ClockThứ Năm, 26/04/2018 10:47

Trường Sa hôm nay

TTH.VN - Tháng Tư ở Trường Sa hôm nay, biển hiền hòa và dịu êm. Nhưng tháng Tư 43 năm về trước, nơi đây dậy sóng. Đó là những ngày các chiến sĩ Hải quân phối hợp chiến đấu thần tốc giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc để non sông Việt Nam thu về một mối.

Đưa Tết ra Trường SaĐất thiêng từ Trường Sa hòa vào đàn Xã tắcBáo Thừa Thiên Huế đến Trường SaHát về Huế giữa biển trời Trường SaHương Thủy có cột mốc chủ quyền Trường SaCảm xúc Trường Sa

Quân và dân đảo Trường Sa Lớn ra cầu cảng đón đoàn công tác ra thăm đảo. Ảnh: Thái Bình

Trường Sa là một quần thể gồm khoảng 120 đảo, bãi cạn, bãi ngầm nằm ở phía Đông - Đông Nam bờ biển Trung bộ nước ta. Vào thời điểm năm 1975, trong 11 đảo có người ở, ngụy quân Sài Gòn đóng giữ 5 đảo gồm Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa.

Ngày 4/4/1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. Bức điện chỉ rõ: "Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng".

Nhận lệnh, Bộ Tư lệnh Hải quân đã lựa chọn lực lượng đặc biệt tinh nhuệ khẩn trương chuẩn bị, bám sát tình hình và huy động cao nhất số tàu vận tải phục vụ chở bộ đội, vận chuyển các phương tiện chiến đấu vào chiến trường. Đặc biệt, đã phối hợp với bộ đội đặc công Quân khu 5 mở những mũi tiến công thần tốc, bất ngờ tấn công giải phóng quần đảo Trường Sa.

Một góc đảo Trường Sa Lớn Hôm nay. Ảnh: Thái Bình

Khi những cánh quân trên bộ của Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu tiến công vào phòng tuyến của ngụy ở cửa ngõ phía Đông và phía Nam Sài Gòn, thì ngày 9/4/ 1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được lệnh tiến đánh đảo Song Tử Tây. Ngày 11/4, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng hướng về đảo Song Tử Tây.

Rạng sáng ngày 14/4, đội 1 đặc công hải quân chia làm 3 mũi, bí mật áp sát đảo, bắt đầu nổ súng. Sau gần 30 phút chiến đấu, trước sự tấn công bất ngờ của ta, địch phản ứng yếu ớt, buộc phải đầu hàng. Cờ ba que hạ xuống, cờ giải phóng nhanh chóng được kéo lên ở cột mốc chủ quyền, báo hiệu ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây.

Song Tử Tây được giải phóng khiến địch hoang mang lo sợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta giải phóng các đảo còn lại. Chớp thời cơ, lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4, ta sử dụng 2 tàu 673 và 641 chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca. Khi cách Sơn Ca 2 hải lý, lực lượng được chia làm 3 mũi, đổ bộ lên đảo, bắt đầu trinh sát và nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt rồi bỏ chạy, đầu hàng. Ba giờ sáng, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca.

Sau chiến thắng tại Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. 10h ngày 27/4, đặc công ta đổ bộ lên đảo Nam Yết. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân Giải phóng, địch buộc phải rút chạy. Lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng và làm chủ đảo Nam Yết. Phát huy khí thế tiến công thần tốc, quân ta nhanh chóng giải phóng đảo Sinh Tồn và đến sáng 29/4/1975 thì phân đội chiến đấu cuối cùng của Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 đã hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ và làm chủ đảo Trường Sa lớn. Đảo Trường Sa lớn và quần đảo Trường Sa được giải phóng. 

Tăng gia sản xuất rau xanh trên đảo. Ảnh: Thái Bình

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng, việc Đảng ta chủ trương giành lại quần đảo Trường Sa từ sớm là một quyết định đúng đắn, kịp thời và có ý nghĩa lớn trong việc ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chiến thắng giải phóng Trường Sa năm 1975 cũng đã khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Hải quân Việt Nam sau 20 năm thành lập.  

Sau 43 năm đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, đến với Trường Sa vào tháng Tư mùa biển lặng, chúng tôi được chứng kiến diện mạo của huyện đảo Trường Sa đổi mới từng ngày. Màu xanh của rau, của hoa và cây bàng vuông tràn đầy sức sống. Nhiều công trình được xây dựng khang trang như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, trạm thu, phát tín hiệu sóng điện thoại di động, hệ thống năng lượng sạch…

Các công trình văn hoá như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà khách Thủ đô, nhà văn hoá, quần thể Tượng đài Trần Hưng Đạo... ghi dấu sự đổi mới của quần đảo Trường Sa trong lòng Tổ quốc và cả tinh thần “cả nước vì Trường sa, Trường Sa vì cả nước”.

Nguyên Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện về chiến sĩ đặc công Mai Xuân Bảo

55 tuổi Đảng, 76 tuổi đời và dù không còn khỏe mạnh, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, ông Mai Xuân Bảo vẫn nhớ rất rõ những trận đánh cùng những đồng chí, đồng đội của mình.

Chuyện về chiến sĩ đặc công Mai Xuân Bảo
KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ (26/3/1975-26/3/2018)
Dấu son lịch sử

Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thừa Thiên Huế là một trong những chiến trường nóng bỏng và sôi động. Trải qua các chặng đường gay go, ác liệt, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã quyết chí, bền gan, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Dấu son lịch sử
Return to top