ClockThứ Năm, 19/12/2013 11:02

Trở lại Hương Lâm

TTH - Con đường nối từ ngã ba Madagui để đến vùng kinh tế mới Hương Lâm, cái tên được hình thành sau nhiều cuộc họp bàn đầy ngẫu hứng. Hương là tên của dòng sông, là biểu tượng bất biến của cố xứ, là tất cả những tâm tình nặng trĩu của những người vì cuộc sống phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đến miền đất xa lạ, và Lâm đơn giản chỉ là chữ đầu của tỉnh Lâm Đồng, miền đất đang và sẽ rộng lòng cưu mang hàng ngàn dân Huế ly hương.

Ma Thiên Lãnh, cái tên không biết từ lúc nào và do ai đã đặt mà quá đúng với diện mạo của nó. Một con dốc vắt ngang sườn ngọn núi cao, um tùm những cánh rừng nguyên sinh, thỉnh thoảng xa xa trong cái hoang vu lạnh người ấy lại vang lên những tiếng gầm gào của thú dữ.

Những gương mặt thân quen ngày gặp lại

Đa phần là thanh niên sinh ra, lớn lên ở thành phố, nên đứa nào cũng rất bỡ ngỡ, lúng túng khi lần đầu giáp mặt với núi rừng, với nếp sống tập thể. Ngay cả việc dựng tạm một cái lều tạm trú qua đêm cũng khó khăn không tưởng. Ngay đêm đầu tiên trên xứ lạ, chúng tôi đụng độ với cơn mưa rừng của cao nguyên. Mưa ào ạt như thác đổ, quăng quật hết cái thứ lều trại bát nháo ấy. Hàng trăm thanh niên, đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột, thương nhất là mấy cô gái chỉ biết túm tụm vào nhau mà khóc, mà tìm chút hơi ấm. Cái lạnh, cái sợ, cái cơ cực khiến chúng tôi gần như thức trắng đêm. Nhưng sáng ra dù trời còn tù mù ướt sương, đơn vị đã phải tập họp, điểm danh, chuẩn bị lên đường đi tiếp.

Con đường mòn ngoằn ngoèo, chon von, trơn ướt chạy vắt qua cái dốc núi sừng sững bị che kín dưới tán lá rừng và lớp sương dày đặc, càng lúc càng lên cao. Chúng tôi miệng mũi cứ tranh nhau thở, cứ lầm lũi bám theo dấu chân nhau mà đi. Những đôi chân mỏi nhừ vẫn cố sải bước thật nhanh, bởi lũ sên vắt lúc nhúc ngo ngoe chờ chực trên từng ngọn lá cành cây. Tội nghiệp những cô gái thành phố, muốn chết khiếp vì thân hình rằn rện uốn éo của chúng, nên mặt cô nào cũng trắng bệt ra, thỉnh thoảng lại nghe vài tiếng nấc nghẹn trong cổ họng. Chợt có một ai trong số mấy nàng thất thanh la lớn “Mạ ơi…!”. Thế là cái dốc rừng vô danh ấy có tên Mạ Ơi từ buổi đó. Đó là cuối tháng 12 năm 1977, hơn hai năm sau ngày giải phóng, một loạt vùng kinh tế mới được thành lập từ Bình Điền, Lương Miêu, Đắc Lắc và lúc này là Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Chúng tôi đã đến nơi phải đến. Một góc nhọn của dải đất hình tam giác được khép góc bởi hai con sông Đồng Nai và Đalây, mảnh đất cuối cùng của huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng giáp ranh với vùng rừng Nam Cát Tiên. Một chiến dịch mang tên “Năm mươi ngày đêm vì Huế ruột thịt thân yêu, bắt buộc trong vòng năm mươi ngày lẫn đêm phải phát quang, mở đường và dựng tạm một ngàn hai trăm cái lán tạm che mưa che nắng cho những người dân của Huế được đột xuất đưa vào, lúc công trường chưa có một sự chuẩn bị gì để đón dân.

Năm mươi ngày đêm đầy mồ hôi nước mắt. Ban quy hoạch xẻ đường, phân lô đến đâu, thì các đơn vị thanh niên tranh thủ dựng lán đến đó. Thật ra sức người là có hạn, đã ăn uống thiếu thốn lại phải lao động cật lực nên rất nhiều anh chị em thanh niên kiệt sức ngã quỵ, nằm la liệt ở trạm xá vùng. Nhưng rồi nhìn hàng ngàn bà con Huế của mình, đủ hạng nam, phụ, lão, ấu phải chịu cảnh chun đụt dưới những tấm ni lông đi mưa che san sát ở vạt đất mới cày làm nơi trú tạm, lại cố gượng dậy...

