ClockThứ Năm, 23/05/2019 10:06

“Tranh thủ nhiệm kỳ đại sứ để phát triển văn hóa đọc”

TTH.VN - Vượt qua 536.557 bài dự thi của 4.379 trường học trên toàn quốc, Hoàng Thị Anh Thư, sinh viên Khoa Du lịch – Đại học (ĐH) Huế vừa được trao danh hiệu “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu”.

Sinh viên Đại học Huế được trao danh hiệu “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu”Hình thành thói quen đọc sách cho trẻĐại học Huế tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam

Trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, Anh Thư khẳng định: “Nhiệm kỳ đại sứ văn hóa đọc là 1 năm và em sẽ tranh thủ thời gian này để phát triển văn hóa đọc từ những trăn trở của bản thân”.

Hoàng Thị Anh Thư - nữ sinh viên vừa được trao danh hiệu đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu

Được biết Anh Thư không phải là dân chuyên văn, song bài dự thi của em lại rất thuyết phục ban giám khảo, phải chăng từng câu từng chữ xuất phát từ trăn trở của em về văn hóa đọc?

Em học tốt toán – lý – hóa hơn, tuy nhiên cuộc thi đại sứ văn hóa đọc toàn quốc lại yêu cầu người tham gia thể hiện dưới dạng viết.

Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019" do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC) phối hợp tổ chức, nhằm tìm ra những gương mặt tiêu biểu, tích cực tham gia vào việc truyền cảm hứng tới cộng đồng, góp phần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, tạo sự đam mê và khích lệ tình yêu với sách, thúc đẩy phong trào đọc sách.

Có hai lý do để em hoàn thành tốt bài dự thi. Đầu tiên là những trăn trở về thực trạng đọc sách hiện nay. Sự cạnh tranh của công nghệ, phương tiện giải trí khiến nhiều người sao nhãng việc đọc sách, nhất là giới trẻ. Công tác thư viện và sự quan tâm từ phía gia đình cũng chưa thực sự tốt.

Quá trình thực tập tại thư viện và đặc biệt là khi tham gia hoạt động xã hội, em may mắn được làm việc và truyền động lực bởi một nhóm các bạn trẻ tổ chức các hoạt động dành cho bệnh nhân ung thư, trong đó có dự án Giá sách niềm tin tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện ĐH Y dược Huế và Tủ sách di động tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Trung Ương Huế. Ban đầu, mọi người đến giá sách tìm đọc chỉ để giải trí trong thời gian rảnh nhưng dần dà, các bệnh nhân đến đọc nhiều hơn và cho biết các trang sách giúp họ có nhiều động lực hơn để vượt qua nỗi đau.

Việc đọc sách đã cho em vốn ngôn từ. Em thích đọc sách từ lúc học tiểu học và duy trì đam mê ấy đến tận bây giờ thông qua sự khích lệ từ gia đình. Đọc sách nhiều cộng với những điều tai nghe, mắt thấy từ thực trạng văn hóa đọc, lợi ích của việc đọc sách như đã kể giúp em có bài dự thi tốt.

Đam mê đọc sách và có nhiều trăn trở, Anh Thư có kế hoạch gì khi trở thành đại sứ văn hóa đọc?

Trước cuộc thi, em tâm nguyện nếu được chọn làm đại sứ văn hóa đọc, em sẽ đem tình yêu sách của mình đến với nhiều bạn bè và khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn.

Em có những dự định về nhiệm vụ của một người đại sứ. Đầu tiên, em sẽ thực nghiệm ý tưởng Library Tour (chương trình tham quan thư viện) cho chính Khoa Du lịch – ĐH Huế, nơi em đang theo học và sau đó đề xuất ý tưởng này đến với các trường ĐH khác ở Huế nói riêng và cả nước nói chung. Dự định chương trình sẽ diễn ra vào thời điểm đón tiếp tân sinh viên năm học 2019 – 2020 và diễn ra trong 1 tháng. Em sẽ vào vai trò hỗ trợ thiết kế tour và đồng hành cùng các bạn trong quá trình thực hiện ý tưởng. Ngoài hướng dẫn các sinh viên tham quan thư viện, phòng đọc, sẽ tổ chức để sinh viên gặp mặt các cán bộ thư viện và nghe hướng dẫn về cách thức đăng ký, mượn và trả sách; tư vấn về phương pháp đọc sách hiệu quả, các kỹ năng đọc và nhất là được giới thiệu các cuốn sách hay liên quan đến chương trình học của các bạn…

Điều em đang ấp ủ để thực hiện là công tác định hướng đọc, nhất là đối tượng thiếu nhi vì việc đọc sách của các em cần phải có sự định hướng từ phía người lớn. Em mong muốn tạo ra một không gian đọc sách mà ở đó trẻ em và phụ huynh có cơ hội tương tác với nhau nhiều hơn. Ở không gian đọc sách này, các em được định hướng chọn những loại sách phù hợp với độ tuổi và năng lực phát triển. Ngày càng nhiều thể loại sách phong phú cho trẻ lựa chọn, các em có thể dán, vẽ, ghép tranh, sử dụng các giác quan để tương tác với sách,… để việc đọc trở nên đầy hứng thú.

