ClockThứ Ba, 09/02/2016 06:39

Từ khỉ “ăn cướp” đến khỉ ăn... cà-rem

TTH - Có mỗi con khỉ mà khiến khách mất cũng bộn thời gian, nhưng không ai phiền lòng ngược lại còn thấy vui vẻ. Du khách nhớ chuyện...khỉ, nhớ luôn cả điểm đến du lịch

Khỉ... ăn cướp

Trong lịch trình của chuyến du lịch đến Malaysia, chúng tôi thấy có Batu Caves. Đây là cả quần thể hang động trong núi đá vôi nằm cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 12km về phía bắc, là linh địa của người theo đạo Hindu. Tại đây có tượng thần Murugan cao 42,7m phủ sơn vàng rực rỡ; có hệ thống đền thờ của đạo Hindu trong các hang động. Hang nổi tiếng nhất được gọi là hang Đền Thờ dài khoảng 100m, lòng hang thoáng rộng có thể chứa hàng nghìn người. Theo thống kê, mỗi năm Batu Caves đón hàng triệu lượt khách đến hành hương, tham quan.

 Khỉ ăn... cà_rem ở Xiêm Riệp. Ảnh: DT

Trên đường đến Batu Caves, Lộc - hướng dẫn viên du lịch của Vietravel cảnh báo với cả đoàn cẩn thận mũ nón, xách ví, điện thoại di động... đề phòng bị cướp. Ai nghe cũng sảng hồn. Du lịch chi mà lại đưa tới vùng đất cướp giật? Lộc cười cười, rồi nói thêm:

Bọn cướp giật này nó trắng trợn và không sợ ai cả. Kể cả cảnh sát. Cướp được của ai là nó lủi vô rừng hoặc tót lên núi đá liền. Có gọi cảnh sát tới cũng chỉ còn nước đứng...ngó.

Hóa ra, bọn cướp mà Lộc cảnh báo là bầy khỉ ở Batu Caves. Nhiều du khách sơ ý đã từng dở khóc dở cười với chúng rồi, cho nên, nhiệm vụ của Lộc và các hướng dẫn viên du lịch khác là phải cảnh báo.

Từ rất xa, đã có thể nhận ra Batu Caves nhờ tượng thần Murugan với sắc vàng rực rỡ nổi lên giữa đất trời. Bức tượng khổng lồ tọa lạc ngay lối dẫn lên động Đền Thờ. Lối dẫn mà những người kém sức khỏe vừa mới trông sẽ... rất nản bởi kết cấu bằng 272 bậc cấp cao vút. Đúng như cảnh báo, lũ khỉ xuất hiện khắp nơi, trên bậc cấp, trên lan can được thiết kế ở 2 bên lối đi, trên nóc các điện thờ, hoặc vắt vẻo trên các cành cây, các mỏm đá cheo leo. Chúng lượn lờ đây đó, ngó nghiêng người này người kia và chẳng hề tỏ ra sợ sệt bất kỳ ai. Những chú khỉ khiến du khách vừa cảnh giác đề phòng “cướp giật”, vừa thích thú trêu chọc, chụp hình nên... quên mất cả sự mệt nhọc khi phải trèo lên, trụt xuống hơn nửa ngàn bậc cấp.

Rời Batu Caves, trong phần “luận bình điểm đến”, lũ khỉ vô tình chiếm cả một chương dài...

Khỉ ăn... cà-rem

Cũng là khỉ, nhưng không... lộn xộn như bọn khỉ ở Batu Caves, đó là chú khỉ tôi gặp ở Xiêm Riệp của xứ Chùa Tháp. Hôm ấy, thăm quần thể Angkor xong, đoàn chúng tôi trở ra xe để về lại trung tâm thành phố thì bất chợt bắt gặp một “cư dân” bản địa lân la làm quen. Đó là một chú khỉ vàng nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, bô trai. Một người trong đoàn đưa cho nó miếng trái cây, lập tức sự e dè ban đầu nơi khỉ ta tan biến đâu mất. Nó sà đến chỗ chúng tôi, rất tự nhiên ngồi nép sát một người bạn trong đoàn. Vậy là mọi người bu lại “trò chuyện”. Khỉ ta cứ mặc kệ, điềm nhiên gặm quả. Một người thử đưa cho nó cây kem đang ăn dở, nó thò tay nắm, rồi cũng cắn, cũng liếm ngon lành. Ai cũng bật cười, còn tôi thì thấy quá lạ. Gần năm chục tuổi trên đầu, gặp khỉ, thấy khỉ cũng đã kha khá lần. Nhưng khỉ ăn cà-rem thì quả thật đây là lần đầu tiên tôi mục sở thị. Vừa nghĩ bụng như vậy thì bỗng thấy khỉ ta để cây cà-rem một bên, ngồi...trầm tư không ăn nữa. Ai dỗ dành kiểu gì nó cũng không thèm. Mãi cho tới lúc chàng hướng dẫn viên du lịch tên Sok nói với nó một tràng tiếng Miên, khỉ ta mới tươi tỉnh trở lại. Sok giải thích, hồi nãy Sok có đùa với khỉ rằng “cái mặt mày trông xấu lắm”, nên nó... lẫy. Tràng tiếng Miên vừa rồi là Sok xin lỗi, làm lành nên khỉ mới hỷ xả...cho qua.

Một chú khỉ ngồi ngó nghiêng trên đường dẫn lên động Đền Thờ (Malaysia) chờ khách sơ hở là “cướp”. Ảnh: DT

Ngẫm ra, có mỗi con khỉ mà khiến khách mất cũng bộn thời gian, nhưng không ai phiền lòng ngược lại còn thấy vui vẻ. Nó còn khiến du khách, ít ra là tôi, cứ nhớ mãi tới tận bây giờ. Nhớ chuyện... khỉ, nhớ luôn cả điểm đến Xiêm Riệp.

 Batu Caves, Xiêm Riệp có khỉ, Việt Nam ta cũng có đảo khỉ Hòn Lao ở Nha Trang với cả ngàn cá thể khỉ được bán vé cho du khách tham quan; Cát Bà (Quảng Ninh) có đảo Cát Dứa cũng được gọi là đảo khỉ với quần cư chừng 20 chú; hoặc đảo khỉ ở Cần Giờ (Tp Hồ Chí Minh), khỉ ở “Hoa quả sơn” Phong Nha-Kẻ Bàng, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên Huế)... cũng tạo những nét riêng thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà khoa học. Đặc biệt, tại Quảng Ninh có đảo Dều được xem là “đảo khỉ chuyên dụng” duy nhất của Việt Nam. Đảo này “cấm tiệt” mọi sự viếng thăm “vô phận sự” suốt nửa hơn thế kỷ qua do ở đây người ta thả nuôi hàng ngàn con khỉ vàng quý hiếm theo chế độ nuôi dưỡng tự nhiên đặc biệt để phục vụ sản xuất vắc xin phòng chống bại liệt. Cũng nhờ được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên, không bị quấy nhiễu nên mỗi năm quân số nhà khỉ đảo Dều đều tăng thêm chừng 300 cá thể, góp phần tạo nguồn vắc xin dồi dào cho chương trình phòng chống bại liệt của quốc gia.

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy họ nhà khỉ hữu ích và rất được việc đấy chứ. Vậy nhưng, chưa thấy ai khen khỉ, chỉ thấy người đời hễ mở miệng là lại mắng: Đồ... con khỉ! Thế có tội nghiệp, bất công và bạc bẽo không, hở “giời”?!!

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top