ClockThứ Bảy, 21/05/2016 14:28

Trọng chữ tín hơn của cải

TTH - Điện thoại đổ dồn, hiện số luật sư quen. Giọng luật sư phấn khích: “Câu chuyện cảm động lắm. Có con cháu, lại là hộ nghèo nhưng đôi vợ chồng già di chúc để lại nhà đất gần 1.000 m2, giá trị tiền tỉ cho người không ruột rà máu mủ.

“Ân tình phải nhớ”

Luật sư: “Tôi từng sợ trong chuyện này có điều gì lừa dối. Nhưng không. Rất minh mẫn, ông bà bộc bạch, thửa đất đó một người quen cho dựng nhà ở nhờ gần 50 năm trước. Khi giao đất, chỉ “mong manh” một lời nói: “Ở đến già cả không ở nữa hoặc chết thì “trối” lại cho thằng cháu đích tôn của tui”. Người ân nhân đã trở về cát bụi, nhưng ông bà chưa bao giờ quên”...

Những nụ cười thảnh thơi của đôi vợ chồng già sau khi hoàn thành tâm nguyện

Được luật sư hướng dẫn, ông Việt, bà Vỵ đến phòng công chứng, thực hiện những thủ tục pháp lý, lập di chúc sau khi chết để lại tài sản sở hữu hợp pháp là toàn bộ nhà đất cho anh Trần Xự- cháu đích tôn của ân nhân. Hoàn thành xong ý nguyện, ông bà trở về nhà. Chúng tôi vội vã “đuổi theo” đôi vợ chồng già, ông Lê Việt (75 tuổi) và vợ là Hồ Thị Vỵ (70 tuổi) hiện trú tại thôn Thanh Hương Đông, xã Điền Hương, huyện Phong Điền.

Đến Điền Hương, không khó để tìm căn nhà nhỏ trên khu đất rộng thoáng đãng với bờ rào là những hàng tre xanh mát. Ông kể: “Ngày trước đang sống yên lành, bỗng nhiên cha tui mê cờ bạc. Càng đánh càng thua, ông “xẻo” đất đai bán dần. Rồi cả căn nhà, cha tui cũng “nướng” luôn, đẩy gia đình vợ con rơi vào cảnh không nhà cửa. Chẳng bao lâu sau, cha mất. Thấy mấy mẹ con tui cực khổ quá, năm 1968 cụ Trần Liễu vốn là người làng và bạn của ba tui gọi đến bảo, cho làm nhà ở trên mảnh đất vườn của ông. Cụ Liễu dặn, cho tui ở đến lúc mô già cả không ở nữa hoặc chết thì trối (trăn trối-pv) lại cho cháu đích tôn của cụ”.

Mái tranh vách đất, nhưng ngôi nhà dựng trên mảnh vườn, kể từ đó là nơi che nắng chắn mưa cho mẹ con ông Việt. “Mấy năm sau cụ Liễu qua đời. Chẳng giấy tờ, chẳng ký sổ sách, việc cho mượn đất chỉ nói miệng. Mặc dù vậy, mẹ tui, em tui, vợ chồng tui không bao giờ quên lời dặn. Dắt chúng tôi qua chiếc sân gạch, ông Việt nói như đang hồi ức bao nhiêu kỷ niệm: “Gần 50 năm qua rồi. Khi mới đến dựng nhà tóc vợ chồng tui đang xanh mướt, chừ đã bạc. Nhìn chiếc sân lại nhớ mẹ tui tảo tần ngồi phơi lúa. Trong căn nhà này, bà đã thảnh thơi trút hơi thở cuối cùng để về với đất. Hai đứa con gái của vợ chồng tui cũng lớn lên dưới mái nhà này, đến lúc tụi hắn đi lấy chồng, theo chồng vào Đồng Nai”.

Giàu một chữ tín

Vợ chồng ông Việt gắn bó với mảnh đất, coi như trọn vẹn đời người. Từ sơ khai, gia đình ông đã đổ xuống đó rất nhiều mồ hôi, tâm huyết để mảnh vườn được tạo nên “hồn vía”. Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giao 500m2 đất ở lâu dài có thu tiền sử dụng đất, giao 373m2 đất trồng cây lâu năm đến năm 2053) cho vợ chồng ông Việt. Mới đây “thẻ đỏ” của ông bà (quyền sử dụng đất) được đổi thành “thẻ hồng” (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Bây giờ, thửa đất gần 1.000m2 là cả một gia tài lớn. Nhưng, ông Việt bà Vỵ không bao giờ quên nguồn gốc đất.

