ClockThứ Tư, 11/01/2012 21:58

Trả lại sự yên tĩnh cho Bệnh viện T.Ư Huế

TTH - Nằm trên địa bàn tương đối phức tạp về an chính trị và trật tự, an toàn xã hội, xung quanh Bệnh viện T.Ư Huế tập trung nhiều loại đối tượng, như: dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây ách tắc giao thông, các đối tượng cò bệnh nhân, xích lô, xe thồ trà trộn với những phần tử lưu manh, trộm cắp, móc túi có tiền án, tiền sự thường xuyên tụ tập ở các hàng quán. Tình hình này khiến không những bệnh nhân và người nhà lo ngại mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), ngăn ngừa tội phạm trong bệnh viện và tăng cường tuần tra, lập lại trật tự các tuyến phố xung quanh.

Góc khuất

 “Hằng ngày, Bệnh viện T.Ư Huế - một trong ba bệnh viện lớn của cả nước và là bệnh viện lớn nhất khu vực miền Trung - có trên 2,3 ngàn cán bộ, viên chức (CBVC) cùng với gần 3 ngàn sinh viên của các trường Đại học Y dược, Cao đẳng Y tế, Âu Lạc thường xuyên đến thực tập tại các trung tâm trực thuộc, các khoa, phòng chức năng. Ngoài 2,4 đến 2,6 ngàn bệnh nhân thường xuyên điều trị, mỗi ngày có 4 đến 5 ngàn lượt bệnh nhân đến khám và người thăm nuôi bệnh. Với lưu lượng người ra vào bệnh viện đông đảo (từ 14 đến 16 ngàn lượt người/ngày), công tác quản lý và kiểm soát các đối tượng rất khó khăn; nhất là các đối tượng xấu vì không thể kiểm tra giấy tờ” - Trưởng phòng Bảo vệ Bệnh viện T.Ư Huế Phan Thanh Hải trả lời khái quát với chúng tôi khi được hỏi về đặc điểm tình hình của đơn vị liên quan đến vấn đề ANTT.

Từ sáng đến tối, lực lượng nòng cốt là những người bảo vệ hết sức nhọc nhằn để bảo đảm trật tự đối với người thăm nuôi tại các khu vực có bệnh nhân đến khám và điều trị. Nơi đây thường xuyên xuất hiện các đối tượng hành nghề “cò mồi” chen lẫn, rủ rê bệnh nhân ra ngoài các phòng khám tư nhân để điều trị. Không ít trường hợp người nhà bệnh nhân còn chửi bới, đe dọa CBVC y tế và hành hung, dẫn đến trọng thương một số nhân viên bảo vệ phải nhập viện. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để thực hiện mục đích mang màu sắc chính trị khác. Ngoài ra, với những diễn biến của tình hình ANTT ngày càng phức tạp đang len lỏi vào các cơ sở khám, chữa bệnh, họ còn phải thường xuyên để mắt tới các loại tội phạm trộm cắp tài sản cơ quan, CBVC, bệnh nhân và người thăm nuôi; trộm cắp xe máy, xe đạp; móc túi, lừa đảo và cả giả danh công an để lừa đảo.


Khoa Cấp cứu là nơi thường bị các đối tượng gây hấn nên lúc nào cũng được lực lượng bảo vệ túc trực

Đó là bên trong bệnh viện, còn tình hình trật tự đô thị (TTĐT) bên ngoài (trước hai cổng tại đường Hai Bà Trưng và xung quanh bệnh viện) thì sao? Theo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh Bùi Ngọc Chánh, khu vực này là tụ điểm rất “nóng”, với thành phần vi phạm đa dạng và kinh doanh liều lĩnh dưới mọi hình thức. Sau nhiều lần chính quyền địa phương đồng loạt ra quân quyết liệt với sự huy động của các lực lượng chức năng phối hợp giải quyết, TTĐT cơ bản ổn định, nhưng việc tái lấn chiếm vẫn liên tục xảy ra.

