ClockThứ Bảy, 17/10/2015 16:16

Triển vọng từ vật liệu thay thế cát sỏi lòng sông

TTH - Nhu cầu sử dụng cát sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao, trong khi đó đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, đang ngày càng cạn kiệt. Việc nghiên cứu lựa chọn nguồn vật liệu thay thế phù hợp là hướng đi rất triển vọng, vừa phục vụ ngành xây dựng và đảm bảo môi trường, cảnh quan.

Theo Quy hoạch khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, số liệu tính toán về cung cầu qua các giai đoạn cho thấy, giai đoạn 2011-2020, trữ lượng cát bãi bồi và cát lòng sông đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhưng sau năm 2021, sẽ bị thiếu hụt. Do vậy, việc tìm kiếm vật liệu thay thế để chế tạo bê tông và vữa là một nhu cầu rất bức thiết về cả khía cạnh quản lý và khoa học.

Vừa qua, nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu chọn loại vật liệu hỗn hợp cát mịn, đá mi hoặc hỗn hợp cát mịn, cát nghiền được nghiên cứu phối trộn theo một tỷ lệ nhất định nhằm thay thế cát lòng sông để chế tạo bê tông, đồng thời nghiên cứu sử dụng cát mịn để chế tạo vữa. Những nguồn nguyên vật liệu thay thế này có thể dùng trong xây dựng các công trình dân dụng, đường giao thông nông thôn, công trình xây dựng.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, thiết kế thành phần bê tông sử dụng hỗn hợp đá mi và cát mịn có nguồn gốc ở Thừa Thiên Huế chưa được khai thác sử dụng, nên có giá thành rất rẻ để chế tạo bê tông thông thường có độ bền B15 (mác 200), dùng trong các kết cấu xây dựng dân dụng nhỏ, đường giao thông nông thôn; nếu chế tạo bê tông chất lượng cao hơn với cấp độ bền B22,5 (mác 300) có thể dùng trong các kết cấu dân dụng lớn, đường bê tông, bê tông thủy công. Qua điều tra, nguồn gốc cát mịn được khai thác tại một số địa phương có trữ lượng lớn, khoảng 18,37 triệu m3 tập trung ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang. Đá mi là phụ phẩm của quá trình nghiền đá xây dựng, được sử dụng từ một số địa phương có trữ lượng lớn như tại mỏ đá Trường Sơn, mỏ đá Xuân Long (thị xã Hương Trà), mỏ đá Thừa Lưu (Phú Lộc) với sản lượng khai thác gần 1,53 triệu m3/năm và sản lượng đá mi hơn 191 nghìn m3/năm, có thể đáp ứng từ 20% đến 30% nhu cầu sử dụng cát trên toàn tỉnh với giá thành rẻ. Cát nghiền được sản xuất từ tất cả các loại khoáng sản thuộc loại đá xây dựng, nhóm vật liệu xây dựng thông thường với trữ lượng tiềm năng rất lớn khoảng 779 triệu m3. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vật liệu đá xây dựng trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 1,5 đến 2 triệu m3/năm (dự kiến nhu cầu tăng khoảng 10%/năm). Do đó, với khối lượng đá thừa rất lớn, có thể sử dụng để sản xuất cát nghiền. Đây là loại vật liệu thay thế cát lòng sông có khối lượng lớn nhất, về lâu dài có thể phục vụ nhu cầu xây dựng trên toàn tỉnh.

Thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức tiến hành khai thác cát trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét, kết hợp tận thu để khai thác cát sỏi tại nhiều đoạn sông đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở xói mòn bờ sông, đất đai canh tác, ảnh hưởng đến môi sinh môi trường hai bên bờ sông và các công trình trên sông, ven sông, đê, kè thủy lợi… Hơn nữa, trữ lượng cát sỏi lòng sông tự nhiên là có hạn, đang ngày càng cạn kiệt. Do đó, đề tài nghiên cứu, tìm nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thay thế cát lòng sông trên địa tỉnh nếu được ứng dụng thực tiễn sẽ là hướng đi hợp lý, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường, cảnh quan và tính chiến lược lâu dài.

H.THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top