ClockThứ Năm, 25/04/2013 11:08

Trận chiến đấu sống còn ở Phước Yên

TTH - Tháng 12/1967, K8 chúng tôi nhận được lệnh đột xuất: hành quân thần tốc vào Huế cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Thừa Thiên Huế “Nổi dậy, tấn công!”.

Chúng tôi đến Huế, cuộc “tấn công, nổi dậy” đang vào giai đoạn hai, tức là đã bắt đầu chống phản kích. Mỹ tung sư đoàn kỵ binh bay ra phía Bắc Huế hòng giải tỏa cho Huế. Hai tiểu đoàn 7 và 8 chúng tôi được phân công chốt giữ An Hòa, Tây Lộc. Địch đã tỉnh lại sau cơn choáng váng bất ngờ, được chi viện từ phía Nam ra, chúng đã lấy lại được hơi sức, vì vậy, cuộc chiến đấu trở nên quyết liệt. Đường Mai Thúc Loan ta và địch giành giật nhau từng góc phố. Cổng An Hòa và cổng Đông Ba bom đạn như mưa.

Thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh tại Đài tưởng niệm K8

Sau 24 ngày đêm, K8 chúng tôi được nhận nhiệm vụ mới: chống phản kích vùng nông thôn Hương Trà và Quảng Điền để giữ chính quyền cách mạng mà cuộc tấn công và nổi dậy vừa giành được. Trong tình thế chưa giải phóng được Thừa Thiên, phải tạo cho được thế lõm xen kẽ hình da báo ở đồng bằng, giãn địch ra, buộc địch phải phân tán lực lượng cho quân khu Trị Thiên chuẩn bị lực lượng thực hiện tấn công đợt 2 năm 1968.

K8 của Trung đoàn 3, Sư 324 chúng tôi được tăng cường khá hoàn chỉnh: thêm một trung đội hỏa lực mạnh, một trung đội trinh sát, một đội phẫu để cứu chữa thương binh tại chỗ. Tổng quân số K8 lên tới 500 người. Trong chiến đấu, có được một tiểu đoàn đủ thật không dễ dàng gì, song chúng tôi được ưu tiên tăng cường lực lượng vũ trang huyện Hương Trà, Quảng Điền. Các anh Thọ Hường, anh Ngọc, anh Năm, anh Cặn, anh Thể, chị Xuân, chị Hẻo, anh Lễ... thuộc lực lượng vũ trang huyện Hương Trà, Quảng Điền chung sức phối hợp tác chiến giữa chủ lực và địa phương. Lúc này, muốn tạo hình da báo, thế xen kẽ lõm, phải nhanh chóng chiếm giữ được địa bàn vùng sâu theo mệnh lệnh quân khu. K8 quyết định vượt đường, giành thời cơ chủ động cho tình thế mới.
 
Đoạn đường từ Hương Sơ đến Hương Thạch địch bắt đầu cảnh giác, Mỹ tăng cường kiểm tra. Các ấp chiến lược dọc đoạn đường này được tổ chức lại, vì vậy vượt đường trở nên khó khăn, phải nắm chắc tình hình địch ban ngày, trung đội trinh sát bám địch ban đêm, mất đúng hai đêm, K8 mới vượt được đường về đóng ở thôn Thanh Lương vào ngày 15/3/1968.
 
Khi chúng tôi đến Thanh Lương, một làng quê đầy bóng cây, đường xóm râm mát, nhà cửa, đình chùa khang trang, bà con làng xóm tổ chức nuôi quân chu đáo. Tình quân dân khăng khít. Lính chúng tôi chỉ có súng đạn, hậu cần thì mỗi gia đình là một cơ sở nuôi quân. Tiểu đội trinh sát chúng tôi được gia đình bác Lâm nuôi suốt trong thời kỳ chiến đấu.
 
