ClockThứ Ba, 26/03/2019 06:45

Tự hào Mẹ Việt Nam Anh hùng

TTH - Chiến tranh đã đi qua 44 năm, quê hương, đất nước đã và đang đổi mới từng ngày. Có được những ngày như hôm nay, chúng ta luôn mãi tự hào, thành kính biết ơn những “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (BMVNAH).

Thêm 73 mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Mẹ Hoàng Thị Ký tự hào kể về những người con của mình

Động viên chồng con lên đường

Những ngày tháng 3 lịch sử này, chúng tôi lại có dịp được về thăm các mẹ. Trong số 2.349 mẹ trong tỉnh vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “BMVNAH”, hiện chỉ rất ít mẹ còn sống.

Đang nằm nghỉ, nhưng thấy chúng tôi vào thăm, mẹ Hoàng Thị Ẩm (104 tuổi) trú tại thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền (Phong Điền) vẫn gắng ngồi dậy. Mẹ giờ không còn nghe được rõ, chuyện ngày trước có đoạn nhớ đoạn không, nhưng chắp nối câu chuyện, chúng tôi phần nào hiểu được mẹ muốn nói gì.

Mẹ Ẩm sinh ra ở xã nghèo Quảng Lợi (Quảng Điền). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gia đình mẹ là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ và thương binh. Chồng mẹ là ông Trần Đô, Phó ban Mặt trận xã Phong Hiền rất tích cực tham gia cách mạng ở địa phương. Trong một trận đánh chống địch càn quét năm 1967, ông Đô bị địch bắt, tra tấn dã man và đã hy sinh. Ông đã được Chủ tịch nước truy tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Nối tiếp truyền thống gia đình, con trai mẹ là Trần Úc tiếp tục thay cha cầm súng đánh giặc. Nhưng đến năm 1973, ông Trần Úc cũng hy sinh. Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba. Ghi nhận công lao của mẹ và gia đình, năm 2015, Nhà nước đã phong tặng mẹ Hoàng Thị Ẩm danh hiệu cao quý “BMVNAH”. 

Trong số 49 BMVNAH ở xã Vinh Thái (Phú Vang) hiện chỉ duy nhất mẹ Nguyễn Thị Theo, trú tại thôn Thanh Lam Bồ còn sống. 95 tuổi, lưng đã còng, nhưng mẹ vẫn tự đi lại, tự lo cơm nước. Mẹ Theo có chồng và một con trai liệt sĩ. Mẹ kể, từ khi còn nhỏ, mẹ đã sớm giác ngộ cách mạng, nuôi trong mình ý chí đấu tranh chống giặc sâu sắc. Mẹ tự nguyện tham gia các phong trào quần chúng tại địa phương như đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

Chồng mẹ, ông Nguyễn Viện, Bí thư Chi bộ xã Vinh Thái đã chỉ huy quân và dân kiên cường bám trụ chiến đấu, đẩy lùi nhiều trận đánh của quân địch. Thế nhưng, năm 1952, ông đã hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ. Cha hy sinh, con mẹ là Nguyễn Minh Sơn tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, nhưng cũng đã hy sinh anh dũng vào năm 1967.

Mới đây (ngày 20/3), UBND tỉnh đã tổ chức lễ truy tặng danh hiệu “BMVNAH” và trao tặng Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ bày tỏ mong muốn các mẹ và thân nhân các mẹ, gia đình liệt sĩ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động sản xuất, sống gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng để thế hệ con cháu noi theo; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, xứng đáng với danh hiệu vinh dự mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.

 

Trò chuyện với mẹ Hoàng Thị Ký (96 tuổi), trú tại thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền (Phong Điền) và những người thân chúng tôi biết, mẹ có 4 người con, nhưng đã hy sinh 2 người. Con trai mẹ là Lê Hữu Cháu, một du kích mưu trí, gan dạ. Năm 1966, trong một lần làm nhiệm vụ nắm tình hình địch càn quét, khi trở về nấp dưới hầm bí mật thì địch phát hiện. Anh đã chiến đấu với kẻ địch và hy sinh một cách anh dũng. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, mẹ lại động viên người con trai út Lê Hữu Liểu lên đường làm nhiệm vụ và anh cũng đã hy sinh khi tuổi đời chưa tròn đôi mươi.

Phát huy tuyền thống

Tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng các mẹ luôn toát lên khí chất của BMVNAH. “Mẹ vẫn luôn căn dặn con cháu phải lấy truyền thống gia đình để nỗ lực phấn đấu hơn trong công việc”, bà Văn Thị Chanh, con dâu mẹ Ẩm nói.

Trong căn nhà tình nghĩa kiên cố, mẹ Nguyễn Thị Theo phấn khởi khi thấy các cháu đoàn viên, thanh niên của xã đến thăm, trò chuyện, dọn dẹp nhà cửa cho mẹ. Càng vui hơn khi mẹ được đón đoàn lãnh đạo tỉnh, huyện và xã về thăm, nhất là vào thời điểm kỷ niệm ngày quê hương Thừa Thiên Huế được giải phóng. “Mẹ luôn tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc ta và điều đó đã trở thành hiện thực. Giờ mẹ mong các thế hệ lãnh đạo sau này phải đoàn kết, tập trung sức lực, trí tuệ để lo cho dân, cho nước”, mẹ Nguyễn Thị Theo trò chuyện.

Mẹ Hoàng Thị Ký giờ tai không còn nghe rõ như trước, nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm. Mẹ vẫn ngồi xem ti vi, nghe thời sự. “Cháu tui rất nhiều, có đến 29 đứa. Thấy con cháu vui vẻ là tui càng sống thọ hơn”, mẹ Hoàng Thị Ký cười lạc quan.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LÀM PHIM LỊCH SỬ:
Mạo hiểm nhưng là cơ hội tạo nên một tác phẩm tự hào

Đang bươn chải với 2 dự án phim kinh dị với kinh phí lớn là: “Mật mã 45: ma đói” và “Đồi hành xác”, mới đây đạo diễn Lương Đình Dũng lại công bố sẽ làm phim lịch sử về Nguyễn Trãi với tựa đề “Anh hùng”. Trước nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của dự án này, đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định sẽ tập trung nguồn lực để sản xuất dự án phim lịch sử “bom tấn” này.

Mạo hiểm nhưng là cơ hội tạo nên một tác phẩm tự hào
Return to top