ClockThứ Năm, 10/05/2012 05:13

Từ hồ Tịnh Tâm đến Trung tâm văn hóa Tịnh Tâm

TTH - Hồ Tịnh Tâm nằm ở đông bắc Hoàng Thành, bên con đường Đinh Tiên Hoàng từ Thượng Tứ vào Mang Cá. Nguyên trước đây là con sông chảy qua, vua Gia Long chặn lại tạo thành hồ và đặt tên là hồ Ký Tế. Đến năm Minh Mạng thứ 19, vua cho đổi tên là hồ Tịnh Tâm. Hồ được tu bổ xây dựng thành một danh thắng, xung quanh có tường thấp bao bọc, giữa hồ đắp lên 3 hòn đảo là Bồng Lai, Phương Trượng và Dinh Châu. Hồ được ngăn đôi bằng con đường Đông Tây ở giữa. Trên các đảo là lầu, đài ngang dọc, khắp mặt hồ trồng sen.

Từ hồ Tịnh đến Trung tâm văn hóa Tịnh Tâm

 

Thời gian và chiến tranh, những công trình kiến trúc ở Tịnh Tâm hầu như không còn lại gì. Nhà cửa chỉ còn lại nền móng, hồ đã cạn đi rất nhiều vì cả trăm năm không được nạo vét, hồ trồng sen chỉ lác đác, chủ yếu là rau muống, nhưng thương hiệu sen Hồ Tịnh vẫn vang mãi trong nhiều người nên người ta thường mang hạt sen bán quanh hồ. Nhiều người vẫn thích mua sen ở đây như một hoài niệm đẹp.

 

Đẩy lùi hoang phế, đưa hồ Tịnh trở lại một danh thắng của Huế là tâm tư của nhiều người. Nhưng nó chỉ dễ dàng ở những địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh, chỉ việc rà phá bom mìn để nạo vét lòng hồ cũng là điều không hề đơn giản. Ý thức điều đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trong điều kiện của mình đang từng bước khôi phục lại danh thắng này. Nếu ở kỳ Festival Huế 2010, Tịnh Tâm là một sân khấu dưới nước thì Festival Huế 2012, Tịnh Tâm trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa, thư giãn của người dân. Hồ được dọn sạch rau muống, bèo hoang và trồng lại sen, cỏ dại lau lách bên hồ được tổng vệ sinh, sự hoang phế trên các đảo được chỉnh trang bằng đường dạo, cây cảnh. Nhiều sinh hoạt văn hóa được mở ra, như cơm chay, biểu diễn võ thuật, cờ người, ca Huế, trình diễn phong lan, chim cảnh; giải khát đặc biệt là thưởng thức trà sen Hồ Tịnh chính hiệu.

 

Đầu tư chưa nhiều nhưng vẻ đẹp của Tịnh Tâm từng bước được phát triển. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng như những người có trách nhiệm ở Tịnh Tâm đang có những ý đồ lớn hơn. Nếu vườn Cơ Hạ trở thành sân chim thì sân chim đó sẽ được mở rộng đến hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải.

 

Những việc cần bắt tay ngay

 

Để hồ Tịnh Tâm trở thành Trung tâm văn hóa Tịnh Tâm là một việc làm không đơn giản, cần những bước đi cẩn trọng. Những nỗ lực vừa qua là điều đáng mừng và kết quả mới chỉ là động lực đầu tiên cho nỗ lực phục hồi. Hồ Tịnh Tâm không thể để tiếp tục bị xâm hại, chủ mới xác định đây là một danh thắng đắc địa của Kinh thành Huế.

 

Trước hết, nổi tiếng hồ Tịnh là sen, thành ra hồ Tịnh phải nhất thiết trồng sen. Từ sen những đặc sản hồ Tịnh, như trà sen, hạt sen, chè sen... phải được khôi phục. Nhưng để trồng sen được, hồ phải rà phá bom mìn, phải giải quyết vấn đề ô nhiễm bằng cách xử lý chất thải sinh hoạt trước khi đổ vào hồ, tiếp đến, ai cũng biết xung quanh hồ Tịnh là khu dân cư vì vậy các đường quanh hồ phải được hoàn chỉnh thiết kế đường phố, bảo đảm có sự phân cách rõ ràng giữa khuôn viên di tích và khu dân cư. Từ đó, mở ra cơ hội cho người dân phát triển các hoạt động dịch vụ, phục vụ cho du khách tham quan, thư giãn ở đây.

 

Xa hơn mở rộng không gian hồ Tịnh Tâm, bao gồm hồ Học Hải, lầu Tàng Thơ, Tịnh Tâm Kim Cổ trở thành một cụm du lịch liên hoàn, thống nhất.

 

Vui gì hơn mỗi sáng thể dục thả bộ quanh Đại Nội, dừng lại Tịnh Tâm uống một tách trà sen. Nghiền ngẫm hai chữ Tịnh Tâm tỏa ngát mùi Thiền. Huế không hớp hồn người sao được...?

 

Hải Lê

Hồ Tịnh Tâm vẫn đang tiếp tục được khôi phục, cải tạo. Ảnh: QP
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top