ClockThứ Năm, 09/07/2015 10:32

Từ trường hợp GP.Bank

TTH.VN - Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định yêu cầu GP.Bank bán lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu với giá 0 đồng, có hiệu lực ngay thời điểm ban hành. Đây là ngân hàng thứ 3 bị mua lại với giá cổ phiếu 0 đồng, nhằm tái cơ cấu hoạt động và vực dậy một số đơn vị bên bờ vực phá sản.

Với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GP.Bank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu. GP.Bank là ngân hàng thứ 3 buộc phải bán toàn bộ cổ phiếu cho cơ quan điều hành, do tình trạng hoạt động yếu kém, bết bát kéo dài nhiều năm mà không có phương án phục hồi. Điều cần lưu ý là đây không phải quyết định đột xuất của Ngân hàng Nhà nước, mà trước đó GP.Bank đã có 3 năm để chỉnh sửa, tự tái cơ cấu và bổ sung nguồn vốn điều lệ - vốn đã bị Hội đồng Quản trị cũ của ngân hàng này làm thất thoát đến mức khiến cho giá trị cổ phần bị âm và đứng bên bờ vực phá sản. Thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn “ưu ái” dành thời gian cho GP.Bank tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn phương án tự cứu, tìm nguồn bổ sung vốn.


Nguồn: ITN

Nhưng dù đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường tới 3 lần, ngân hàng này vẫn không tìm đâu ra nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ theo luật định. Thậm chí dù ấm ức, nhưng các cổ đông lớn của GP.Bank buộc phải nhìn nhận rằng: chỉ có một cách duy nhất để vớt vát cho cái tên GP.Bank còn tồn tại là bán cho Ngân hàng Nhà nước. Dù chỉ là bán với giá 0 đồng, nhưng các nhà quản trị cũ của ngân hàng này cũng… thở phào nhẹ nhõm, vì họ thoát được một gánh nặng không tìm được lối ra. Mặt khác, nếu không chấp nhận phương án bán giá 0 đồng, thì có thể không ít người trong số ban lãnh đạo ngân hàng còn phải chịu trách nhiệm tài chính và trách nhiệm pháp lý về những khoản thất thoát nghiêm trọng do hoạt động yếu kém, sai nguyên tắc, vi phạm các quy tắc và điều luật của hoạt động ngân hàng.

Sau khi ngân hàng này được bán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại GP.Bank được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Như vậy, sẽ không diễn ra cảnh người dân phải xếp hàng chờ đợi rút tiền và những nhà sáng lập GP.Bank cũng không phải chứng kiến cảnh “sập giàn, đổ giáo” đau lòng khi biển hiệu bị buộc dỡ bỏ. Và nếu như sau khi tái cơ cấu, GP.Bank hoạt động tốt trở lại, thì ít nhất những nhà sáng lập một thời sai lầm cũng có chút để an ủi rằng họ đã không đổ tất cả công sức lẫn danh dự xuống sông, xuống biển.

Trước đó, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) cũng được mua lại với giá 0 đồng. Với GP.Bank, dù sao cũng chưa đến nỗi bi đát khi chưa ai vướng vòng lao lý, và đã từng được kỳ vọng bán toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài dù thương vụ này không thành công. Cả ba trường hợp mua lại, Ngân hàng Nhà nước đều chỉ định một ngân hàng quốc doanh tham gia quản trị, điều hành. Trong đó, VietinBank đến nay đã cử nhân sự sang quản trị hai ngân hàng là OceanBank và GP.Bank, còn Vietcombank  thì lo “dọn dẹp” VNCB. Hiện nay Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việåt Nam - BIDV cũng đang tiến hành việc bàn giao, sáp nhập Ngân hàng Cổ phần phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), để tránh cho ngân hàng này thoát khỏi cảnh bán với giá 0 đồng.

Qua những “thương vụ” mua ngân hàng với giá 0 đồng có một không hai trong lịch sử ngành ngân hàng, một bài học xương máu rút ta từ tiến trình tái cơ cấu: muốn cơ thể thật sự khỏe mạnh, cần phải mạnh dạn cắt bỏ “ung nhọt” để bảo đảm “sức khỏe” cho cả hệ thống. Nếu không quyết liệt, tiến trình tái cơ cấu khối ngân hàng yếu kém sẽ chỉ bùng nhùng như đánh bùn sang ao.

Theo Đại Biểu Nhân Dân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Return to top