ClockChủ Nhật, 16/09/2018 15:13

Trăm năm sách lụa

TTH - Nói trăm năm là nói mơ hồ hư thực, chứ thật ra, sách lụa thời Nguyễn đã có trên 170 năm. Triều Nguyễn chú trọng việc phong tước vị cho cung giai (vợ của vua), các hoàng thân, công chúa; tùy theo tước vị mà người được phong nhận quyển sách bằng vàng (kim sách), bạc (ngân sách), đồng (đồng sách), lụa (thể sách) hoặc giấy long tiên (long đằng).

“Giữ lửa” văn hóa đọcGiúp trẻ mê sách

Sách lụa được triều Nguyễn sử dụng ban cấp lần đầu tiên vào năm 1846 dưới đời vua Thiệu Trị: “Cung tần tam giai trở xuống thì chiếu lệ đổi cấp sách lụa” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6). Năm 1886, vua Đồng Khánh quy định cụ thể hơn về việc sách phong bằng sách lụa: “Nay về sau tất cả các cung giai trong nội đình được phong từ Cửu giai trở lên đều dùng thể sách. Sách phi dài 7 tấc 2 phân, rộng 4 tấc 5 phân. Sách tần trở xuống dài 5 tấc, rộng 2 tấc 9 phân 2 ly. Sách đều dùng lụa tàu bát ty màu vàng chính”…

Sách lụa sắc phong cho bà tiệp dư họ Võ

Cuốn sách phong bằng lụa của bà Học phi

Học phi Nguyễn Văn Thị Hương là vợ thứ hai của vua Tự Đức. Sau khi được tiến cung, bà được vua Tự Đức vô cùng sủng ái nên sắc phong cho bà giai hàm Lượng tần, rồi tấn phong làm Khiêm phi. Tiếp đó, bà được lệnh nhận con trai thứ của Kiên Quốc Công là Ưng Đăng mới 2 tuổi làm con nuôi thứ hai. Sau bà được thăng Học phi - giai hàm cao nhất thời bấy giờ. Vua Tự Đức băng hà, theo di chiếu, bà Học phi Nguyễn Văn Thị Hương và bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm lên sống ở Khiêm Lăng để lo toan việc hương khói.

Sau khi vua Dục Đức, Hiệp Hòa lần lượt bị bức tử, tháng 12/1883, hoàng tử Ưng Đăng lên ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Phúc, Vua Kiến Phúc lên ngôi đã cho đón bà Học phi vào cung và đưa bà lên một địa vị mới đầy quyền lực. Nhà vua sai bàn định điển lễ tấn tôn Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi và làm sách vàng (kim sách), con dấu vàng. Lúc này, các bậc hoàng thân vương công và đình thần cùng dâng lời tâu xin theo di chiếu tấn tôn Khiêm hoàng hậu (Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) lên làm hoàng thái hậu, và tôn Học phi Nguyễn Thị Hương làm Hoàng thái phi. Nhà vua liền xin ý chỉ của Thái hoàng thái hậu Từ Dụ và được chuẩn y.  Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, tháng 7/1884, vua Kiến Phúc đột ngột qua đời, bà Học phi bị cô lập và chịu nhiều tai tiếng. Thời Đồng Khánh, lại giáng bà về lại vị thứ Học phi, sau đó không ai nhắc đến bà nữa.

Bà Học phi được vua Tự Đức ban sách lụa vào năm 1874. Theo các nhà nghiên cứu Phan Thúy Vân và Nguyễn Phương Lan, sách có hình chữ nhật, dài 19,7cm, rộng 30,5cm; gồm có hai trang bìa và 3 trang ruột kép (gồm 6 trang đơn). Các trang bìa và ruột sách được may nối kết lại với nhau bằng những sợi chỉ cùng màu vải. Sách làm bằng lụa gấm vàng dệt nối motif  “tứ quý” (mai, lan, cúc, trúc) cùng một số đồ vật trong mô-típ “bát bửu” và song ngư. Hai trang bìa trước, sau, ở giữa thêu rồng uốn lượn mềm mại giữa cụm mây ngũ sắc. Viền quanh bốn mặt trang bìa thêu văn tổ ong bằng chỉ nâu, giữa mỗi tổ ong đều thêu bông hoa tám cánh chỉ màu xanh nhạt. Phần sách văn được thêu chỉ màu đỏ nay đã ngã sang hồng. Cuốn sách đang được con cháu bà Học phi cất giữ tại phường Thủy Xuân.

Hoa văn bìa sách lụa của bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm

Bốn cuốn sách lụa còn lưu lại

Theo sử liệu, sách phong cho các bà vợ vua Nguyễn có nhiều chất liệu. Hiện nay ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế không còn cuốn kim sách hay ngân sách nào; bảo tàng chỉ may mắn còn giữ 4 cuốn sách lụa. (Kim sách triều Nguyễn hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khá nhiều).

