ClockThứ Ba, 08/08/2017 14:51

Trường tốp trên 'rủng rỉnh', trường tư 'đói' thí sinh

Theo thống kê của 322 trường ĐH, CĐ, đến 11h30 ngày 7-8, có hơn 219.000/363.000 thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Phần lớn các trường ĐH tốp trên cho biết sẽ không xét tuyển bổ sung.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

“Khi chúng tôi gọi thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường, nhiều thí sinh nói: “Chúng em đăng ký cho vui chứ không học”. Hiện nay các trường ĐH công lập lấy bằng điểm sàn, thì các trường tư thục chỉ thở oxy thôi!

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tư thục

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, 17h ngày 7-8 là thời hạn cuối cùng để thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đợt 1 vào các trường ĐH, CĐ.

Trường tốp trên đã tuyển đủ chỉ tiêu

Theo thống kê của 322 trường, số trường có tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học trên 80% là 65 trường, bao gồm các trường quân đội, công an, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM);

Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Khoa y - dược (ĐHQG Hà Nội), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở II tại TP.HCM, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân;

Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Y dược (ĐH Huế), Trường ĐH Y dược Hải Phòng, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM...

Trong số các trường có tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học cao có nhiều trường đã tuyển đủ, thậm chí vượt chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, có 2.059 thí sinh trúng tuyển (1.760 chỉ tiêu), tính đến thời điểm thống kê đã có 1.621 thí sinh xác nhận nhập học. Như vậy, số thí sinh nhập học vào trường đã đạt hơn 92% so với chỉ tiêu.

Còn tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), theo số liệu thống kê chỉ có hơn 66% thí sinh xác nhận nhập học. Nhưng đến cuối giờ chiều qua, theo ThS Văn Chí Nam - trưởng phòng công tác sinh viên nhà trường, có 3.134 thí sinh đã xác nhận thủ tục nhập học (nhà trường gọi trúng tuyển 3.329 thí sinh).

PGS.TS Vũ Đức Lung - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) - cũng cho biết: “Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 1.050, đã có 1.045 thí sinh xác nhận nhập học. Như vậy trường đã tuyển đủ chỉ tiêu, sẽ không tuyển bổ sung”.

Trường ngoài công lập “đói” thí sinh

Ngoại trừ Trường ĐH FPT có tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học khá cao với 1.350 thí sinh (tỉ lệ 93% số thí sinh trúng tuyển), còn lại phần lớn các trường ngoài công lập có số thí sinh nhập học rất thấp. Nhiều trường dự đoán trước tình hình “thí sinh ảo” nên đã gọi thí sinh nhập học vượt chỉ tiêu khá nhiều nhưng vẫn “hụt” thí sinh.

Trường ĐH Văn Lang gọi trúng tuyển 4.031 thí sinh, nhưng đến cuối buổi chiều qua chỉ có khoảng 1.900 thí sinh xác nhận nhập học. ThS Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho biết nhà trường sẽ xét tuyển bổ sung một số ngành như công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật nhiệt, văn học...

Lý giải tình trạng tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp ở các trường ngoài công lập, ông Tuấn cho rằng: “Đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, các trường yên tâm; còn từ nguyện vọng 2 trở đi, thực chất là đăng ký để đối phó.

Ở các trường lớn, trường tốp trên, hầu hết thí sinh đều đăng ký nguyện vọng 1; còn ở các trường ngoài công lập, số thí sinh ảo vẫn rất lớn. Bộ GD-ĐT cho rằng thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học, nhưng thực tế cho thấy không phải vậy. Nhiều thí sinh dù trúng tuyển vào trường tư, nhưng sau khi suy nghĩ lại đã không nhập học.

Cũng có thể thí sinh muốn học nhưng năng lực tài chính không cho phép, do chênh lệch học phí giữa trường công và trường tư. Những thí sinh từ chối nhập học vẫn còn cơ hội để đăng ký xét tuyển vào các trường công tốp giữa có xét tuyển bổ sung”.

Còn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM gọi thí sinh trúng tuyển lên 6.200, cao hơn rất nhiều so với con số 4.410 chỉ tiêu. Nhưng theo TS Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng nhà trường, số thí sinh xác nhận nhập học tính đến chiều qua chưa đến 2.000, chỉ đạt khoảng 40%.

“Chúng tôi đã dự đoán trước tình huống này. Những năm trước, số thí sinh tuyển được ở nguyện vọng 1 chỉ khoảng 30-40%. Với cách thức xét tuyển năm nay, không biết còn nguồn tuyển hay không.

Hiện nay, trường dành 90% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và 10% chỉ tiêu xét tuyển học bạ. Với tình hình này, có thể nhà trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ lên 20% chỉ tiêu”, ông Quốc Anh cho biết.

Tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng tình hình còn khó khăn hơn, số thí sinh xác nhận nhập học chỉ vài trăm, trong khi trường có đến 1.650 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. ThS Trịnh Hữu Chung - phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung tất cả các ngành với hơn 1.000 chỉ tiêu nữa.

Bên cạnh đó, với phương thức xét tuyển học bạ trường vẫn tuyển chưa đủ, nên sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung 600 chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), sau xét tuyển đợt 1 của kỳ thi THPT quốc gia và các đợt xét tuyển học bạ lớp 12, số thí sinh đã nhập học là 1.254. Tổng chỉ tiêu năm nay của trường là 2.280, nên trường xét tiếp nguyện vọng bổ sung 1.026 thí sinh.

Bộ quên số thí sinh ảo còn ở các trường CĐ công lập!

Theo đại diện các trường ĐH ngoài công lập, năm nay Bộ 
GD-ĐT dùng hệ thống xét tuyển chung trên cả nước, với cách thức xét tuyển này sẽ giảm số thí sinh ảo, nên bộ yêu cầu các trường không được gọi vượt nhiều so với chỉ tiêu.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM cho biết: “Những năm trước, để trừ hao số thí sinh ảo, trường luôn gọi thí sinh trúng tuyển vượt ít nhất 200% (ví dụ, với 4.000 chỉ tiêu, nhà trường phải gọi trúng tuyển lên đến gần 10.000 thí sinh), sau đó xét tuyển bổ sung nữa là vừa.

Nhưng năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công chỉ được gọi vượt 110-120%, các trường tư chỉ được gọi vượt 130-140%. Trong khi đó, bộ lại quên đi số thí sinh ảo vẫn còn ở các trường CĐ công lập”.

Theo Tuổi trẻ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1
Return to top