ClockChủ Nhật, 23/12/2018 11:53

Tranh lụa &“mưa than” của Nguyễn Thị Huệ

TTH - Nhẹ nhàng, mềm mại và đầy nữ tính là ấn tượng về những bức tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ. Ở đó, sự sâu lắng được thể hiện trong mỗi tác phẩm dường như không có điểm dừng.

Vẻ đẹp phụ nữ trong tranh họa sĩ Tôn Thất Đào“Khu vườn” của các nữ họa sĩ

Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ với tác phẩm của chị

Không có niềm yêu thích đặc biệt, từ nhỏ cũng chưa bao giờ cầm bút vẽ nhưng hội họa vận vào Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1977, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) như một nhân duyên. Vì thiếu người, chị Huệ được người họa sĩ ở cạnh nhà mời sang vẽ thuê cho xưởng vẽ của ông. Thử sức với hội họa, chị phát hiện ra năng khiếu với bộ môn nghệ thuật này, vậy là quyết định đi theo con đường mỹ thuật. Tốt nghiệp chuyên ngành lụa, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, lụa là chất liệu họa sĩ Nguyễn Thị Huệ chọn gắn bó suốt cuộc đời.

Lao động nghệ thuật gần 15 năm, tranh lụa vẫn “hút hồn” họa sĩ Nguyễn Thị Huệ bởi sự mềm mại, nhẹ nhàng, nhuần nhụy và tinh tế. Họa sĩ bộc bạch: “Là phụ nữ, tôi nghĩ vẽ tranh lụa là sự lựa chọn hợp lý nhất. Tôi yêu sự mềm mại, nhẹ nhàng trong cách đặc tả của chất liệu này. Đây cũng là loại hình truyền thống của hội họa Việt Nam”.

 Tác phẩm “Ngược dòng”

Nguyễn Thị Huệ không vẽ lụa theo truyền thống thuần túy, tranh của chị là lụa tổng hợp với những phá cách, sáng tạo không ngừng. Có khi, chị dát vàng, dát bạc. Lúc lại đưa cát, muối vào tác phẩm, hoặc dùng giấy tráng thủy tự làm. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại như đã mang lại sức sống mới cho tranh lụa. Trong tranh của họa sĩ, màu vàng trở thành chủ đạo. Yêu màu vàng, chị vẽ gì cũng có sắc vàng ẩn – hiện. Không tạo nên lối mòn cho chính mình, với tranh lụa, chị mãi kiếm tìm, sáng tạo từ đề tài đến cách thể hiện. Chị kể: “Từ khi còn trên ghế nhà trường, chị thấy nhiều người bỏ cuộc với lụa, vì ngay khi đang vẽ, tranh đã bị mốc. Chị luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để xử lý. Tác phẩm tốt nghiệp của chị là bức tranh lụa không bồi, dù chị vẽ theo phong cách truyền thống”.

Tranh lụa của Nguyễn Thị Huệ luôn được vẽ hai mặt với nhiều lớp, bằng nhiều chất liệu khác nhau. Xem tranh của chị, bên cạnh nền lụa ánh lên vẻ mịn màng, óng ả với hòa sắc êm dịu, nhìn kỹ sẽ thấy những hình ảnh thấp thoáng, ẩn hiện trông như tranh 3D. Đó là cách họa sĩ Nguyễn Thị Huệ vừa tạo chiều sâu, vừa tạo độ bền cho tác phẩm.

Tác phẩm “Mưa than và tôi”

Tranh của Nguyễn Thị Huệ bàng bạc triết lý về nhân sinh, những suy ngẫm, trải nghiệm về cuộc đời. Phật giáo với những chiêm nghiệm về đạo và đời xen lẫn là chủ đề nữ họa sĩ thường thể hiện. Bắt gặp một hình ảnh khắc khổ nào đó cũng khiến trái tim chị rung lên những cung bậc yêu thương và đồng cảm. Những tác phẩm “Bình bát và Đức Phật”, “Phóng sanh” hay “Phong cảnh” đều gửi đến người xem những thông điệp nhân văn về lòng nhân ái. Với sự sáng tạo, tìm kiếm không ngừng, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ không khép đề tài cho mình mà vẽ tất cả những gì chị cảm xúc, rung động.

