ClockThứ Tư, 04/10/2017 05:31

Trung thu xưa trong lòng thành phố

TTH - Khi ánh trăng lên cao, 130 gia đình nhỏ được sống trong không gian ngập tràn màu sắc của lồng đèn ông sao, đèn cá chép… Trung thu xưa được tái hiện ngay giữa lòng thành phố.

“Chú Cuội” trò chuyện với một bạn nhỏ

Trung thu trong ký ức của mỗi người là những màu sắc khác nhau, nhưng tựu chung, Trung thu xưa đẹp và nhiều ý nghĩa. “Đó là những tối cùng bố tự làm chiếc đèn ông sao của riêng mình. Dù keo dính đầy tay, màu bóng kính lem luốc cả quần áo nhưng cảm giác tự tay tạo nên chiếc đèn lung linh, óng ánh để khoe chúng bạn vẫn là niềm vui sướng, tự hào khó tả bằng lời”, anh Nguyễn Văn Nghĩa (phường Phước Vĩnh, TP.Huế) nhớ lại.

Chắc hẳn ký ức về những mùa Trung thu xưa vẫn còn mãi trong tâm tưởng nên mọi người đều muốn có một mùa Trung thu trong lòng thành phố. Chị Tiên ở phường Kim Long cho hay: “Để con trẻ có một tuổi thơ giàu ý nghĩa giữa nhịp sống hiện đại, chúng tôi đã lên ý tưởng để các bé thiếu nhi có một Tết Trung thu như thời của ba mẹ chúng”.

Ý tưởng của chị Tiên đưa ra được các bà mẹ trẻ trên địa bàn TP.Huế nhanh chóng “bắt nhịp”, tạo nên làn sóng rộng rãi, ngày càng nhiều người đăng ký tham gia đêm hội “Trung thu tí hon” được tổ chức vào đêm 11/8 âm lịch. Hơn 400 thành viên ở 130 gia đình tham gia vui Tết trung thu cùng các con. Các mẹ cùng nhau tụ họp, lên kế hoạch chi tiết, người ủng hộ bánh, người ủng hộ kinh phí, người góp sức với mong muốn đem đến cho con trẻ một Tết trung thu vẹn tròn.

Góp phần mang đến một Trung thu ý nghĩa, hơn 20 bạn tình nguyện viên đã làm việc tích cực. Bạn Đinh Ngọc Cường (lớp Y3E, ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y Dược Huế) chia sẻ: “Chúng em chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm phụ trách trang trí sân khấu, nhóm chia bánh kẹo, nhóm làm đèn ông sao... Nói là tổ chức Trung thu cho các em nhỏ, nhưng chính em và các bạn còn mong chờ hơn, đã lâu rồi em không cảm nhận được Trung thu cổ truyền đúng nghĩa”.

Sân khấu chính của đêm hội “Trung thu tí hon” được bày trí đẹp mắt với bức phông lớn có hình các bạn nhỏ rước đèn dưới ánh trăng tròn sáng rực. Trong không gian tràn ngập bong bóng, đèn ông sao, đèn cá chép với những màu sắc sặc sỡ tươi vui, chị Hằng và chú Cuội xuất hiện như trong những câu chuyện cổ tích các bé từng được nghe. Chú Cuội đố vui trao thưởng bằng những câu hỏi giản đơn như chú Cuội sống ở đâu, với ai, Trung thu là ngày nào...?

Cùng với sự xuất hiện của chị Hằng, chú Cuội hay điệu múa lân sôi động, đêm hội còn tô đậm màu sắc Trung thu cổ truyền với màn phá cỗ, rước đèn vỡ òa bởi tiếng cười nói không ngớt trẻ thơ. Có em được bố mẹ tạo mặt nạ cho riêng mình trông rất ngộ nghĩnh. Không khí càng sôi động hơn với nhịp trống “tùng... rinh” và điệu múa của hai chú lân đỏ. Các bạn nhỏ vỗ tay hò hét, xúm lại gần để nhìn được rõ hơn. Bé Nguyễn Phúc Nguyên Khang (lớp 1/1, Trường tiểu học Trần Quốc Toản) cười rạng rỡ: “Con rất vui. Con mong ước tất cả mọi người đều đón Trung thu vui vẻ”.

Trung thu mỗi thời mỗi đổi thay, tuy vậy giá trị tinh thần cốt lõi của ngày Tết đoàn viên vẫn được mọi người đề cao. Hãy trân trọng và hãy lưu giữ trong mỗi trái tim của chúng ta những mùa Trung thu đáng nhớ bằng những ký ức đẹp nhất.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế lạ và xưa

Với khoảng 25 bức ảnh chụp về Huế từ hơn 130 năm về trước, một ngày giữa tháng 3 vừa qua, nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ đã phối hợp cùng không gian của Da:me coffee (đường Chu Văn An) kể chuyện về Huế xưa qua hình ảnh ngay trong lòng phố Tây, với tên gọi “Huế lạ và xưa”.

Huế lạ và xưa
Lạc giữa trăng thu

Trăng mới lộ chút ánh sáng hồng hồng ở đằng xa, mấy nhỏ đã rộn ràng háo hức. Thằng Tèo Bụng cầm nắp vung gõ cheng cheng.

Lạc giữa trăng thu
Yêu thương đêm hội trăng rằm biên cương

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có chủ trương, chỉ đạo tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho thiếu niên, nhi đồng ở khu vực biên giới. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã dày công chuẩn bị, kết nối các mạnh thường quân trên mọi miền để mang đến cho trẻ em xã Đông Sơn (huyện A Lưới)những đứa trẻ còn chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần, một đêm hội trăng Rằm tròn đầy nhất.

Yêu thương đêm hội trăng rằm biên cương
Trung thu cho trẻ vùng khó

“Trên đó cực lắm. Rất nhiều em nhỏ ngoài buổi đi học là đi rừng, đi rẫy, bắt cá suối. Không phải cứ Trung thu là trẻ mô cũng có lân, có đèn lồng và quà bánh mô. Thế nên một tấm bánh, hộp sữa, một bộ áo quần còn mới, giày, mũ… đều trở thành niềm vui đáng nhớ với bọn trẻ. Thương mà đi thôi!” - Đó là chia sẻ của một bạn phóng viên sau khi kết nối với một số trưởng thôn, tìm đến những hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) để tặng quà trung thu cho các cháu nhỏ. Bao nhiêu kinh phí bạn có được là nhờ gom góp làm từ thiện từ nhiều tháng trước và kêu gọi thêm sự chung tay của nhiều mạnh thường quân “cùng thương” các em nhỏ vùng khó.

Trung thu cho trẻ vùng khó
Return to top