Rồi cứ chiến dịch này nối tiếp chiến dịch khác. Bất kể nắng mưa chúng tôi cứ chạy đua với thời gian. Vật chất thì thiếu thốn đủ thứ. Thèm từ cọng rau đến khúc sắn, củ khoai. Thèm đến độ bất chấp lệnh ăn bậy quả rừng, nên không thiếu lần cả hàng chục người bị ngộ độc. Có lẽ lần ngộ độc hàng loạt thảm hại nhất là lần một số thanh niên đóng quân tại hiện trường C, đốn nguyên cả cây bứa rừng và ăn, loại trái này ngon chẳng kém chi trái bứa vườn ở Huế, nhưng một hai trái thì được, đằng này chơi nguyên cả cây đang mùa trái chín. Vậy là non trăm vị cả nam lẫn nữ bị ngộ độc. Nửa đêm ban chỉ huy phải tức tốc huy động toàn bộ trung đoàn 2 sắp một hàng dọc đốt đuốc, soi sáng gần chục cây số đường mòn để gánh bệnh từ hiện trường C ra đến bệnh xá công trường.

Bù trừ lại bao điều gian khổ ấy là cuộc sống tinh thần chúng tôi khá phong phú. Dù là một tổ hợp đủ loại thành phần trong xã hội, có người đã tốt nghiệp đại học, có kẻ là dân giang hồ, mù chữ… Nhưng hầu như tất cả đều vui vẻ hoà đồng, cùng sinh hoạt, cùng ăn ở dưới một mái nhà lớn, luôn sẵn sàng chia sớt cho nhau từng hạt muối, từng cọng rau rừng. Tình bạn tự nhiên nở lớn vòng tay, những khuôn mặt xa lạ dần thành thân quen, dù là hàng ngàn thanh niên, hàng chục đơn vị, ban ngành đóng rải rác khắp một vùng rộng lớn đi cả mấy ngày trời không hết, vậy mà ai cũng quen mặt và biết tên nhau.

Hai trung đoàn, gồm 14 C, hơn một ngàn hai trăm thanh niên thành phố Huế đã đến đây. Bây giờ, sau ba mươi mấy năm, ngồi lại bên nhau, đếm không đầy hai chục mống. Những khuôn mặt, những cái tên từng í ới gọi nhau thời thanh xuân như Ni, Mỹ, Lưu, Ngọc, Hồng, Vui, Thụy, Yến... Có kẻ trở về sau khi mãn hạn nhiệm vụ, có người đăng ký ở lại để sản sinh ra thế hệ thứ hai, thứ ba trên vùng đất mới. Những mái đầu bạc trắng, những nếp nhăn mang đầy đủ tuổi già để làm ông nội, bà ngoại, hào hứng vỗ tay hát lại những bài ca mang tính truyền thống của thanh niên xung phong: “Ta đi lên sức trẻ mùa xuân…Hương Lâm ơi Hương Lâm ơi… ta đi xây đời đẹp tươi…”Vừa ngộ nghĩnh, buồn cười, vừa cảm động đến rưng rưng nước mắt.

Buổi chiều, chúng tôi đến thăm khu nghĩa trang, đốt nén nhang, nhìn lại từng gương mặt trẻ trung hồn nhiên, đọc lại từng cái tên quá quen thuộc trên mấy tấm bia đá, nào Trương Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Đôn Minh, Trần Minh Thành…, sinh quán Thừa Thiên Huế, từ trần tại Hương Lâm. Lòng bỗng buồn vô hạn. Một người trong nhóm vừa đốt thẻ nhang vừa khe khẽ ngâm: “…Bầy thú dữ gầm vang đêm núi/ Tìm mô ra một dấu chân người...”. Giọng ngâm rười rượi nỗi buồn của những người sau hơn 35 năm dài trở về thăm lại một vùng đất, không thể nào lãng quên.

Nguyên Quân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long

Ngày 15/4, Công ty TNHH Gbike (Viet PM) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện Lễ bàn giao và đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại Lăng Gia Long. Đồng thời, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ phụ trợ như ứng dụng công nghệ chia sẻ xe đạp GCOO, sạc điện và bảo trì xe đạp điện.

Bàn giao, đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại lăng Gia Long
Return to top