Anh Thư đam mê đọc sách và có nhiều trăn trở với văn hóa đọc

Sau khi đọc, các em có thể kể lại câu chuyện hoặc nêu lên quan điểm của mình, mọi ý kiến đều được tôn trọng ở không gian này. Hơn nữa, phụ huynh khi cùng con, em mình đến đây sẽ cùng tương tác với các em và được trao đổi về các chủ điểm về văn hóa đọc cho trẻ. Những cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc đọc và hiểu mà còn được ứng dụng thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Tất nhiên để làm được việc định hướng đọc sách thiếu nhi, em cần phải học một khóa về tâm lý và em sẽ cố gắng.

Bên cạnh đó, em sẽ kêu gọi hỗ trợ từ các nhà xuất bản để tổ chức những chuyến tham quan nhà máy xuất bản sách để các em có thể hiểu được rằng đã mất rất nhiều công sức, tâm huyết của rất nhiều người để cho ra đời một cuốn sách mà các em đang có, từ đó góp phần nâng cao ý thức hơn trong văn hóa ứng xử với sách hay các tài liệu đọc khác.

Xuất phát từ sinh viên, nên em hiểu được nhu cầu sinh viên. Trong vai trò đại sứ văn hóa đọc, em sẽ đề xuất với các trường ĐH về ý tưởng rằng cố vấn học tập nên liên kết với thư viện để tổ chức những buổi giới thiệu các cuốn sách liên quan đến môn học, trích dẫn những nội dung quan trọng cần chú ý. Giáo trình là tài liệu quan trọng nhất của môn học nhưng sinh viên vẫn cần phải đọc thêm các tài liệu liên quan để mở rộng thêm kiến thức và ứng dụng vào thực tiễn.

“Cuộc chiến” giành lại bạn đọc nhiều cá nhân và tổ chức chung tay thực hiện lâu nay không hề đơn giản. Liệu thời gian nhiệm kỳ ngắn và còn trẻ, nhiệm vụ của một người đại sứ có tạo cho em áp lực?

Để phát triển văn hóa đọc, cần sự chung tay rất nhiều phía, từ những người làm sách, công tác thư viện, ngành chức năng. Với bản thân em, nhiệm kỳ đại sứ chỉ một năm và em sẽ cố gắng hết sức có thể, dựa trên việc tranh thủ danh hiệu mình được trao để làm công tác này. Em quan niệm, nếu làm được việc gì cho cộng đồng, hãy cứ cố gắng.

Thực sự, danh hiệu đại sứ văn hóa đọc quá lớn và bản thân em cũng rất áp lực, nhưng em sẽ cố gắng hết sức trong khả năng có thể. Em sẽ nỗ lực kết nối, nhờ sự hỗ trợ từ phía ban tổ chức, đại sứ ở các địa phương, cộng đồng đọc sách ở trong nước để cùng hỗ trợ nhau trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Từ phía cá nhân, Anh Thư có thuận lợi và khó khăn gì?

Em được trao danh hiệu đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu và các địa phương, đơn vị khác cũng có những đại sứ văn hóa đọc. Điều đáng mừng là tất cả đều có một tình yêu với sách mà mong muốn phát triển văn hóa đọc, do đó có thể thuận lợi kết nối mọi người lại.

Cái khó xuất phát từ bản thân em là vấn đề thời gian. Em đang trong giai đoạn chuẩn bị khóa luận và ra trường sẽ đi làm, nhưng sẽ cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành những dự định mục tiêu mà bản thân trăn trở.

Xin cảm ơn Anh Thư và chúc bạn gặt hái được nhiều thành công trong nhiệm kỳ của mình.

Hữu Phúc (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gieo thói quen đọc sách cho trẻ từ niềm hứng khởi

Hẳn nhiều cha mẹ đều biết lợi ích của việc đọc sách đối với con trẻ. Tuy nhiên làm sao để hình thành được thói quen đọc sách cho con từ nhỏ và làm sao để con hứng thú với việc đọc sách thay vì những trò chơi trên điện thoại thông minh, iPad… thì không phải ai cũng biết.

Gieo thói quen đọc sách cho trẻ từ niềm hứng khởi
Lắng nghe ý kiến bạn đọc

Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế chiều 12/12 tổ chức hội nghị bạn đọc năm 2023 với sự tham gia của đông đảo bạn đọc ở nhiều độ tuổi cũng như các câu lạc bộ đọc sách trên địa bàn tỉnh.

Lắng nghe ý kiến bạn đọc
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Số người đọc sách văn học ngày càng ít đi

Gần 30 năm sáng tác, Đại tá - nhà văn Nguyễn Đình Tú (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã luôn làm mới mình trong hành trình kiếm tìm, sáng tạo. Tác phẩm của anh luôn đi tìm và giải mã cái tôi bí ẩn giữa những thanh âm ngổn ngang của đời sống đương đại. Dù viết về đề tài nào, Nguyễn Đình Tú cũng có cái nhìn đa dạng, đa sắc với chiều sâu nội tâm. Gặp anh trong một lần đến nói chuyện văn chương với học sinh xứ Huế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất cởi mở, thân tình về nghề viết, về đời sống văn nghệ nước nhà...

Nhà văn Nguyễn Đình Tú Số người đọc sách văn học ngày càng ít đi

TIN MỚI

Return to top