ClockChủ Nhật, 25/02/2018 10:36

Trọn đời gắn với vùng cao

TTH - Gần gũi, thân thiện là phong thái của bác sĩ CK I Nguyễn Hữu Can, Trưởng khoa Ngoại-Sản, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Đông. Gần 30 năm nay, anh được đồng nghiệp, bà con dân bản xem là “hiền nhân mặc blouse trắng” nơi vùng đất khó.

Áp lực của bác sĩ trưởng trạmGiải pháp cho bài toán thiếu bác sĩKhi trạm y tế thiếu bác sĩKhai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa INhững “chiến sĩ” áo trắng thầm lặng

Không ngại khó, ngại khổ

Gặp bác sĩ Can đúng dịp vùng cao Nam Đông rộn ràng cờ hoa chuẩn bị chào năm mới. Câu chuyện với anh khá cởi mở, vui vẻ khi anh trải lòng về con đường y nghiệp của mình. Được đào tạo có bằng y tá khi còn là bộ đội ở chiến trường Lào, anh trở về quê vào năm 1988. Với anh vào thời điểm đó rất nhiều cơ hội làm việc ở quê, nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Can lại chọn vùng cao Nam Đông để thực hiện ước mơ được khám, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nghèo.

Bác sĩ Can thăm, khám cho bệnh nhân sau mổ

Những ngày đầu lên Nam Đông, đúng thời điểm tách từ huyện Phú Lộc vào năm 1990, anh được “biên chế” ở Đội Vệ sinh phòng dịch. Thời điểm này, nơi đây được xem là rốn dịch bệnh của Thừa Thiên Huế, nhất là sốt rét hoành hành ở các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật… Với lòng nhiệt huyết, anh Can không ngần ngại. Bất kể xã nào, vùng nào, hễ có dịch, có người mắc sốt rét là anh tìm đến trợ giúp dù phương tiện hạn chế, đường sá đi lại cách trở, chủ yếu bằng đôi chân. Anh Can kể: “Nhớ lại công tác phòng dịch ở Nam Đông hồi ấy giờ vẫn còn nổi gai ốc. Khổ không chỉ từ ăn ở, đi lại mà khổ cả chuyện bám dân, vận động tuyên truyền kiến thức ăn uống hợp vệ sinh, phòng trừ ruồi muỗi, kiểm tra chăn màn. Thậm chí sự nhiệt tình  của cán bộ y tế cơ sở nhiều khi chẳng được sự chấp thuận của bà con do họ còn nặng các hủ tục lạc hậu. Gia đình nào có người mắc bệnh, họ chỉ nghĩ đến cúng bái, xin “con ma rừng” tha bệnh”.

Ngay cả chuyện tiêm phòng vắc xin cho trẻ đang là phong trào hưởng ứng của nhiều địa phương miền xuôi, nhưng ở các xã vùng cao Nam Đông vẫn chưa ủng hộ. Nhiều phụ huynh sợ con đau nên không hợp tác. Nhưng vì lo cho thế hệ tương lai con em vùng cao, lúc ấy anh Can cùng các đồng nghiệp, hội đoàn địa phương cõng vật dụng, thuốc men, vắc xin đến tận nhà dùng lời hay ý tốt để “dụ”.

Bác sĩ Võ Phi Long, đồng hương và đồng hành với anh Can tham gia nhiều “chiến trận” phòng dịch hồi ấy (hiện là Phó Giám đốc TTYT Nam Đông) chia sẻ: “Chuyện anh Can đi phòng dịch  nỗi niềm lắm, bây giờ có thể viết thành truyện. Nếu không có anh Can “đạo diễn” trong công tác phòng, chống dịch sốt rét vào những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ XX) thì dân số các xã đồng bào thiểu số Thượng Quảng, Thượng Long... giờ giảm đi nhiều lắm”.

