ClockThứ Ba, 16/07/2013 13:38

Truy tìm kẻ lừa đảo

TTH - Không để "chồn nhung đen đa cấp" phát tán gây nguy hại mùa màng và nhanh chóng truy tìm đối tượng lừa đảo là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, “chồn nhung đen đa cấp” thực chất là loài giống chuột không đuôi, lông màu đen mướt, trọng lượng tuổi trưởng thành từ 600-800 gam. Đây là sinh vật ngoại lai chưa được kiểm chứng và khảo nghiệm của cơ quan chức năng và không nằm trong danh mục được phép nuôi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đưa vật ngoại lai vào địa bàn tỉnh chăn nuôi thời gian qua là hành vi trái phép, vi phạm pháp luật.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các ban ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khi chăn nuôi vật lạ, ngoại lai như “chồn nhung đen đa cấp”... Trước khi sản xuất cần phải báo cơ quan chức năng để kiểm dịch, kiểm chứng các loài vật có nằm trong danh mục được phép nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trường hợp vi phạm sản xuất, kinh doanh các loài vật chưa được phép của bộ sẽ bị xử phạt theo Nghị định 47 của Chính phủ về vi phạm Pháp lệnh Giống vật nuôi.

Hầu hết các hộ tham gia nuôi “chồn nhung đen đa cấp” đều bị lừa mua con giống từ vài chục triệu đồng trở lên/hộ, cộng với chi phí xây dựng chuồng, thức ăn có thể lên đến gần trăm triệu đồng. Các hộ nuôi đều có hoàn cảnh khó khăn nên không biết xoay xở thế nào để trả nợ. Nguyện vọng chung của bà con là cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ, vạch trần bộ mặt kẻ lừa đảo để đòi lấy lại tiền và truy tố trước pháp luật. Tìm hiểu tại hộ bà Nguyễn Thị Phương ở khu vực 5, phường An Tây (TP Huế) cho thấy, hộ này có mối quan hệ “đặc biệt” với đối tượng lừa đảo Đoàn Việt Châu. Hộ này nuôi đến 350 con giống với giá khuyến mãi 350 triệu đồng (mỗi con một triệu đồng), còn giá gốc từ hai triệu đồng/con. Đây cũng là hộ làm trung gian, phân phối nguồn giống cho các hộ nuôi khác trên địa bàn tỉnh. Quá trình nuôi, đối tượng Đoàn Việt Châu không lộ diện, chỉ liên lạc với các hộ nuôi qua điện thoại, đến khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi lừa đảo thì bỏ trốn “bặt tăm”, nhưng vẫn để lại hai người chăm sóc chồn và thu nợ giống ở các hộ khác (?!). Hay tin ông Châu có cơ sở chăn nuôi tại phường An Tây, nhiều hộ bị lừa ở Nghệ An đến tìm đối tường này để đòi lại tiền...

 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y đề nghị, cơ quan công an, phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành liên quan sớm vào cuộc điều tra, truy tìm đối tượng lừa đảo để truy tố, xử lý vi phạm theo luật pháp và lấy lại tiền cho dân. Hiện nay, cơ quan công an và các ban ngành liên quan khẩn trương triển khai điều tra vụ việc. Vấn đề quan tâm nhất là cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, chính quyền địa phương để quản lý, giám sát vật nuôi ở các hộ, không để phát tán gây nguy hại mùa màng và ảnh hưởng môi trường sinh thái như nuôi ốc bươu vàng trước đây, hay cây mai dương... Chi cục Thú y cũng yêu cầu các hộ nuôi cam kết không phát tán, lưu hành vật ngoại lai trên, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật định. Ngành kiểm lâm, môi trường cần thẩm định, nếu là động vật rừng, hoang dã thì phải nhanh chóng triển khai thả về rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng có kết luận cuối cùng về “chồn nhung đen đa cấp”, đồng thời chỉ đạo các biện pháp để ngành thú y tỉnh triển khai xử lý kịp thời.

Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top