Khuôn viên nhà đất gần 1.000m2 hiện nay có giá trị tiền tỉ, ông Việt bà Vỵ di chúc để lại cho anh Xự

Những người trong gia đình ông Lê Việt ai cũng nặng lòng với một chữ tín. “Tuổi già, sức yếu không còn lao động được, hộ gia đình tui được xếp vào diện hộ nghèo ở địa phương. Các con đứa nào cũng còn vất vả. Vợ chồng đứa lớn còn ở nhà tranh tre nứa lá, kéo ba gác chở đồ thuê. Vợ chồng đứa út cũng không khá hơn là mấy. Chúng nó lại còn phải nuôi con nhỏ, khó có thể giúp đỡ cha mẹ. Vậy nên vợ chồng tui cố gắng tự lực cánh sinh, rau dưa đạm bạc, chăm sóc cho nhau. Mỗi tháng, Nhà nước cho 30 nghìn tiền điện, vợ chồng tui chỉ dùng điện “nhin nhín” hết 10 nghìn đồng, số tiền còn lại dùng để trả tiền nước sinh hoạt và phí vệ sinh môi trường”, bà Vỵ cười nhẹ nhàng.

Vậy mà, đôi vợ chồng già quyết giữ gìn nguyên vẹn khu đất có giá trị tiền tỉ, để di chúc lại cho cháu đích tôn cụ Liễu, theo lời dặn cách đây gần 50 năm. Hai con ông cũng ủng hộ điều đó. “Con cháu của cụ Liễu không hề đặt vấn đề nhắc lại lời dặn ngày xưa. Người ta không nhắc, nhưng vợ chồng tui không quên. Tuổi đã cao, hai năm trở lại đây lại phát nhiều bệnh, do đó tui rất sốt ruột lo hoàn thành tâm nguyện. Vợ và các con tui cũng chung tâm nguyện này. Nhưng nông dân quê mùa, chẳng biết “mô tê” về các thủ tục pháp lý. May mà trong quá trình lần tìm hỏi han, tui được anh Thọ (trú tại phường An Cựu, TP Huế) biết chuyện, hỏi luật sư giúp cho. Anh Xự (cháu đích tôn cụ Liễu) cũng nghèo, cả gia đình tạm thời đi xứ khác làm thuê. Cách đây hai tháng, nhân dịp anh Xự về mấy ngày, tui qua gặp “có lời” trước khi lập di chúc. Anh Xự ngạc nhiên và vui lắm”. Trên gương mặt chị Trần Thị Bình (48 tuổi, em ruột anh Xự) là nụ cười nhẹ nhõm: “Anh em tui biết về lời dặn của ông nội tui, nhưng không hề đề cập đến việc này. Nếu vợ chồng ông Việt không thực hiện, gia đình tui cũng không tranh chấp. Khi vợ chồng ông Việt tự nguyện di chúc lại tài sản đó cho anh trai tui, anh em tui rất vui. Vợ chồng ông ấy đã trọng chữ tín hơn của cải”.

Nhớ lời luật sư, giữa bao nhiêu vụ án tranh chấp tài sản “xé nát” tình ruột rà máu mủ, câu chuyện của gia đình cụ Liễu, ông Việt như “dòng nước ngọt ngào”. Nắng tháng Năm gay gắt, nhưng trưa Điền Hương thật dịu mát...

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ông Nhật cần đến luật sư để tìm hướng giải quyết dứt điểm

Mới đây, Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của ông Lê Minh Nhật, nguyên là nhân viên Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ Thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở TN&MT (gọi tắt Trung tâm) phản ánh ông Nguyễn Tất Tùng, nguyên giám đốc Trung tâm (giai đoạn năm 2015 đến 2022) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong đơn vị.

Ông Nhật cần đến luật sư để tìm hướng giải quyết dứt điểm
Cảm xúc xoay vần

Cho dù cúp vàng thế giới về tay ai thì những gì diễn ra trên đất Qatar khiến cảm xúc người hâm mộ biến chuyển không ngừng. Thảm cỏ xanh đã chứng kiến Die mannschaft khấp khởi hi vọng khi có cơ hội lách qua khe cửa hẹp; Son Heung Min từng vui sướng đến rơi nước mắt sau pha chọc khe tinh tế để đồng đội ghi bàn; người hâm mộ Selecao từng phấn phấn khích sau pha ghi bàn ở đẳng cấp cao của Neymar,…nhưng sau niềm vui ngắn chẳng tày gang, những người đàn ông đã khóc.

Cảm xúc xoay vần
Return to top