ClockThứ Năm, 16/03/2017 05:56

Trường đại học Sư phạm Huế, 60 năm hình thành và phát triển (1957 - 2017)

TTH - Tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng là một trong những truyền thống đáng tự hào của sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế.

Trường đại học Sư phạm Huế ký kết hợp tác với Đại học Hokkaido

Trường đại học Sư phạm Huế được thành lập vào năm 1957, trên cơ sở Trường cao đẳng Sư phạm trực thuộc Viện Đại học Huế. Năm học 1958 - 1959, trường được nâng lên thành Trường đại học Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế, là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời bấy giờ. Cùng với những thành tích dạy học, nghiên cứu khoa học, Trường đại học Sư phạm Huế còn là một trong những “ngòi nổ” đấu tranh của phong trào sinh viên - học sinh Huế đòi tự do, dân chủ, dân sinh và độc lập dân tộc.

Năm 1976, trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 426/TTg thành lập Trường đại học Sư phạm Huế trực thuộc Bộ Giáo dục trên cơ sở Trường đại học Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế. Ngày 21/12/1977, Bộ Giáo dục có quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Huế tại Quy Nhơn, đặt cơ sở cho việc thành lập Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn sau này. Ngày 4/4/1994, theo Nghị Định 30/CP của Chính phủ, Đại học Huế được thành lập, Trường Đại học Sư phạm Huế trở thành trường thành viên thuộc Đại học Huế.

TS.Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên

Hiện nay, trường có 12 khoa, 7 phòng chức năng, 5 trung tâm, 1 viện nghiên cứu và Trường THPT thực hành Thuận Hóa với 414 cán bộ, viên chức và hợp đồng lao động; trong đó, có 259 giảng viên với 2 GS, 43 PGS, 84 tiến sĩ, 118 thạc sĩ, tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đại học lên trên 93%, giảng viên có trình độ tiến sĩ trên 49%. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, tạo nên sức mạnh quan trọng để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của nhà trường. Năm 2007, trường là 1 trong 20 trường đại học đầu tiên trong cả nước tham gia kiểm định chất lượng và được công nhận là trường đạt chuẩn.

Trường hiện đang đào tạo 17 ngành trình độ cử nhân, 28 chuyên ngành thạc sĩ và 12 chuyên ngành tiến sĩ. Song song với tổ chức đào tạo các ngành chính quy theo chương trình quy định, trường còn thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài như: đào tạo ngành Vật lý theo chương trình tiên tiến của Trường đại học Virginia, Hoa Kỳ; đào tạo chương trình kỹ sư (liên kết với Trung tâm INSA Val De Loire và INSA Toulouse, Pháp) theo phương thức 2+3; liên kết với Trường Winona State - Hoa Kỳ, đào tạo ngành Công nghệ thông tin theo phương thức 2+2; tổ chức đào tạo ngành sư phạm Toán học, Hóa học bằng tiếng Anh, chú trọng các biện pháp đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

 Hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường lần thứ IX

Trường còn tham gia các loại hình bồi dưỡng giáo viên theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên các cấp (bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên các trường đại học, chứng chỉ công nghệ thiết bị trường học, chứng chỉ quản lý giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn giáo dục công dân...) ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Đến nay, trường đã đào tạo trên 60.000 giáo viên các bậc học và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho trên 56.000 lượt giáo viên các bậc học phổ thông, giáo viên mầm non thuộc các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; 4.215 học viên tốt nghiệp và 50 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, bổ sung một lực lượng giáo viên, cán bộ có trình độ cao về chuyên môn và quản lý cho ngành giáo dục và đào tạo. Các thế hệ sinh viên, học viên do Trường đào tạo đã phát huy năng lực, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Nhiều người đã trở thành những giáo viên dạy giỏi trong các trường mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học hoặc trở thành những cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu có uy tín ở các sở GD&ĐT, các trường và cơ sở nghiên cứu khoa học (NCKH) trong nước và quốc tế.

Không chỉ là đơn vị đào tạo có uy tín, hoạt động NCKH cũng góp phần mang lại cho trường những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, đề tài NCKH các cấp tăng lên về cả số lượng và chất lượng. Cán bộ, giảng viên toàn trường đã và đang thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm, dự án GVTHPT và đề tài cơ sở Đại học Huế; có hàng ngàn bài báo đăng trên tạp chí và các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước. Đặc biệt, có hàng trăm bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI (SCI, SCIE), Scopus. Nhiều công trình nghiên cứu được xã hội hóa, phục vụ có hiệu quả đối với giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên. Trường cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; quan tâm hỗ trợ cho hoạt động NCKH của sinh viên. Hằng năm, cán bộ giảng viên và sinh viên nhận được nhiều giải thưởng NCKH khoa học vinh dự của các cấp.

Trường có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế của các nước trên thế giới trong NCKH, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, liên kết đào tạo đại học và sau đại học. Trường đang đào tạo sinh viên cho các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản; liên kết với Trường ĐH Virginia, Hoa Kỳ đào tạo chương trình cử nhân tiên tiến ngành Vật lý; liên kết đào tạo chương trình kỹ sư với Trung tâm INSA Val de Loire và INSA Toulouse, Viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia, Pháp; liên kết với Trường đại học Winona State, Hoa Kỳ đào tạo cử nhân ngành Công nghệ thông tin; thực hiện đào tạo ngành Sư phạm Toán, Hóa bằng tiếng Anh tại trường; đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành phương pháp dạy học cho trường Cao đẳng Sư phạm Savannakhet, Cao đẳng Sư phạm Pakse, Lào; liên kết với Trường đại học Mahasarakham,Thái Lan đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục. Hiện nay, Trường đang tích cực thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hướng tới xu thế hội nhập và phát triển, trường cam kết thực hiện sứ mạng: “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ khoa học và quản lý giáo dục có trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn giáo dục phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”; phấn đấu: “Đến năm 2030, Trường đại học Sư phạm Huế trở thành trường đại học sư phạm nghiên cứu và ứng dụng hàng đầu trong hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cả nước, hoàn chỉnh ngành và bậc học, hoạt động theo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, đảm bảo cho người học có đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng trong xã hội phát triển”, xây dựng trường phát triển bền vững trên giá trị cốt lõi “Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập”.

Trường ĐHSP Huế thực sự là trường đại học thành viên nòng cốt trong Đại học Huế, được Nhân dân, chính quyền các cấp tin yêu, tín nhiệm. Đặc biệt được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các địa phương đánh giá cao, ghi nhận công sức, trí tuệ trong đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nhiều năm qua, Trường đã vinh dự được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (1983), Huân chương Lao động hạng Nhì (1991), Huân chương Lao động hạng Nhất (1996), Huân chương Độc lập hạng Ba (2002), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2011) cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và của các tỉnh, thành trong cả nước.

Tiến sĩ Lê Anh Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Return to top