Khắc tinh của tội phạm

Năm 2011, bệnh viện xảy ra 5 vụ gây mất trật tự (giảm 3 vụ so với 2010), lực lượng bảo vệ chuyển giao Công an Vĩnh Ninh xử lý hai vụ nhưng tính chất không nghiêm trọng. Qua kiểm tra, lực lượng này còn phát hiện 12 trường hợp các khoa, phòng quên khóa cửa trước lúc ra về và 20 đối tượng giả danh người nhà thăm nuôi ở lại ban đêm (chuyển giao Công an Vĩnh Ninh xử lý 5 đối tượng có biểu hiện nghi vấn).

9 vụ mất cắp tài sản tại bệnh viện cũng đã xảy ra, chủ yếu là tiền và điện thoại di động (giảm 5 vụ so với 2010) với tổng giá trị tài sản khoảng 24 triệu đồng. Lực lượng bảo vệ bắt 12 vụ trộm xe máy và phụ tùng, xe đạp, điện thoại di động, móc túi, lừa đảo tiền của bệnh nhân và người nhà (giảm 3 vụ so với 2010), tổng cộng khoảng 39 triệu đồng.

Tuy đặc điểm tình hình nói trên đặt ra không ít những khó khăn, nhưng công tác bảo vệ luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành. Đặc biệt, vai trò của các tổ chức quần chúng và ý thức trách nhiệm của CBVC bệnh viện thường xuyên được phát huy trong việc nêu cao ý thức cảnh giác, tích cực chủ động đấu tranh phòng, ngừa. Do đó, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và đấu tranh phòng, chống tội phạm tại đơn vị trong những năm qua đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Điển hình, trong lúc đang làm nhiệm vụ, các ông Nguyễn Đăng Dư (Tổ phó Tổ Bảo vệ) và Lê Văn Vũ (nhân viên bảo vệ) nghe tiếng tri hô và đuổi theo bắt quả tang Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, quê Hà Tĩnh, đang có lệnh truy nã của Công an Đắc Nông) vào lúc 13h30 ngày 30/12/2009, khi có hành vi cướp giật túi xách đựng 180 ngàn đồng của bệnh nhân tại Khu chữa bệnh Ngoại dịch vụ. Tiếp đó, trong lúc đang dùng chìa khóa vạn năng thực hiện hành vi trộm cắp xe máy lần thứ hai của nhân viên Khoa Dinh dưỡng, Trần Hữu Phương (21 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An) bị các ông Lương Nguyễn Cát Thi (Tổ phó Tổ Bảo vệ) và Nguyễn Hải Tưởng (nhân viên bảo vệ) mật phục bắt lúc 13h ngày 27/3/2010 cùng với tang vật. Hơn thế, phải mất nhiều thời gian theo dõi, ông Nguyễn Thái Sơn (Tổ trưởng Tổ Bảo vệ) mới tóm được Lê Thị Sương (37 tuổi, quê Điền Hải, Phong Điền) lúc 6 giờ 30 ngày 31/8/2010. Cách đó khoảng ba năm, đối tượng này thường thay hình đổi dạng, bịt mặt bằng khẩu trang rồi thoắt ẩn thoắt hiện tại nhiều nơi trong bệnh viện giả vờ nuôi người bệnh, nhưng lại chuyên dùng vàng giả để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo tiền, vàng và móc túi bệnh nhân.

Biện pháp phối hợp để lập lại TTĐT?

Để giải quyết TTĐT trước cổng bệnh viện, UBND phường Vĩnh Ninh cần thường xuyên huy động các lực lượng TTĐT, bảo vệ dân phố, bảo vệ bệnh viện giải quyết trật tự, xử lý vi phạm số đối tượng buôn bán trên vỉa hè, lòng đường Hai Bà Trưng với sự tham gia phối hợp của lực lượng công an phường kể cả các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc lễ, Tết. Khi không có các lực lượng trên, bảo vệ bệnh viện có trách nhiệm không cho bất cứ đối tượng nào buôn bán ngoài đường vào gửi đồ trong khuôn viên cơ quan; nhắc nhở các phương tiện tham gia giao thông không được đỗ xe trước cổng gây cản trở các phương tiện khác và các đối tượng buôn bán lẻ không được buôn bán trước hai bên cánh gà trước cổng. Khi có các lực lượng trên đến phối hợp, bảo vệ bệnh viện phải có trách nhiệm hỗ trợ. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, lực lượng bảo vệ sở tại báo cáo Phòng Bảo vệ bệnh viện giải quyết hoặc báo công an phường.

