ClockThứ Sáu, 21/04/2017 05:16

Tủ sách tư nhân

TTH - Trong khi nhiều thư viện khó thu hút bạn đọc thì nhiều người yêu sách vùng nông thôn tại Thừa Thiên Huế tâm huyết phát triển văn hóa đọc bằng cách tự mở và duy trì mô hình tủ sách tư nhân hỗ trợ cộng đồng.

Tủ sách tư nhân của ông Trương Hào thu hút nhiều bạn đọc (Ảnh: Tiểu Bảo)

Lan tỏa

5 giờ chiều, căn nhà ông Trương Hào tại thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) trở nên nhộn nhịp. Sau giờ ra đồng, công việc của người đàn ông 71 tuổi này là "phục vụ" những học sinh vừa kết thúc giờ học tại trường đến mượn sách. Trung bình, mỗi buổi chiều có khoảng 3 – 5 em đến đọc và mượn sách. Nhiều người cao tuổi cũng đến nghiên cứu các sách về lịch sử.

Ông Hào cho biết, ý tưởng mở tủ sách tư nhân bắt đầu năm 2014, từ gợi ý của một người bạn. Đam mê và sẵn trong nhà có nhiều loại sách, ông Hào vận động xin thêm sách từ một đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh. Ông kể, có trong tay 400 cuốn sách cũng là lúc tủ sách tư nhân của bản thân ra đời. Ban đầu, nhiều người chưa biết đến nên chẳng mấy ai tìm đến đọc, ông Hào phải đi tới những gia đình trong khu vực có học sinh và người già để giới thiệu, kêu gọi họ đến đọc sách. Nhờ ở gần trường tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương nên dần dần, các lớp học sinh truyền tai nhau và lượng bạn đọc tăng dần. “Tôi cho mượn chứ không lấy tiền. Mỗi lần họ đến mượn hoặc đọc sách, tôi lại ngồi trò chuyện, nói về giá trị của những trang sách, có nhiều em ban đầu ít đọc sách nhưng sau này liên tục đến mượn sách về”, ông Hào nói.

Tủ sách tư nhân của ông Hào chỉ là một trong những mô hình điển hình của thư viện thu nhỏ hỗ trợ cộng đồng đang hoạt động hiệu quả. Chị Trương Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Xây dựng phong trào, Thư viện Tổng hợp tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh còn nhiều tủ sách tư nhân hỗ trợ cộng đồng tập trung tại hai huyện Quảng Điền và Phong Điền, như tủ sách tư nhân của các ông: Văn Đình Tiến ở thôn Sơn Tùng, Trần Đạo Thang ở thôn Đồng Lâm (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền), Trần Đình Thông (thôn Phù Nam, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), Phan Ngọc Châu (thôn Cổ Bi, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền). Các mô hình này có điểm chung giống tủ sách ông Trương Hào và tuy nhỏ nhưng thu hút được bạn đọc tại địa phương. Nhờ chủ nhân của các tủ sách là người đam mê, tâm huyết với sách nên việc kích thích và lan truyền văn hóa đọc khá hiệu quả. “Ngoài cách phân định các loại sách phù hợp với sở thích và độ tuổi độc giả, họ còn biết cách thuyết phục người đọc đến với sách”, chị Nhàn nói.

Nguyễn Gia Phụ, học sinh Trường THCS Đặng Hữu Phổ (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) chia sẻ, trước đây em chỉ đọc sách giáo khoa. Ở gần nhà ông Hào và được ông thường xuyên giới thiệu, khuyên đọc sách nên dần dần em mê sách. Cứ vài ngày, em lại đến mượn sách về đọc. “Đến đây, ngoài đọc sách còn được ông kể chuyện, khuyên dạy các bài học giáo dục đạo đức thông qua đọc sách. Cách nói chuyện của ông rất nhẹ nhàng và tình cảm nên ai cũng thích”, Phụ kể.

Để những "cánh tay" thêm dài

Những năm gần đây, văn hóa đọc có dấu hiệu đi xuống, lượng bạn đọc giảm. Theo lý giải của nhiều cán bộ thư viện, một phần do nguồn sách còn hạn chế và cán bộ thư viện kiêm nhiệm, vì thế các tủ sách tư nhân ra đời như một cánh tay nối dài ở tại các địa phương để kích thích văn hóa đọc.

Tuy hoạt động hiệu quả nhưng hiện nay, hầu hết các tủ sách tư nhân còn giới hạn về số đầu sách lẫn chủng loại. Việc quảng bá các mô hình chủ yếu nhờ truyền miệng, thiếu các bảng hiệu trực quan. Do phục vụ miễn phí nên việc đầu tư cơ sở vật chất, nhất là kệ trưng bày chưa đầy đủ và thiếu điều kiện để bảo quản tốt sách. Ngoài ra, đa phần chủ nhân của các tủ sách tư nhân đều là nông dân hoặc người lao động bình thường, có trường hợp thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nhiều mặt trong khi việc làm họ đang theo đuổi là nghề không lương, vì vậy cần một chính sách hỗ trợ.

Ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho biết, sắp tới, Thư viện Tổng hợp tỉnh sẽ nghiên cứu giải pháp về phát triển lượng sách. Phòng Xây dựng phong trào cùng các phòng ban liên quan của Thư viện Tổng hợp tỉnh đang tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch “đưa văn hóa về cơ sở”, mở rộng việc luân chuyển sách, báo về các tủ sách tư nhân này. Đây là cách làm mới lượng sách ở các tủ sách tư nhân, giúp sự lựa chọn của người đọc phong phú hơn.

Giải pháp nói trên có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu sách, tuy nhiên để mô hình được duy trì bền vững và phát triển tốt thì không đơn giản là chỉ đầu tư sách mà phải có sự chung tay giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, trường học và nhất là chính quyền địa phương trong công tác phối hợp, tuyên truyền, xây dựng văn hóa đọc.

Bài, ảnh: Minh Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận thiết bị 3 thư viện thân thiện và trao 165 tủ sách lớp học tại TP. Huế

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày 8/4, tại Trường THCS Duy Tân, Tổ chức Zhi Shan Foundation phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức lễ tiếp nhận đưa vào sử dụng 3 thư viện thân thiện và bàn giao 165 tủ sách lớp học cho 10 trường học tại TP. Huế.

Tiếp nhận thiết bị 3 thư viện thân thiện và trao 165 tủ sách lớp học tại TP Huế
Khánh thành 2 thư viện thân thiện và trao 71 tủ sách lớp học

Ngày 5/4, tại Trường THCS Phú Hải, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang tổ chức khánh thành 2 thư viện thân thiện và trao 71 tủ sách lớp học do tổ chức Zhi Shan Foundation và Quỹ Chí thiện vì trẻ em tài trợ. Dự lễ khánh thành, có lãnh đạo Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh; đại diện tổ chức Zhi Shan Foundation và Quỹ Chí thiện vì trẻ em.

Khánh thành 2 thư viện thân thiện và trao 71 tủ sách lớp học
Lắng nghe ý kiến bạn đọc

Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế chiều 12/12 tổ chức hội nghị bạn đọc năm 2023 với sự tham gia của đông đảo bạn đọc ở nhiều độ tuổi cũng như các câu lạc bộ đọc sách trên địa bàn tỉnh.

Lắng nghe ý kiến bạn đọc

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top