ClockThứ Sáu, 19/02/2016 05:36

Tư liệu mới về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

TTH - Thực hiện chủ trương của Đảng, đầu tháng 8/1945, từ Huế, Nguyễn Vịnh và Trần Quý Hai, đại diện cho Xứ ủy Trung Kỳ lên đường ra dự Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nhà trưng bày về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế. Ảnh: L.Tuệ 

Theo Văn kiện Đảng toàn tập, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15/8/1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền, thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương giải giáp quân Nhật… Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Từ đây, Nguyễn Vịnh mang tên mới là Nguyễn Chí Thanh.

Cũng tại Tân Trào, sau hội nghị của Đảng, ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu quốc dân khai mạc. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái yêu nước, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo trong nước và có cả đại biểu kiều bào ta ở Lào và Thái Lan về dự.

Đại hội Đại biểu quốc dân nhất trí tán thành chủ trương phát động khởi nghĩa của Đảng, của Tổng bộ Việt Minh“Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”…

Đại hội cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Ủy ban này có tính chất như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trang đầu tiên của Văn bản số 6/NQTW ban hành ngày 23/11/1961

Về các ủy viên của Ủy ban này, từ trước đến nay, đa số tư liệu chỉ mới công bố tên tuổi của 5 vị ở cơ quan Thường trực gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Trần Huy Liệu và các ủy viên: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền. Trên thực tế, Ủy ban này có 15 người, ngoài 5 vị trên còn có 10 người nữa là các ông Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang.

Như vậy, Nguyễn Chí Thanh là 1 trong 15 thành viên đầu tiên tham gia thành lập và “khai quốc” Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam diễn ra từ ngày 5 đến 10/9/1960, với sự tham dự của 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 50.000 đảng viên của cả hai miền Nam, Bắc. Đại hội đã bầu ra một Ban Chấp hành gồm 43 ủy viên chính thức, 28 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, bầu Ban Bí thư gồm 7 vị. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất; đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương.

Tại Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ngày 23/01/1961 đã ban hành Nghị quyết số 06/NQTW về vấn đề phân công. Văn bản phân công nhiệm vụ do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn ký. Văn bản này có hai mặt, chúng tôi xin giới thiệu mặt trước có tên đồng chí Nguyễn Chí Thanh liên quan đến bài viết. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng tôi tiếp cận được văn bản quan trọng này.

Nghị quyết viết: “Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba đã quyết định bổ sung thêm người vào Ban Bí thư, tổ chức Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quân ủy Trung ương và phân công một số đồng chí ủy viên Trung ương giữ những chức vụ mới như sau:

Ban Bí thư: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất đã bầu Ban Bí thư gồm 7 đồng chí, nay cử thêm đồng chí Nguyễn Văn Trân.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

Gồm 11 đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Song Hào, Hà Thị Quế, Lê Quảng Ba, Trương Quảng Giao, Vũ Dương, Trần Đức Thinh, Nguyễn Công Hòa, Ngô Ngọc Du.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban.

Đồng chí Hà Thị Quế làm Phó Trưởng ban.

Quân ủy Trung ương:

 Gồm 14 đồng chí: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Chu Văn Tấn, Song Hào, Hoàng Văn Thái, Lê Quang Đạo, Trần Văn Trà, Trần Quý Hai, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Độ.

Bí Thư: Đồng chí Võ Nguyễn Giáp,

Phó Bí thư: Đồng chí Văn Tiến Dũng,

Thường trực: Các đồng chí Võ Nguyễn Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Hoàng Văn Thái, Trần Quý Hai.

Ban Thống nhất Trung ương.

Trưởng ban: Đồng chí Lê Duẩn

Phó Trưởng ban: Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh

Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu I.

 Giám đốc: Đồng chí Trường Chinh thay đồng chí Lê Đức Thọ.

Ban Công tác Nông thôn Trung ương.

Trưởng ban: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Ban Tổ chức Trung ương:

Phó Trưởng ban: Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh.

Ban Tuyên giáo Trung ương:

Phó Trưởng ban:Đồng chí Trần Quang Huy”...

Theo nghị quyết này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam được Đảng phân công làm Trưởng ban Công tác Nông thôn Trung ương.

Ban Công tác Nông thôn bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có cả quân sự, văn hóa, giáo dục, y tế, văn nghệ, thể thao, nông nghiệp, thủy sản, giao thông, thủy lợi, xây dựng... bao trùm lên tất cả nông thôn miền Bắc. Đến cuối năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Bác Hồ cử vào miền Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy quân Giải phóng miền Nam thì Ban Công tác Nông thôn cũng kết thúc nhiệm vụ chuyển sang mô hình mới.

Mấy chục năm qua, đã có rất nhiều công trình viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là “làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương?”, viết như vậy không đúng với Nghị quyết 06/NQTW “về vấn đề phân công” của Đảng. Thực ra, Ban Nông nghiệp Trung ương có quy mô, phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn hoạt động hẹp hơn nhiều so với Ban Công tác Nông thôn Trung ương và đồng chí làm Trưởng ban Nông nghiệp thường là ủy viên trung ương. Trong thực tế, chưa bao giờ Đảng phân công một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Chính vì thế, các tài liệu đã viết về Nguyễn Chí Thanh giai đoạn này rất cần phải đính chính lại. Trả lại những gì đúng với sự thật trên cương vị, chức trách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị tướng của Nhân dân.

Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Con đường vào Nam

Các tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tái hiện tương đối đầy đủ thân thế và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng, về quê hương Thừa Thiên Huế, về quá trình xây dựng quân đội, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong đó, có những hiện vật gốc như chiếc cặp da, đôi giày da, mũ da là những vật dụng được Đại tướng sử dụng để cải trang thành nhà tư sản trên con đường vào Nam nhận nhiệm vụ.

Con đường vào Nam
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (1/1/1914 – 1/1/2024)
Một vị tướng đức tài tròn vẹn, trí dũng song toàn

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967), người con ưu tú của quên hương Thừa Thiên Huế, vị Đại tướng lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, Quân đội và Nhân dân ta. Tài năng quân sự của ông từ thời chống Pháp đã được báo chí Pháp tôn vinh là “cứu tinh của Bình-Trị-Thiên khói lửa”, bởi “Ngay từ những năm khói lửa đầu tiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện tài nghệ của mình, trong đó cơ bản nhất là tổ chức dân, nắm lại dân, dựa vào dân để tổ chức lực lượng đánh địch” như lời nhận xét của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Một vị tướng đức tài tròn vẹn, trí dũng song toàn
Return to top