ClockThứ Tư, 13/12/2017 21:38
XUNG QUANH KẾT QUẢ KỲ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC TIẾNG ANH BẬC 2/6:

Trường ĐH Ngoại ngữ thừa nhận thiếu sót

TTH - Liên quan vụ việc thí sinh bức xúc với kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2/6 (A2) tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, ông Bảo Khâm, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận thiếu sót và đã trao đổi với Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để có thông tin, phương án xử lý.

Tạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ Năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trườngNgoại ngữ không chuyên: “Món nợ” khó trảSinh viên phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ mới được tốt nghiệpSinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ mới được tốt nghiệp: Khó hay dễ?

Kỳ thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2/6 (dành cho người lớn) được tổ chức vào tháng 11/2017 tại Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ - ĐH Huế.

Nhiều thí sinh bức xúc cho rằng, nhiều trường hợp đủ điểm đậu nhưng nhà trường lại đánh rớt, do cách tính điểm “chết” từ một công văn mà cán bộ phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục (KT&ĐBCLGD) của trường cho rằng “chỉ nội bộ mới được xem”.

Thí sinh bức xúc

Anh T. Q. T. – người tham dự kỳ thi cho biết, tra cứu trên trang web, chỉ thấy thông báo kỳ thi áp dụng theo Quyết định 1481 ban hành ngày 10/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Quyết định này yêu cầu tổng điểm của 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) đạt từ 65 điểm (thang điểm 100) trở lên, không nhắc đến việc tính điểm “chết” trong các bài thi. Kết quả thi của anh T. là kỹ năng nghe 11 điểm, nói 18 điểm, đọc 20 điểm và viết 19 điểm. Với tổng điểm 68 điểm, nếu áp dụng Quyết định 1481 là đủ điều kiện đậu, nhưng nhà trường lại thông báo rớt.

Khi anh T. điện thoại thắc mắc, đại diện phòng KT&ĐBCLGD của nhà trường cho biết, quy định điểm “chết” được áp dụng theo công văn nội bộ mới được xem, trong đó kỹ năng nghe phải 15 điểm trở lên mới đậu. “Tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh nhưng cần gấp bằng A2 để phục vụ công việc. Thời điểm đó, tại TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở nào tổ chức thi; biết Trường ĐH Ngoại ngữ Huế có tổ chức thi A2 nên tôi đã tìm hiểu thông tin và đăng ký thi. Mất công, mất của ra đây thi rồi nhận được một thông tin kết quả rớt rất vô lý. Nếu áp dụng quy định điểm “chết”, lẽ ra phải thông báo trước đó”, anh T. nói.

Theo tìm hiểu, có 13 thí sinh gặp phải trường hợp tương tự. Một số trường hợp muốn được xem quy định điểm “chết” song cán bộ phòng KT&ĐBCLGD cho rằng đó là công văn mật, không thể cho thí sinh xem.

Đã báo cáo sự việc với Cục Quản lý chất lượng

Trong cuộc trao đổi chiều 13/12, ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế đưa ra một số văn bản liên quan, trong đó có “Tài liệu hướng dẫn áp dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho người lớn) trong việc xây dựng đề thi và chấm thi” (phê duyệt kèm theo Quyết định số 1482/QĐ-BGD&ĐT) quy định chi tiết cách chấm điểm, trong đó đối với hai kỹ năng nghe và đọc thì thí sinh phải đạt 15 điểm trở lên (mỗi kỹ năng); kỹ năng nói và viết phải đạt từ 18 điểm trở lên (mỗi kỹ năng).

Ông Tiến cho biết, việc quy định điểm “chết” ở kỳ thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2/6 (dành cho người lớn) là đúng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Quyết định 1481 không nói đến cách tính điểm “chết”, trong khi Quyết định 1482 do Bộ GD&ĐT ban hành (nói cụ thể cách tính điểm) không công bố rộng rãi như Quyết định 1481. “Quyết định của Bộ GD&ĐT ban hành thì nguyên tắc là do Bộ công bố, nhà trường không thể công bố nhưng có thể linh động đưa thông tin, hướng dẫn để thí sinh biết, tránh tình trạng hiểu nhầm. Đây là vấn đề do phòng KT&ĐBCL phụ trách”, ông Tiến nói.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường chiều 13/11, ông Bảo Khâm thừa nhận, công văn mà cán bộ phòng KT&ĐBCLGD nói là Quyết định 1482. Ông Khâm cũng khẳng định, không có dấu mật nên không thể nói đó là công văn mật. Nhà trường thừa nhận thiếu sót do không thông tin đầy đủ hướng dẫn, khiến thí sinh hiểu nhầm. “Còn với thông tin “công văn mật”, lãnh đạo nhà trường sẽ tìm hiểu và làm việc nghiêm túc với người phát ngôn thông tin này”, ông Khâm nói.

Về phương án giải quyết, ông Bảo Khâm cho biết, trong ngày 13/12, lãnh đạo nhà trường đã có trao đổi, báo cáo với Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Sau khi có phản hồi từ đơn vị này, nhà trường sẽ đưa ra phương án giải quyết và có thông tin cụ thể cho báo chí.

Ông Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng: “Trường tuân thủ theo đúng văn bản của Bộ GD&ĐT nhưng cần có hướng dẫn để tránh xảy ra tình trạng hiểu nhầm như hiện nay. Đó là thiếu sót của nhà trường. Riêng về phát ngôn công văn mật là chưa đúng, nhà trường phải tìm hiểu và có giải pháp xử lý người đưa ra phát ngôn này”.

Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top