Ở Thanh Lương đúng 2 ngày, khi chúng tôi vừa lên xong kế hoạch triển khai chiến đấu thì chỗ ở bị lộ. Mỹ lập tức trút pháo xuống làng Thanh Lương. Không thể để vì mình mà dân chết, chúng tôi kêu gọi dân sơ tán để bộ đội chống càn, dân đi hết, chỉ còn chúng tôi ở lại đối mặt với quân Mỹ. K8 ở trong làng Thanh Lương, Mỹ vây bên ngoài, một tình thế không có lợi cho K8 chút nào. Mỹ mở những mũi tấn công, ta đánh bật chúng ra. Để dọn đường cho cuộc tấn công tiếp theo Mỹ cho bom pháo dội xuống. Tôi không nhớ trong 10 ngày đánh bao nhiêu trận phản kích như vậy, chỉ nhớ tại Thanh Lương, K8 đã diệt được 46 tên Mỹ. Chỉ trong 10 ngày thôi, từ một làng quê xanh tươi, Thanh Lương trở thành một làng quê hoang tàn.
 
Nhiệm vụ của K8 không phải đối mặt với Mỹ, mà là bảo vệ vùng giải phóng, hỗ trợ chính quyền non trẻ ban đầu. Vì vậy, chúng tôi bí mật rút quân khỏi Thanh Lương, về vùng sâu. Mất con mồi, Mỹ tìm cách bám đuôi. Chúng tung lực lượng đi dò dấu vết K8. Về vùng sâu Quảng Điền, K8 cùng bộ đội địa phương huyện tham gia đánh nhỏ, đánh lẻ nhiều trận. Tôi nhớ nhất trận phục kích đánh đại đội Mỹ từ Đông Xuyên về, diệt 15 tên. Tiểu đoàn giao cho C3, do Cao Thanh Sơn, người Nùng, chỉ huy đem 15 xác Mỹ giấu vào vườn mía, bố trí bộ đội phục kích bên ngoài, nếu Mỹ tới lấy xác, quyết sẽ thắng một trận ra trò. Hình như bọn mỹ cũng ngửi thấy mùi chủ lực, chúng bỏ xác chiến hữu, không đến lấy, cuộc phục kích của Cao Thanh Sơn không đạt được ý định.
 
K8 tổ chức hành quân về lại làng Phước Yên thuộc xã Quảng Thọ, Quảng Điền. Vừa dừng chân ở Phước Yên, ngay trong đêm ấy Đảng ủy tiểu đoàn họp phiên bất thường bàn về nội dung: “Chúng ta nên tiếp tục hành quân xuống sâu nữa hay nên bám trụ lại ở nơi đây!”.
 
Hơn một giờ bàn bạc người nói đi, kẻ nói ở, ai cũng có cái lý của mình, song đi thì đi hướng nào, dừng lại ở địa bàn nào có lợi thế nhất thì vẫn chưa có sự thống nhất. Nhưng bọn Mỹ đang bám đuôi chúng tôi từ Thanh Lương, có chịu bỏ ngang chừng khi đã tìm ra dấu vết? Vả lại, cuộc phản kích của Mỹ ngày một gia tăng, lực lượng tấn công vào TP Huế đã rút lên rừng hết, chúng tôi đang ở thế lạnh lưng hở sườn, trước tình thế ấy, Đảng ủy tiểu đoàn hạ quyết tâm hành quân. Đang đóng quân ở Phe Nam làng Phước Yên, nhìn đồng hồ, trời đã gần sáng, tuy vậy, chúng tôi vẫn phải chuyển chỗ ở đột ngột để giữ thế bất ngờ. K8 đến Phe Giữa giáp làng Niêm Phò thì phải dừng lại. Trời sắp sáng không thể đi tiếp được nữa, lệnh của ban chỉ huy tiểu đoàn: tất cả các chiến sĩ bắt tay vào việc đào công sự để đối phó trong những tình huống xấu nhất.
 
Không ngờ những bước đi của K8 vẫn bị địch bám sát gót, phát hiện ra đơn vị chúng tôi đóng quân ở Phe Giữa của làng Phước Yên, địa thế không thuận lợi cho một cuộc chiến đấu chống càn. Mặt trước Phe Giữa là cánh đồng khá rộng, mặt sau là sông Bồ. Bên kia sông Bồ là làng Giang Sơn theo Công giáo, đơn vị chúng tôi chưa có cơ sở ở đó. Trong tình thế ấy, K8 đặt kế hoạch đánh càn trong một ngày, đêm sẽ tìm cách chuyển quân đi nơi khác.
 