Hết lòng vì người bệnh

Năm 1997, anh Can được cử đi học y sĩ đa khoa tại Trường trung cấp y tế Huế. Ra trường, với nguyện vọng của mình, anh làm việc ở Khoa Cấp cứu hồi sức, TTYT huyện. Năm 2007-2011, anh theo học lớp bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Y Dược Huế. Năm 2013-2015, anh học chuyên khoa 1 ngành ngoại khoa. Hàng năm anh còn theo các khóa tập huấn đào tạo nâng cao kiến thức ngắn, dài hạn trong lĩnh vực khám điều trị ngoại khoa chuyên sâu.

Có chuyên môn vững, anh Can tạo thêm niềm tin không chỉ với người dân mà còn tham mưu, đề xuất giúp lãnh đạo đơn vị xây dựng nhiều chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn nhân lực, đổi mới phong cách phục vụ bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại TTYT huyện. Hiện nay, dẫu còn những hạn chế nhưng từ khuôn viên, sân vườn, đến các khoa,phòng chức năng ở TTYT Nam Đông khang trang, sạch đẹp. Khoa Ngoại sản, có đủ nhân lực, trang thiết bị, góp phần đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân vùng cao Nam Đông trong những năm gần đây.

Hiện, bình quân mỗi ngày TTYT Nam Đông đón 70-90 lượt khám ngoại trú, điều trị nội trú gần 100 bệnh. Trong đó, số bệnh nhân khám, điều trị tại Khoa Ngoại sản chiếm khoảng 30%. Kể từ năm 2012 về trước, hầu hết các bệnh như mổ trĩ bằng longo, mổ kết hợp xương, mổ thai lần 2… đều phải chuyển tuyến, nhưng khi có bác sĩ Can, bệnh nhân tin tưởng ở lại TTYT Nam Đông tăng lên. Năm 2017, Khoa Ngoại sản đã phẫu thuật 109 trường hợp, tăng 48 ca so với năm 2016; trong đó mổ đẻ 42 ca, tăng 36 ca so với năm 2016.

Yêu nghề, hiểu dân cùng với chịu khó trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn… đã giúp bác sĩ Can ngày càng tạo được lòng tin trong lòng người dân ở vùng cao Nam Đông. Nhiều câu chuyện về y đức, tay nghề của anh luôn được bà con nhắc đến càng tạo động lực cho anh tiếp tục cống hiến, chọn Nam Đông làm quê hương thứ hai của mình.

Mới đây, có trường hợp sản phụ L.L.H ở xã Thượng Quảng, chuyển dạ khi đưa đến TTYT huyện trong tình trạng xấu vì có chứng suy tim, suy thận, nguy cơ dẫn đến tai biến tính mạng mẹ và con rất lớn nếu kéo dài. Thay vì phải chuyển sản phụ lên tuyến trên sớm, nhưng do ảnh hưởng cơn bão số 14 năm 2017 làm chia cắt đoạn đường qua đèo La Hy, buộc lòng anh Can dù lúc đó đang dự Hội nghị chuyên khoa Gan Mật toàn quốc tại Huế phải lội bộ, băng đèo để kịp lên phối hợp với bác sĩ Võ Phi Long quyết định can thiệp mổ. Nhờ đó, sản phụ  mẹ tròn con vuông trong niềm vui hạnh phúc của gia đình cùng toàn ê kíp sau 8 giờ liền.

Đánh giá về người đồng nghiệp cùng nhau gắn bó nhiều năm ở vùng cao Nam Đông, Bác sĩ Hồ Thư, Giám đốc TTYT Nam Đông cũng dành nhiều trân trọng đối với “cấp dưới” của mình khi nhận xét bác sĩ Can là người sống tình nghĩa, có trách nhiệm với nghề, bất cứ hoàn cảnh nào, anh vẫn luôn để lại hình ảnh “lương y như từ mẫu”, là tấm gương sáng cho các bác sĩ trẻ noi theo, biết dấn thân vì sự nghiệp chữa bệnh, cứu người ở vùng cao còn nghèo khó.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Gần gũi thiên nhiên với biophilic design

Xu hướng thiết kế biophilic design chú trọng việc kết nối con người với các yếu tố từ thiên nhiên, tạo ra không gian chữa lành ngay tại nhà.

Gần gũi thiên nhiên với biophilic design
Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết
Return to top