ClockThứ Năm, 27/04/2017 11:39

Tự hào và trách nhiệm

TTH - Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày kết thúc chiến tranh, non sông thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải; cả nước chung tay xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong ký ức của tôi, những năm đầu sau giải phóng miền Nam là những tháng ngày gian khó. Đó là cái khó của một đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, sản xuất bị đình đốn. Chưa kịp khắc phục hậu quả chiến tranh, nước ta lại phải dồn sức người sức của cho hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề, từ cái ăn đến cái mặc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng, đồng sức của toàn dân, đất nước từng bước vượt qua khó khăn và ngày càng phát triển. Vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và ASEAN. Nước ta cũng hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng với việc tham gia hàng chục hiệp định thương mại song phương và đa phương. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Phát huy truyền thống  anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, 42 năm qua, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Chính trị xã hội ổn định, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt ở nhóm khá, năm 2016 đạt 7,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.020USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,1% theo chuẩn mới. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn toàn tỉnh có sự đổi thay nhanh chóng. Các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá được tầng hóa. Đường sá lầy lội trước đây được mở rộng, bê tông đến từng con ngõ; điện, nước sạch về tận nhà dân. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 24/104 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 23,07%, và không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định vị thế của mình. Huế được công nhận là "Thành phố Văn hóa của ASEAN", Di tích Huế được bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị. Festival Huế trở thành thương hiệu quốc gia và mang tầm thế giới. Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quốc tế, Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế... với việc áp dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám, điều trị, từng bước đưa Huế trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng tự hào về những thành quả đạt được bao nhiêu càng phải nỗ lực phấn đấu để giữ vững, phát huy những thành quả của bao thế hệ cha anh đi trước. Trước hết, cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp gắn với thu hút đầu tư; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

BÁO THỪA THIÊN HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ TT&TT đề xuất 6 giải pháp để Việt Nam tăng tốc trong cuộc cách mạng số

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, để Việt Nam phát triển bền vững trong cuộc cách mạng số cần tập trung phát triển nguồn lực con người, đưa ra chính sách thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển hạ tầng truyền dẫn, viễn thông, ứng dụng công nghệ mới, có chính sách hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT, đảm bảo an toàn thông tin để đối phó trước các nguy cơ tấn công mạng…

Bộ TT TT đề xuất 6 giải pháp để Việt Nam tăng tốc trong cuộc cách mạng số
Return to top