Điều hết sức bất ngờ với chúng tôi là, địch không cho một đơn vị nhỏ chạm trán với chúng tôi như những ngày trước, mà lập tức đổ bộ 7 tiểu đoàn xuống phía cánh đồng trống. Chỗ nào không có quân đóng chốt thì Mỹ lấy dây thép gai rào lại, gài mìn, giăng bẫy, K8 ở Phe Giữa như trong vòng bủa vây của lưới quét.
 
Không nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến đấu sống còn của chúng tôi là ở chính Phe Giữa này. Bọn Mỹ không đánh vào Phe Giữa ngay, mà bình tĩnh giăng lưới, rõ ràng, chúng muốn vét một mẻ lưới khổng lồ, không bắt sống được hết thì phải tiêu diệt. Chúng có vẻ thả lòng vùng phía sông Bồ, đó cũng là một cái bẫy. Một cái bẫy vô hình, chỉ một cú bấm máy, một cái vẫy tay ra hiệu cũng đủ đập nát đội hình nếu chúng tôi không cảnh giác.
 
Đến 10 giờ sáng, vòng vây của địch được coi là ổn định, chúng dùng loa cực mạnh gọi chúng tôi đầu hàng, nếu đầu hàng sẽ được bảo toàn tính mạng và sẽ xem xét cụ thể để phong cấp chức cho từng người.
 
Chúng hẹn: đúng 1 giờ đồng hồ từ lúc phát lệnh kêu gọi đầu hàng, nếu không trả lời, không tỏ thái độ, chúng sẽ biến Phe Giữa làng Phước Yên thành máu và đất. Đó là lời đe dọa của hỏa lực Mỹ mà chúng tôi mới được nếm trải chỉ vài ngày trước đây ở Thanh Lương và bom B52 trước đây ở phía bắc Đường 9.
 
Chỉ huy tiểu đoàn không hề lúng túng, cán bộ và chiến sĩ quyết đánh đến tay súng cuối cùng. Hết giờ hẹn, phi pháo địch tiếp tục dội xuống đội hình. K8 chúng tôi cùng với lực lượng địa phương chấp nhận chịu đựng những ác liệt phi pháo của địch. Sau mỗi lần phi pháo, địch tiếp tục phản kích, bị lực lượng quyết liệt đánh trả, địch lui lại, tiếp tục phi pháo, cứ như thế tiếp diễn liên tục, căng thẳng ác liệt, cực kỳ nguy hiểm. Quân khu tổ chức 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 1 mở đường máu cho chúng tôi nhưng không thành công, cuối cùng đơn vị phải rút lui. Tình thế rất nguy hiểm, chỉ huy tiểu đoàn động viên cán bộ và đảng viên, những tay súng còn lại tập trung sức, đột phá mở đường máu đưa ra được 46 người, còn lại lực lượng K8 và lực lượng địa phương của hai huyện được tăng cường gần 700 người chấp nhận hy sinh đến cùng tại làng Phước Yên.
Nguyễn Đức Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp

Gần đây, nhiều gia đình ưa chuộng xu hướng thiết kế nội thất với hệ thống chiếu sáng đa lớp. Ý tưởng này giúp không gian nội thất được bao trùm bởi nhiều mức độ ánh sáng khác nhau, không giới hạn thời gian.

Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp
Về biển “săn” cua đá

Lặn ngụp ngay chân kè biển tại xã Giang Hải (Phú Lộc), canh đúng thời điểm những con sóng chưa kịp tiến tới, anh Hùng quờ tay vào từng hang hốc, chỉ thoáng chốc, anh đã cầm chắc trong tay chú cua đá với hai càng ngoe nguẩy.

Về biển “săn” cua đá
Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

Ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1991, nghĩa là chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm làm từ thiện. Chị đã được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2023.

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương
Return to top