Về kích cỡ, sách lụa còn lưu giữ ở bảo tàng chia làm 2 loại: hai quyển có kích thước lớn dài 19,7cm, rộng 30,5cm; hai quyển còn lại nhỏ hơn, dài 13cm, rộng 21,5cm. Bốn quyển đều làm bằng lụa gấm màu vàng. Hai quyển sách lớn dệt nổi motif “tứ quý” cùng “bát bửu” và “song ngư”. Hai cuốn nhỏ dệt nổi chữ “phúc”, chữ “thọ”, hoa mai, con dơi và một số đồ vật trong bát bửu. Kiểu thức trang trí tương tự như sách lụa của bà Học phi. Khác biệt lớn là 2 cuốn sách lụa lớn bên trong, chữ được thêu chỉ màu đỏ, hai cuốn nhỏ lại được viết bằng mực tàu đen.

Quyển sách lụa mang số kiểm kê BTH/TB/ĐD24 có từ thời Tự Đức 1867, nội dung đại ý: “Xét thấy Giản tần Hoàng thị là người tuấn tú, hòa thuận, nhu mì, siêng năng khuôn phép, trung trinh khiêm nhượng, đáng được hưởng nhiều ân sủng và vinh hiển về sau. Nay tấn phong ngươi là Diệu tần”.

Quyển sách lụa mang số kiểm kê BTH/TB/ĐD25 có từ thời Tự Đức 1860, nội dung đại ý: “Xét thấy triệu phi Nguyễn thị tư chất hiền lành, trung trinh cần mẫn, phát huy tốt mọi khả năng gương mẫu trong mọi thiện sự ở nội cung… đặc tấn phong ngươi làm Thiện phi”. Đối chiếu sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, bà là Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm, người Quảng Điền.

Quyển sách lụa mang số kiểm kê BTH/TB/ĐD 26 nói về phục chức Tiệp dư cho một bà họ Võ thời Tự Đức 1874. Quyển sách lụa mang số kiểm kê BTH/TB/ĐD 27 tấn phong danh hiệu Tài nhân cho một bà họ Lê thời Tự Đức 1874.

Qua nội dung các sách lụa, có thể thấy sắc phong cho các cung giai thời Nguyễn luôn bắt đầu từ sự khen ngợi đức hạnh tốt đẹp của người phụ nữ với lời văn nhẹ nhàng, sau đó là lời giáo huấn của nhà vua, gắn vinh dự với nghĩa vụ tuân thủ phép tắc hoàng gia…

Từ 150 - 170 năm tồn tại, sách lụa cho thấy sinh hoạt ngày xưa và người xưa trân trọng nết hạnh người phụ nữ đến nhường nào. Và để tỏ rõ sự trân trọng ấy, những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân may thêu đã làm nên những tuyệt tác. Lạ lùng là, tuy dệt lụa, song sách lụa lại có thời gian tồn tại lâu bền nhất, cho tới ngày kết thúc vương triều nhà Nguyễn, còn lưu lại đến bây giờ…

Bài, ảnh: Hồ Hoàng Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm

Những món cổ ngọc quý hiếm được chế tác điêu luyện nằm trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu đến công chúng khiến mọi người ngỡ ngàng, thích thú. Nhiều món đồ trong số đó, theo lời của chủ nhân, được thừa hưởng lại từ gia đình, một phần được ông cất công sưu tập từ hàng chục năm theo đuổi niềm đam mê cổ vật.

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm
Giá trị di sản văn hóa triều Nguyễn

Đó là chủ đề hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức sáng 31/10 tại TP. Huế với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu.

Giá trị di sản văn hóa triều Nguyễn
“Cùng” nhà Nguyễn xem lịch

Khâm Thiên Giám ­- cơ quan chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, báo giờ để định mùa vụ cho dân, được nhà Nguyễn xây dựng từ thời vua Gia Long.

“Cùng” nhà Nguyễn xem lịch
Hồi sinh di sản: Hổ quyền ở Huế thời Nguyễn

Trên dải đất phía Nam Hoành sơn, uy lực Bà Mẹ xứ sở bao trùm từ núi đến biển, quản hạt cả lãnh thổ lẫn lãnh hải, khác hẳn ông Thành hoàng ở Bắc bộ. Miền rừng núi nổi danh chúa sơn lâm ông Thiêng - hổ, nên cạnh miếu bà thường có am ông hổ, và Ông Hổ cũng thường xuất hiện trên bình phong của miếu Bà. Hổ được đứng vào hàng 12 con giáp với bản lĩnh cương cường. Dân gian rất ý vị khi bổ sung, khắc chế vị tiểu hổ - Mèo/ Mão đầy uyển chuyển và hiệu quả, đứng sát nhau (Dần - Mão), đặc biệt là hắc tinh của Tý/Chuột để bảo vệ mùa màng cho người nông dân.

Hồi sinh di sản Hổ quyền ở Huế thời Nguyễn

TIN MỚI

Return to top