Hiện, số lượng xe máy của CBVC để trong bệnh viện quá nhiều, nhưng bãi đỗ xe không an toàn và số lượng người trông giữ xe không bảo đảm. Do đó, nhà xe phải tăng cường thêm người giữ xe để quan sát, giữ xe 24/24 giờ kể cả các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc lễ, Tết (với điều kiện CBVC nên thống nhất tăng tiền giữ xe). Các khoa, phòng lập danh sách số CBVC có nhu cầu gửi xe, biển số xe gửi lực lượng bảo vệ và công an phường biết (tránh trường hợp trước đây mất xe rồi đổ lỗi cho nhau là không đem xe vào gửi) để khi có trường hợp mất xe xảy ra thì căn cứ trên danh sách đăng ký để giải quyết.

Nhằm phối hợp công tác bảo đảm ANTT khu vực bệnh viện lâu dài, đề nghị Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo Công an TP Huế, Công an Vĩnh Ninh, Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Giao thông, UBND TP Huế chỉ đạo UBND phường tăng cường phối hợp với bệnh viện trong công tác bảo đảm ANTT, ngăn ngừa tội phạm trong đơn vị và tăng cường tuần tra, lập lại trật tự quyết liệt hơn nữa tại các tuyến phố xung quanh.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LIÊN QUAN

Trước đây có hàng trăm gánh, xách hàng hóa của cá nhân tụ tập trước bệnh viện để buôn bán,nhưng do các lực lượng TTĐT hoạt động ráo riết nên tình hình này đã hạn chế

Mỗi khi các đối tượng trộm cắp bị bắt quả tang đều được bệnh viện chụp ảnh để thông báo ở bản tin để bệnh nhân và người nhà cảnh giác, phòng ngừa

Vào ngày thứ bảy, chủ nhật và buổi tối các ngày trong tuần, nhà xe rất dễ bị mất cắp

 

 Bài và ảnh: Vĩnh Cự
 

NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ?

Trưởng phòng Bảo vệ Bệnh viện T.Ư Huế Phan Thanh Hải:

Cảnh giác với các đối tượng lợi dụng trộm cắp, móc túi và lừa đảo

Thời gian qua, tại bệnh viện xuất hiện một số đối tượng giả danh người nhà và lợi dụng việc thăm, khám, nuôi bệnh nhân để trộm cắp, móc túi và lừa đảo nơi đông người với nhiều thủ đoạn “thiên biến vạn hóa”.

Trong vai đi tìm bệnh nhân đang điều trị tại các phòng bệnh, khi phát hiện tài sản của bệnh nhân và người nhà để sơ hở, bất cẩn, bọn chúng thực hiện ý đồ trộm cắp, hoặc giả dạng cán bộ y tế, đối tượng dẫn bệnh nhân đi khám và tìm mọi mánh khoé lừa đảo để lấy tiền của họ đóng viện phí, xét nghiệm, mua thuốc... Hóa trang người nuôi bệnh, những kẻ này lân la làm quen với những người “đồng bệnh tương lân” rồi tìm mọi cách lừa vay tiền, tạm cầm vàng (giả). Lợi dụng chen lấn vào khu vực đóng viện phí để khám, chúng sẽ móc túi khi mọi người sơ hở. Có khi tìm cách tạo sự thân quen, chúng mời ăn uống (bỏ thuốc mê vào thức ăn, đồ uống) rồi dùng thủ đoạn để cho “con mồi” mê muội, tin tưởng rồi thực hiện hành vi trộm cắp dễ dàng. Sau khi lừa xong những người nhẹ dạ cả tin, những tên này nhanh chóng tẩu thoát.