Hình ảnh cầu Trường Tiền được thể hiện nhiều trong tranh họa sĩ Nguyễn Thị Huệ. “Chuyển nhịp cùng Hương” với phong cách nhẹ nhàng, mềm mại và sâu lắng đã thể hiện cách điệu hình ảnh cầu Trường Tiền lấp lánh sắc vàng. Sự phá cách về kỹ thuật bằng cách dát vàng, dát bạc tạo hiệu ứng chiều sâu, hòa sắc đẹp cho tác phẩm. Với “Chuyển nhịp cùng Hương”, dường như cả trời, đất, mây, nước hòa vào nhau trong không gian đặc trưng của Huế.

Tác phẩm “Liên trì”

Gần đây, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ chuyển sang vẽ về môi trường với loạt tranh có chủ đề “mưa than”. Đây được xem là bước ngoặt trên con đường sáng tạo của nữ họa sĩ với những trăn trở về việc bảo vệ môi trường. Chị tâm sự: “Từ nhỏ, mỗi lần hứng nước mưa đầu mùa, thấy thau nước đen ngòm, tìm hiểu chị mới biết đó là mưa than do môi trường bị ô nhiễm. Tháng 5 năm nay, khi tham gia trại sáng tác, nhiều ý tưởng xung quanh chủ đề này “ào ạt” xuất hiện. Chỉ trong 1 tháng, chị đã vẽ 20 bức phác thảo” với gam màu đen - trắng chủ đạo. Hiểm họa môi trường bị ô nhiễm, chân dung con người, số phận những con người cùng khổ, cây cối không còn sự sống… là những gì chị ấp ủ thể hiện ở chủ đề này. Chị hào hứng: “ Trước mắt, chị sẽ vẽ 50 bức tranh để sang triển lãm ở Pháp, Đức và Thụy Sĩ vào tháng 5/2019. Đề tài này rất cần thiết để góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ô nhiễm môi trường”.

Tự nhận mình không phải là người quá đam mê nhưng những trăn trở với nghệ thuật luôn đeo nặng nữ họa sĩ. Tranh của chị đã triển lãm ở Ấn Độ, Mỹ, sắp tới là Pháp, Thụy Sĩ, Đức… Công việc bận rộn ảnh hưởng nhiều đến việc sáng tác của chị. Nhưng, vẽ cũng là trách nhiệm phải đa mang nên chị tự thu xếp thời gian, công việc để khi “cái đầu trống rỗng”, những trải nghiệm, cảm xúc chất chứa lại tuôn trào qua nét cọ.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguyễn Thị Huệ & cái mới đầy nữ tính

Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ sinh năm 1977, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế. Nhiều năm qua, chị đã là một trong những gương mặt nữ họa sĩ tiêu biểu, năng động trong các hoạt động, đầy sức trẻ sáng tạo nghệ thuật ở Huế.

Nguyễn Thị Huệ  cái mới đầy nữ tính
Tấm lòng bà Huệ “chổi đót”

Đổ mồ hôi, tâm huyết với cây chổi đót, bà đã cùng chồng xây được nhà tiền tỷ, nuôi các con ăn học đàng hoàng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động là phụ nữ lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật. Bà là Nguyễn Thị Huệ, hội viên phụ nữ tổ 8, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.

Tấm lòng bà Huệ “chổi đót”
Nhà thiết kế mê nông sản sạch

Đầu tư tâm sức và tiền tỷ trong hơn 3 năm mà lợi nhuận “còn ở thì tương lai”, nhưng ước mơ đưa nông sản hữu cơ an toàn đến người tiêu dùng đã thôi thúc chị Nguyễn Thị Huệ quyết tâm đeo đuổi.

Nhà thiết kế mê nông sản sạch

TIN MỚI

Return to top