ty Kiến Châu để khoán một phần công việc với mức khoán bằng 35% giá trị công trình.

Phía Công ty Kiến Châu tạm ứng kinh phí (chứng từ tạm ứng gồm hợp đồng giao khoán và giấy đề nghị tạm ứng) để thực hiện phần việc của mình. Còn phần việc của trung tâm, cán bộ, nhân viên cũng tạm ứng kinh phí (chứng từ tạm ứng gồm kế hoạch thực hiện công việc và giấy đề nghị tạm ứng) để thực hiện. Sau khi hoàn thành công trình đã nghiệm thu thanh toán với chủ đầu tư, trung tâm đã tiến hành quyết toán việc giao khoán thực hiện công việc. Đối với Công ty Kiến Châu thì hồ sơ quyết toán đầy đủ. Còn đối với nội bộ trung tâm thì khi cán bộ, nhân viên tạm ứng tiền đi thực hiện công việc xong không xuất được hóa đơn, chứng từ thanh toán, nên không có cơ sở để thanh toán. Ngoài ra, trong thời gian trên, trung tâm cũng đã tổ chức cho cán bộ, công nhân viên, NLĐ như đi tham quan, du lịch… Với những khoản chi phí thực tế trên, nhưng không có hóa đơn chứng từ thanh toán, nên bộ phận kế toán đã tham mưu nhờ Công ty Kiến Châu thanh toán bằng cách Công ty Kiến Châu làm hồ sơ thanh toán các công trình từ 35% lên 75% với số tiền chênh lệch là 197 triệu đồng. Nghĩa là đưa chi phí mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn vào chi phí hợp lý, trong công tác lập đồ án quy hoạch nông thôn mới 4 xã ở  huyện miền núi A Lưới.

Về khoản 1,1 tỷ đồng chi hoa hồng cho các chủ đầu tư, bị cáo Lam cho rằng, đây là tiền công khoán của NLĐ, được NLĐ tự nguyện trích lại để thưởng cho các tập thể, cá nhân đã giao việc làm cho đơn vị từ 2011 – 2015, không phải là tiền của trung tâm và bị cáo không gây thiệt hại cho trung tâm, như VKS quy kết.

Những cán bộ, nhân viên, NLĐ được tòa triệu tập đến, đều thừa nhận có biết việc bị cáo Lam trích lại một phần tiền công của họ để dùng vào việc chi hoa hồng, không có ý kiến gì về số tiền này và không yêu cầu bị cáo phải trả lại số tiền này cho họ.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lam cho rằng: Cần xác định rõ khoản tiền 1,1 tỷ đồng dùng để chi hoa hồng, là tiền của trung tâm hay tiền của NLĐ? Theo cơ quan điều tra, cũng như trong thực tế vụ việc, thì đây là khoản tiền được trích ra từ tiền công khoán việc của NLĐ, họ đã ký nhận và đã được quyết toán sau khi hoàn thành xong 29 công trình. Họ cũng ý thức được việc ký nhận nhiều hơn thực nhận, nhưng không ai thắc mắc, khiếu nại. Tại phiên tòa, họ cũng khẳng định tiền này là của họ, và họ đồng ý trích lại để ban lãnh đạo đi giao dịch. Nếu NLĐ yêu cầu đòi lại tiền, thì bị cáo Lam có trách nhiệm trả lại tiền theo quan hệ dân sự. Nếu có tranh chấp xảy ra liên quan đến tiền công thì được giải quyết theo quan hệ dân sự chứ không phải hình sự hóa như hiện nay.

Sau 1 ngày xét xử, 2 ngày nghị án, TAND tỉnh đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, để kết luận chính xác về vụ án, tại phiên xét xử lần sau.

DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án

Sáng 15/3, Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sở thẩm vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” đối với 2 vợ chông Lê Văn Cầm và Nguyễn Thị Diệu Hiền (cùng SN 1987, cùng trú 3/113 Đào Duy Anh, phường Thuận Lộc, TP. Huế).

Hai vợ chồng cho vay lãi suất “cắt cổ” lãnh án
Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù

Chiều 12/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất mua túy” đối với hai bị cáo Trần Viết Thanh và Nguyễn Thị Anh Thi (cùng SN 2000, là vợ chồng, cùng trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế).

Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù

TIN MỚI

Return to top