ClockThứ Hai, 02/05/2016 06:29

Trái tim nóng từ Paris

TTH - Cách đây gần nửa thế kỷ, trong ngôi nhà nhỏ ở Pháp, cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị khi ấy đã có hàng chục tác phẩm về chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều tác phẩm trong đó được sáng tác trên chất liệu thật, từ mảnh B52 và bom bi...

Tác phẩm “Người lính giải phóng”, ghép từ mảnh B52, sáng tác 1973

Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật  Điềm Phùng Thị ở Huế, một chiều cuối tháng tư. Trong không gian nghệ thuật tĩnh lặng, hàng chục tác phẩm về chiến tranh của bà Điềm khiến người xem có cảm giác đang chạm đến cái nóng bỏng dù cuộc kháng chiến vệ quốc  ấy của Nhân dân Việt Nam đã lùi xa.

Đó là những tác phẩm nóng hổi tính thời sự bằng đồng, xốp, thạch cao, giấy dó...Và  không ít trong số đó được sáng tác từ hiện vật thật của chiến tranh, ghép từ mảnh B52, bom bi, đầu lựu đạn... mà Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Ông Phan Đình Hối, cán bộ phụ trách Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị cho hay, trong tiến trình đàm phán Hiệp định Paris, phái đoàn Việt Nam đã mang theo các hiện vật chiến tranh để trưng bày hành lang. Thời điểm ấy, điêu khắc gia Điềm Phùng Thị cùng chồng là bác sĩ Bửu Điềm đã giúp phái đoàn Việt Nam chăm sóc sức khỏe, nơi ăn ở, phiên dịch...

Tác phẩm “Hòa Bình”-năm 1968

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn quyết liệt những năm 1960-1975, bà Điềm đang sinh sống ở Pháp. Cách xa đất nước nửa vòng trái đất nhưng trái tim nóng bỏng của nhà điêu khắc ấy đã đập cùng một nhịp đập với trái tim của Tổ quốc. Có lẽ bà đã từng phút, từng giây dõi theo mỗi biến cố từ quê nhà. Nên tác phẩm của bà như những bức ảnh chiến trường  gai góc, quyết liệt. Người ta nhìn thấy ở đó bộ mặt khủng khiếp của chiến tranh, với những ngôi nhà tan hoang trong đạn bom; trẻ em và người già vô tội bị sát hại; những người mẹ đau đớn dưới làn bom bi; cô nữ pháo binh Ngư Thủy kiên cường trên mâm pháo... Bà cũng đã vẽ một  bức tranh về 12 ngày đêm ác liệt, khi Mỹ đem bom rải thảm miền Bắc, với những dòng di bút: “Kính tặng hương hồn chiến sĩ và nhân dân đã bỏ mình trong cuộc oanh tạc vô cùng dã man tháng 12 năm 1972...”.

Giản dị và chân thật, tác phẩm của bà còn có hình ảnh người nông dân vừa ra đồng, vừa chạy bom; có đoàn quân quật khởi với gậy tầm vông chống giặc; có những cánh chim bồ câu khát vọng hòa bình... Một chút dí dỏm, hài hước, bà đã tạc chân dung người chiến sĩ  ra trận, vác trên vai một người phụ nữ. Hình ảnh ấy là biểu tượng của hậu phương, của người mẹ, người vợ đã được người lính ra trận mang theo. Năm 1973, Điềm Phùng Thị cũng đã tạc hình tượng anh giải phóng quân bằng mảnh ghép B52. Sau  này, tác phẩm được đặt tại Tòa Đại sứ Việt Nam ở Paris.

Những tác phẩm về chiến tranh của Điềm Phùng Thị thực sự đã để lại nỗi ám ảnh. Như tác phẩm “Những người ra đi không trở lại” được sáng tác năm 1960, thể hiện thân xác một con người hao mòn, chỉ còn bộ xương khô. Nhà phê bình mỹ thuật Marlyse Le Bars cho rằng, tác phẩm là sự biểu thị những khắc khoải của Điềm Phùng Thị, vang vọng từ những sự kiện bi thảm đang diễn ra trên đất nước của mình.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện về bức tranh “Cô gái trong lồng chim”

Trong khi ở đất nước Pháp xa xôi đang diễn ra cuộc triển lãm của danh hoạ Mai Trung Thứ - bậc thầy của nền hội hoạ Việt Nam hiện đại, thì ít ai biết rằng, ngay tại Huế cũng có một bức tranh của người hoạ sĩ tài danh này. Tác phẩm ấy được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tầm và đang bảo quản cẩn thận.

Chuyện về bức tranh “Cô gái trong lồng chim”
Nhớ Điềm Phùng Thị

Ở Huế, văn nghệ sĩ thường gọi bà là bà Điềm, thân ái và gần gũi, bởi người nghệ sĩ ấy đã có những năm tháng cuối đời gắn bó với Huế, với văn nghệ sĩ Huế. Và, ngôi nhà 1 Phan Bội Châu ở phường Vĩnh Ninh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc, không chỉ của văn nghệ sĩ Huế, người dân Huế yêu nghệ thuật mà còn là điểm đến của du khách… Bà là Điềm Phùng Thị.

Nhớ Điềm Phùng Thị
Việc đơn giản, nhưng chưa ai làm

Từ đầu tháng 8 năm ngoái, Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị ở số 1 Phan Bội Châu (TP. Huế) đã tạm đóng cửa để làm công tác chuẩn bị "chuyển nhà mới" về tại địa chỉ 17 Lê Lợi (TP. Huế).

Việc đơn giản, nhưng chưa ai làm
Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị về nhà mới

Những khâu cuối cùng để đưa trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị về “nhà mới” đang được tiến hành gấp rút. Địa chỉ mới của nhà trưng bày đặt tại số 17 Lê Lợi (trụ sở Trung tâm Festival cũ), nằm ngay trung tâm TP. Huế, cạnh cầu Trường Tiền, mặt sau nhìn ra sông Hương, cạnh đó là vườn tượng chí sĩ Phan Bội Châu.

Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị về nhà mới
Return to top