ClockThứ Tư, 04/10/2017 05:31

Trúc chỉ & lời trò chuyện của sông

TTH - Trúc tượng trưng cho quân tử, chỉ là sợi dây nối kết giữa các mảnh vỡ, các cá thể. Có thể xem, Trúc chỉ là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Tre từ cái thời lũy tre làng bất chợt trở thành con thuyền chuyên chở nghệ thuật, chuyên chở văn hóa. Con thuyền đó không còn bềnh bồng trên các ao hồ sông suối mà đã vượt đại dương ra khơi xa.

Một phần của tác phẩm “Lời của sông”

Người có công đưa cây tre Việt Nam tương tác với thế giới là họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng dạy tại Trường đại học Nghệ thuật Huế chỉ qua một đề tài cấp cơ sở của Đại học Huế . Xuất thân từ ngành mỹ thuật ứng dụng, nhưng sự đam mê sáng tạo đã xô đẩy Phan Hải Bằng nhảy vào con đường đầy cam go và thử thách này. Từ những bức tranh bột màu cho một triển lãm "Vọng" tại Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ 20, cho đến những tác phẩm sơn dầu mang âm hưởng của siêu thực và biểu hiện... nhưng điều đó vẫn chưa khiến độ sáng tạo trong anh giảm xuống mà ngược lại, nó như một thứ men kích thích đưa anh đến với cây tre Việt Nam.

Nhiều người nhầm tưởng Trúc chỉ chỉ là chất liệu để tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ như: dù, nón, quạt, đèn, sách... Ngạc nhiên thay khi Phan Hải Bằng đã ra mắt cuộc triển lãm nghệ thuật thị giác "Trúc chỉ - Lời của sông" tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng từ ngày 30/9 đến 14/10 với hệ thống tác phẩm được thể hiện bằng nghệ thuật Trúc chỉ, bao gồm hình tượng dòng sông Trúc chỉ dài hơn 120m, mười hai mô hình trụ đứng Trúc chỉ đa nghĩa, gợi hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc cũng như cấu trúc đặc thù của tín ngưỡng Chăm: linga-yoni với hệ thống hình ảnh gọi nhớ quê hương… hệ thống tác phẩm Trúc chỉ treo tường cùng chủ đề, motif hình ảnh, khai thác hiệu ứng bề mặt, hệ thống tác phẩm Trúc chỉ được bố trí phần sân bảo tàng khai thác ánh sáng tự nhiên… cùng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh và video bổ trợ. Tất cả hòa hợp, thành một “đối thoại” với không gian triển lãm.

Triễn lãm tại Đà Nẵng

Tác phẩm cho triển lãm lần này được thực hiện bởi 10 anh chị em nghệ sĩ thuộc Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, thực hiện trong vòng gần một năm. Trên nền vàng mơ, nâu nhạt, lần lượt là những chân dung của các vĩ nhân, như Đức Phật Thích Ca, chúa Giê-su, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà sáng tạo Steven Job... Những biểu tượng văn hóa, như hoa sen, linga, yoni, các hoa văn cổ, những ngôi đình làng, chùa... Trúc chỉ như trở thành rạp cinema để những cuốn phim lần lượt được trình diễn. Một điều lạ là màu sắc trên nền Trúc chỉ gần như đơn sắc nhưng luôn đem lại cảm giác ấm áp cho người xem.

Lời của sông là chủ đề chính của triển lãm, ở đó là những câu chuyện được kể lại qua nghệ thuật Trúc chỉ, là những góc khuất của xã hội được thu vào các mảng sáng tối qua sự phân bố ánh sáng của người nghệ sĩ... và trên hết, là sự chuyên chở của dòng sông, có thể là sông Hương, sông Hàn, sông Cửu Long, sông Hồng... hay chính dòng sông thầm lặng trong mỗi chúng ta. Điều quan trọng là, Phan Hải Bằng đã làm sống lại hình ảnh lũy tre làng một thời ẩn sâu trong tâm hồn tuổi thơ của các thế hệ Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, như một sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại qua các tác phẩm của mình và nhóm Trúc chỉ.

Lê Huỳnh Lâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trúc chỉ & hành trình lan tỏa

Những ngày qua, triển lãm Trúc chỉ tại Hà Nội được công chúng Thủ đô đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người trầm trồ, ngỡ ngàng trước khả năng biểu cảm của một loại hình nghệ thuật được khai sinh từ Huế.

Trúc chỉ  hành trình lan tỏa
Trúc Chỉ - vì một giá trị văn hóa đậm tính Việt

“Năng” là tên một cuộc triển lãm Trúc Chỉ, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ngày 14/7 do Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam tổ chức. “Năng” cũng là mở đầu cho chuỗi triển lãm kỷ niệm 10 năm Trúc Chỉ hình thành, cùng với “Thắm” (tại Hà Nội) và “Hợp” (TP. Hồ Chí Minh) tới đây. Dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Ngô Đình Bảo Vi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam về hành trình 10 năm của Trúc Chỉ, khởi nguồn từ Huế.

Trúc Chỉ - vì một giá trị văn hóa đậm tính Việt
Return to top