ClockThứ Hai, 28/08/2017 05:31

Tư pháp hướng đến người dân vùng sâu, vùng xa

TTH - Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngành Tư pháp tỉnh nói chung và Sở Tư pháp nói riêng đặc biệt quan tâm đến người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Chung tay 

Tại hội nghị triển khai công tác đầu năm 2017 của ngành Tư pháp, ông Đào Chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động mà còn bảo đảm cho sự phát triển của đồng bào vùng khó khăn. Đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng và mang tính nhân văn sâu sắc mà ngành cần hướng đến”.

Phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Trường cao đẳng Sư phạm trao dê cho người dân xã Hồng Vân

 Với phương châm trên, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người dân các xã thuộc 2 huyện Nam Đông và A Lưới. Tại 2 huyện này, nhận thức pháp luật của người dân đa số còn hạn chế, vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực còn khá nhiều.

Chưa có con số thống kê chính xác, đầy đủ, nhưng tình trạng tảo hôn tại 2 huyện này là thực trạng đáng lưu tâm; chấp hành pháp luật về biên giới của một số người dân tại các khu vực biên giới Việt Nam – Lào chưa nghiêm; vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình, hình sự, tranh chấp đất đai còn diễn ra ở một số địa bàn trọng điểm…

Anh Nguyễn Văn Hóa, cán bộ tham gia trợ giúp, tư vấn pháp luật thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh kể: “Có người dân khi tham gia tố tụng tại tòa án đã yêu cầu Tòa phải phạt người vợ bằng bò, heo vì đã ngoại tình. Tình huống trớ trêu trên buộc thẩm phán phải giải thích pháp luật mất khá nhiều thời gian mới giải quyết được vấn đề”.

Anh Nguyễn Công Tiên, cán bộ Sở Tư pháp, người được phân công trợ giúp, tư vấn pháp luật vùng cao nhớ lại: "Khi tôi tham gia giúp đỡ người dân ở một xã biên giới ở A Lưới thì xảy ra câu chuyện dở khóc dở cười. Trước khi đến với nhau, anh Cheo và vợ đều đã có con riêng. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh có thêm 2 người con chung, bé trai 3 tuổi và bé gái mới sinh. Mặc dù vậy, anh chị cho rằng mình không vi phạm chính sách dân số -kế hoạch hóa gia đình. Bằng kiến thức pháp luật và hết sức kiên nhẫn, cán bộ Tư pháp đã giải thích để gia đình anh chị hiểu rằng, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ) thì chỉ được sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh...

Qua thực tế, những người làm trong ngành tư pháp càng thấm thía hơn về sự khó khăn, rất cần được hỗ trợ pháp luật của người dân vùng sâu, vùng xa. Những tháng đầu năm 2017, Sở Tư pháp đã tổ chức 25 đợt truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật; hỗ trợ hàng nghìn quyển tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, ngành phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trường cao đẳng Sư phạm hỗ trợ về vật chất và các giải pháp để giúp đỡ xã Hồng Vân (A Lưới) thoát nghèo như: hỗ trợ dê giống (mỗi hộ nghèo một cặp dê giống trị giá 6,5 triệu đồng), tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi dê để trang bị kiến thức chăn nuôi cho bà con…

Tiếp tục đồng hành

Ông Đào Chuẩn cho biết: “Thời gian tới, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chúng tôi tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân; ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho các địa bàn này”.

Để người dân hiểu rõ các quyền của mình trong tố tụng tư pháp, nhất là quyền được trợ giúp về pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt truyền thông về công tác này để người dân nắm bắt, bảo đảm các quyền của họ. Trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, nghiên cứu có biện pháp thực hiện phù hợp với người dân. Ông Phan Bá Mỹ, Trưởng phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tâm sự: "Có những vấn đề với chúng ta rất dễ hiểu nhưng với người dân, những người không có kiến thức pháp luật thì đôi lúc từ ngữ sẽ rất “lạ”. Ví dụ như, khi nói về công tác trợ giúp pháp lý miễn phí thì với người dân phải diễn giải, đó là “giúp đỡ mà không thu tiền”, hoặc về “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” thì đó phải là “Giấy xác nhận chưa có vợ hoặc chưa có chồng”... Đó là những trăn trở rất thật và rất cụ thể của công tác này, buộc những người có trách nhiệm không chỉ chuyên tâm nghiệp vụ mà còn phải sâu sát với dân mới có thể hiểu và thực hiện".

Về việc hỗ trợ xã Hồng Vân thoát nghèo, ông Đào Chuẩn thông tin thêm: Nhiệm vụ này chúng tôi phối hợp với các ngành thực hiện đến năm 2020. Dự kiến các hoạt động sẽ thực hiện, gồm: Tổ chức một số buổi tập huấn, hướng dẫn về phương pháp sản xuất, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gắn với việc hỗ trợ cây, con giống; nghiên cứu đưa đề án xây dựng vùng nguyên liệu sả, cung cấp nguyên liệu cho việc tinh cất tinh dầu sả phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, đưa nguyên liệu sả trở thành cây “xóa đói giảm nghèo”, góp phần giải quyết lao động tại xã Hồng Vân.

Bài, ảnh: Hải Huế - Nguyễn Đào

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa

Đội chiếu phim lưu động Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa và doanh trại quân đội tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim phục vụ nhu cầu giải trí của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bộ đội “cõng phim” về vùng sâu, vùng xa
Return to top