ClockThứ Năm, 02/03/2017 13:51
KỶ NIỆM 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC HUẾ (1957-2017)

Trung tâm nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ mạnh của miền Trung

TTH - Những năm qua, Đại học Huế (ĐHH) và các trường ĐH thành viên đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tham quan Triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ Đại học Huế

PGS.TS.Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐHH khẳng định: “KHCN của ĐHH gắn liền với thực tiễn. Số lượng đề tài tính trong 5 năm nay vượt 21% so với giai đoạn 2004-2009. Đã có 187 sản phẩm KHCN được triển lãm và trưng bày ở các sự kiện lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Có 20% sản phẩm có tiềm năng thương mại ở các lĩnh vực xã hội nhân văn, kinh tế chính trị, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, tài nguyên và môi trường; 5 sản phẩm lên sàn giao dịch của cả nước; 9 sản phẩm trong lĩnh vực nông lâm ngư đã được thương mại hóa và các sản phẩm nghiên cứu về y dược đã và đang ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe và điều trị. Bước đầu, KH&CN đã thúc đẩy cho việc khởi nghiệp và thành lập các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp và y dược, bảo vệ môi trường”.

Sản phẩm khoa học công nghệ Đại học Huế có thể ứng dụng vào thực tiễn

Ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn

179 là số lượng đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia đã được ĐHH thực hiện từ năm 2000 đến nay, bao gồm các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài độc lập, nhiệm vụ Nghị định thư, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản Nafosted; 876 đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 131 đề tài cấp tỉnh, hàng ngàn đề tài cấp ĐHH và đề tài cấp cơ sở. Nhiều đề tài nghiên cứu đạt các giải thưởng cao của Bộ KHCN, Bộ Giáo dục và Đào tạo và tỉnh Thừa Thiên Huế; một số sản phẩm KHCN đã được đăng ký thương hiệu, nhiều nhà khoa học được cấp bằng lao động sáng tạo.

Để có thể đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án lớn, có tính ứng dụng cao, tạo ra sản phẩm KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ĐHH đã xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, đồng thời liên kết chặt chẽ với các viện, trường, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước để hình thành các hướng nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, nông lâm nghiệp, y dược. Số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế nhờ vậy đã tăng lên, góp phần nâng cao và cải thiện vị thế của ĐHH trong xếp hạng quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quang Linh, lĩnh vực nghiên cứu nổi bật và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực nhất là các nghiên cứu nông lâm ngư, môi trường và y dược. Trong lĩnh vực nông lâm ngư, các nghiên cứu bảo tồn và lai tạo giống cây con mới, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, sản xuất chế phẩm sinh học đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn của địa phương. Một số sản phẩm điển hình là chuyển giao kết quả nghiên cứu chế phẩm sinh học Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici) trên cây hồ tiêu cho nông dân các vùng trồng tiêu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên; chọn lọc được các giống lúa kháng rầy lưng trắng (Sogatella furcifera Horvath) thích ứng với điều kiện các tỉnh miền Trung; chế phẩm sinh học Bokashi trầu là sự kết hợp hoạt chất sinh học từ lá trầu với vi khuẩn có lợi Lactobacillus sp được sử dụng rộng rãi trong cả nước để nuôi tôm an toàn, thân thiện môi trường...

Trong lĩnh vực y dược, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho các bệnh viện khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những sản phẩm giá trị trong lĩnh vực y dược có thể kể đến là: 100 cây thuốc thường dùng chữa bệnh của đồng bào Pa Cô - Vân Kiều; 30 cây thuốc liên quan đến tác dụng chống ung thư và oxy hóa; xây dựng quy trình chiết xuất và phân lập các hợp chất trong cây thuốc có tác dụng diệt tế bào ung thư; quy trình tán sỏi ngoài cơ thể; quy trình nội soi niệu quản ngược dòng đáp ứng yêu cầu điều trị của Bộ Y tế, có thể áp dụng tại các cơ sở...

Hoạt động KHCN của ĐHH cũng đã góp phần tạo ra hàng trăm sản phẩm công nghệ, trong đó nhiều sản phẩm có tiềm năng thương mại, nhiều quy trình công nghệ được chuyển giao và ứng dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như chế phẩm Pesudomonas phòng trừ các bệnh hại cây trồng; các sản phẩm nano bạc; thiết bị bay QuadRotor lấy không ảnh; máy SASD-07 phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ; bài thuốc tiền liệt thanh giải điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt…

Các thành quả trên đã khẳng định được vị trí và sự đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu của ĐHH đối với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Với những nỗ lực, cố gắng trong công tác KHCN, ĐHH đã nhận được các giải thưởng và vinh danh của nhà nước, các tổ chức quốc tế. ĐHH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng đề án Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung.

Tài sản lớn nhất là trí tuệ

Nói về những thuận lợi trong NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN), PGS.TS.Nguyễn Quang Linh cho rằng, đội ngũ các nhà khoa học đông đảo chính là lợi thế. Hiện, ĐHH là một trong những trung tâm đào tạo có số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ dẫn đầu khu vực và cả nước với gần 250 giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp, gần 600 tiến sĩ, hơn 1.500 thạc sĩ; 27 giáo sư danh dự người nước ngoài, hàng trăm giáo sư, phó giáo sư bán cơ hữu và thỉnh giảng.

Tài sản lớn nhất của ĐHH là trí tuệ, song đang ở dạng tiềm năng. Để tạo đột phá trong phát triển KHCN và có nhiều hơn nữa những sản phẩm, đề tài nghiên cứu được thương mại hóa, PGS.TS.Nguyễn Quang Linh cho rằng ĐHH cần thực hiện những giải pháp như: đầu tư kinh phí nghiên cứu có trọng điểm để tạo ra các sản phẩm có thể tiếp cận được thị trường KHCN, khả năng ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả; xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành mạnh, cùng với việc xây dựng quỹ KHCN để hỗ trợ các nhóm; thành lập các nhóm xây dựng các dự án hay chương trình nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về các đề tài và dự án để đệ trình và cạnh tranh với các đơn vị nghiên cứu khác để có nguồn kinh phí tổ chức nghiên cứu. Để triển khai các nhiệm vụ KHCN và đào tạo, ĐHH chủ trương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, trong đó chú trọng hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, thu hút nguồn kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật, tài liệu khoa học, trao đổi giảng viên và sinh viên; hợp tác với các doanh nghiệp, các địa phương để có các đặt hàng nghiên cứu phục vụ cho nhu cầu của chính họ và nhu cầu xã hội.

ĐHH - tiền thân là Viện ĐHH được thành lập năm 1957. Năm 1976, Viện ĐHH được tách thành các trường đại học trực thuộc các Bộ chủ quản. Ngày 4/4/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 30/CP thành lập ĐHH trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

ĐHH hiện nay là một trong các đại học trọng điểm quốc gia, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, CGCN, hợp tác quốc tế lớn của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Năm 2016, ĐHH xếp hạng 350 các trường đại học hàng đầu châu Á và đứng thứ 4 trong các trường đại học Việt Nam (theo QS University Rankings Asia).

NGỌC HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chế biến trà từ hoa sim

Từ việc nghiên cứu đề tài tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, nhóm học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn đã chế biến trà túi lọc từ hoa sim, một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chế biến trà từ hoa sim

TIN MỚI

Return to top