ClockThứ Hai, 12/03/2012 13:45

Trôi nổi gia cầm không an toàn

TTH - Mặc dù trong thời điểm nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm (DCGC) rất cao, nhưng tình hình kinh doanh gia cầm không an toàn tại các chợ trên địa bàn thành phố Huế diễn ra phức tạp. Công tác kiểm tra và xử lý các hộ vi phạm xem ra vẫn còn buông lỏng.

Nguy cơ mất an toàn

Dạo quanh các chợ An Cựu, Đông Ba, Bến Ngự chúng tôi chứng kiến nhiều gia cầm đã được giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được người dân bày bán. Tại chợ An Cựu, có hàng chục quầy gia cầm nhỏ lẻ được bày bán xen lẫn với các mặt hàng tôm cá có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Các quầy bán gia cầm cũng không đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của ngành thú y. Hầu hết gia cầm được bày bán đều không có dấu tem kiểm dịch. Các chủ quầy hầu như không một ai đeo găng tay và khẩu trang để giữ vệ sinh. Chị Trần Thị Ngọc Lệ ở 20/135 Đặng Văn Ngữ (TP Huế), chủ một quầy bán gia cầm khoảng vài chục con ở chợ An Cựu không ngần ngại nói: “Số gà, vịt này mua ở nông thôn và giết mổ tại nhà rồi đem ra chợ bán, cần chi kiểm dịch”. 

Những sọt gà ở chợ An Cựu đều không có thủ tục kiểm dịch

Cũng tại chợ An Cựu, ngay trên lối ra vào chợ còn có một số điểm kinh doanh gia cầm sống hàng trăm con đều không có các thủ tục theo quy định của ngành thú y. Gần cả chục sọt gà của chị Nguyễn Thị Tuyết ở số 6 Đặng Văn Ngữ đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tôi hỏi số gà này được buôn từ đâu về bán, chị Tuyết cho biết mua ở Bình Định. Tôi hỏi các thủ tục kiểm dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng thì chị Tuyết không có để xuất trình. Trong khi đó, gia cầm được vận chuyển từ Bình Định ra Huế phải đi qua Quảng Nam là tỉnh có dịch đang diễn biến hết sức phức tạp. Không riêng chị Tuyết, hầu hết các chủ kinh doanh gia cầm ở chợ An Cựu đều tỏ ra thờ ơ và thiếu hiểu biết trước tình hình DCGC có nhiều nguy cơ tái phát. Chị Tuyết cho rằng, tất cả số gà của chị mua về đều khoẻ mạnh nên không cần kiểm dịch và phun hoá chất tiêu độc khử trùng. 

Tại chợ Bến Ngự, tình hình kinh doanh gia cầm nhỏ lẻ đã được giết mổ cũng bày bán nhiều nơi, xen lẫn với các mặt hàng tôm cá, thịt gia súc. Theo quan sát của chúng tôi, tại chợ này có đến hàng chục điểm bán gà, vịt đều không có dấu tem kiểm dịch của cơ quan thú y. Các quầy bán gia cầm cũng đặt ở vị trí không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Các chủ quầy bán cũng không một ai mang khẩu trang và đeo găng tay. Trong khi đó, theo quy định của cơ quan thú y, gia cầm bày bán phải đóng dấu tem kiểm dịch, được đặt trong tủ kính, người bán phải đeo găng tay, khẩu trang... Chị Thân Thị Mai ở Thuỷ Dương (Hương Thuỷ) có quầy bán gia cầm ở chợ Bến Ngự cho biết, số gà vịt của chị được giết mổ tại lò Thuỷ Dương. Nhưng chúng tôi quan sát hầu hết số gia cầm của chị đều không đóng dấu kiểm dịch theo quy định.

Cơ quan chức năng còn buông lỏng

Thời gian qua, ngành thú y đã tuần tra, kiểm soát tại các chợ và xử lý gần 200 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y. Trong đó, có 141 trường hợp kinh doanh thịt động vật không dấu kiểm soát giết mổ, không có tem vệ sinh thú y; 10 trường hợp giết mổ không đúng địa điểm quy định; 9 trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động không đủ thủ tục kiểm dịch...

Tại thời điểm này đã có 13 tỉnh, thành trong cả nước xảy ra DCGC, trong đó còn 10 tỉnh dịch chưa qua 21 ngày và đang diễn biến phức tạp. Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, theo nhận định của ngành thú y, DCGC sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu công tác phòng chống dịch không hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân xảy ra dịch như không chấp hành tiêm vắc xin, nuôi thả rong, chạy đồng và không chấp hành việc sử dụng sổ theo dõi đàn thuỷ cầm... Trong đó, việc giết mổ và kinh doanh gia cầm không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y là một trong những nguyên nhân rất dễ dẫn đến nguy cơ tái phát dịch. Việc ngăn chặn và xử lý những tình trạng này là vấn đề cần hết sức quan tâm.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của chúng tôi tại nhiều chợ trên địa bàn TP Huế, cho thấy việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng vẫn còn buông lỏng. Dạo quanh tại các chợ vào sáng 6-3, hầu như chúng tôi không thấy một bóng dáng cán bộ thú y nào đi kiểm dịch, tiêu độc khử trùng. Chị Trần Thị Ngọc Lệ ở 20/135 Đặng Văn Ngữ và chị Nguyễn Thị Tuyết ở số 6 Đặng Văn Ngữ (TP Huế), chủ các quầy bán gia cầm ở chợ An Cựu cho biết, các chị đưa gia cầm đến chợ từ sáng đến trưa nhưng vẫn không thấy cán bộ nào đến kiểm tra, kiểm dịch. Trong khi đó, ông Thân Trọng Tuyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng, theo quy định gia cầm được bày bán phải có giấy chức nhận kiểm dịch và tiêu độc khử trùng của các cơ quan chức năng. Chi cục đã chỉ đạo lực lượng đi kiểm tra tình hình kinh doanh gia cầm tại các chợ để kiểm dịch và tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, những gì mà chúng tôi nhận thấy thì các lực lượng này vẫn chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Để ngăn chặn DCGC tái phát một cách hiệu quả, ngoài việc tiêm vắc xin cho gia cầm, ngành thú y phối hợp với các ban ngành chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình hình kinh doanh gia cầm tại các chợ. Theo đó, các lực lượng cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những hộ buôn bán gia cầm trái phép; đặc biệt là những quày bán không đảm bảo vệ sinh môi trường và không có dấu tem kiểm dịch. Đối với những hộ bán gia cầm sống đảm bảo khoẻ mạnh, an toàn dịch bệnh cần cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêu độc khử trùng và cho phép kinh doanh. Cùng với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần tăng cường tiêu độc khử trùng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ tái phát và các biện pháp phòng tránh DCGC cho các hộ kinh doanh.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top