Tương tự, vào các buổi trưa và tối, một số nam thanh niên thường đi rảo các phòng bệnh để chờ khi bệnh nhân và người nhà chủ quan bỏ máy điện thoại di động ở đầu giường để sạc pin, nghe nhạc rồi đi ra khỏi phòng hoặc ngủ quên để thực hiện hành vi trộm cắp. Tình trạng này xảy ra ở một số khu vực điều trị tại bệnh viện.

Phòng Bảo vệ đã thông báo cho các khoa, phòng, bệnh nhân và người nhà biết để cảnh giác phòng ngừa. Khi phát hiện các loại đối tượng có những thủ đoạn như trên, mọi người cần kịp thời báo cho lực lượng bảo vệ truy bắt, nhằm ngăn chặn tình trạng này tái diễn.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh Bùi Ngọc Chánh:

Biện pháp chế tài để xử lý và răn đe của Nhà nước vẫn chưa phù hợp

Nguyên nhân của việc tái lấn chiếm của một số cá nhân trước cổng bệnh viện, do nhu cầu của bệnh nhân và người nhà quá lớn mà đa số họ lại nghèo nên thích chọn các thức ăn, uống của người buôn bán bên ngoài vừa rẻ và tiện lợi hơn nhiều. Để mưu sinh và do nhận thức còn hạn chế, đối tượng vi phạm đều từ các địa phương khác đến nên lăn xả vào buôn bán. Thậm chí, trong số họ có cả đối tượng hình sự, mãn hạn tù về chưa có công ăn việc làm, mắc các bệnh hiểm nghèo, truyền nhiễm... Ngược lại, lực lượng phối hợp giải quyết còn thiếu và yếu nên chưa duy trì hoạt động thường xuyên dẫn đến tình trạng “ném đá ao bèo”. Một số biện pháp chế tài để xử lý và răn đe của Nhà nước vẫn chưa phù hợp trên địa bàn Huế, dẫn đến việc cơ quan chức năng khó lòng xử lý.

Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng bảo vệ bệnh viện, công an, đô thị, lực lượng cốt cán, tự quản các khu vực 4 và 5 của phường để phân công, duy trì cắm chốt thường xuyên tại các cổng và xung quanh bệnh viện. Ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, buộc các đối tượng vi phạm cam đoan, cam kết, UBND phường phối hợp với các địa phương nơi người vi phạm cư trú để tạo công ăn việc làm cho họ và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Lê Thế Bính:

Tăng cường kiểm tra, xử lý và giải tỏa các cá nhân, hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, hè phố

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) của tháng cao điểm Năm ATGT 2012, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp bảo đảm trật tự, ATGT tháng cao điểm nói trên. Theo đó, Tổ công tác Liên ngành do Thanh tra Sở GTVT làm tổ trưởng được thành lập đã ra quân thực hiện với hai đợt (từ 3 đến 20/1) nhằm tăng cường hoạt động ngoài giờ để kiểm tra, xử lý, giải tỏa các cá nhân, hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi buôn bán, kinh doanh gây mất an toàn và mỹ quan đô thị; phương tiện dừng, đỗ chiếm dụng đường phố ảnh hưởng ATGT và TTĐT, nhất là các tuyến đường chính và các tuyến khác tại Huế (trong đó có đường Hai Bà Trưng); đồng thời, kiểm tra, xử lý các loại xe khách, taxi và xe hợp đồng vi phạm về điều kiện kinh doanh xe khách trá hình, chạy không đúng tuyến, không đủ thủ tục giấy tờ theo quy định đón trả khách tại các bệnh viện (đặc biệt là Bệnh viện T.Ư Huế).

Đối với việc quản lý hoạt động các tuyến xe khách ngoại tỉnh qua Huế dừng đỗ trái phép nhiều nơi, Thanh tra Sở GTVT cũng phối hợp với lực lượng cảnh sát tăng cường tuần tra, kiểm soát và yêu cầu các phương tiện vận tải đón trả khách đúng tuyến, địa điểm theo quy định; đồng thời, không để phát sinh các điểm dừng đỗ trái phép tại Bệnh viện T.Ư Huế nói riêng và bến cóc, xe dù nói chung ở Huế gây mất trật tự, ATGT như thông tin mà Báo Thừa Thiên Huế phản ánh.

V.C (ghi) 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top