ClockThứ Hai, 25/03/2019 08:59

Từ tư duy “chạy chọt”

TTH - Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, từ năm 2017 đến nay, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thụ lý 4 vụ án lừa đảo xin việc làm. Tổng số tiền mà bốn bị can trong bốn vụ án này đã lừa đảo lên đến 4 tỷ đồng với hàng chục nạn nhân.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi: Vì sao đã có nhiều vụ án lừa đảo xin việc được phanh phui, cảnh báo nhưng vẫn còn không ít người mắc bẫy?.

Từ các vụ án cho thấy, để lừa được các nạn nhân, các bị can thường có nhiều thủ đoạn, mánh khóe, với vỏ bọc là những người có vị trí nhất định trong xã hội, tự dựng lên những mối quan hệ với người này, người kia, có khả năng xin được việc.

Nhưng sâu xa, sở dĩ tội phạm lừa xin việc có đất sống vì xã hội có “cầu”. Nói cách khác, chính tư duy ‘‘chạy chọt”, “đi cửa sau” của một bộ phận người dân chính là điều kiện nảy sinh hành vi lừa đảo xin việc.

Không chỉ chạy việc, tư duy ‘‘chạy chọt” đang tồn tại trong các mối quan hệ xã hội. Trong trường học, là việc “chạy điểm”. Trong môi trường công sở là chuyện “chạy chức”.

Người viết có một vài người quen là giáo viên. Trong những cuộc trò chuyện, họ cho rằng, trong cuộc đời đi dạy, không ít lần họ gặp tình huống phụ huynh đặt vấn đề xin điểm cho con. Họ muốn con có điểm cao để đủ chuẩn xét vào trường chọn, dù không đúng như khả năng, thực chất. Rồi tình trạng “chạy điểm” để con được học sinh giỏi nhằm có ưu thế cộng điểm trong cuộc cạnh tranh chọn trường, chọn lớp. Rồi xin điểm để được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp...

Ở công sở, là hiện tượng “chạy chọt” để được bố trí, cân nhắc vào vị trí cao hơn, nhiều lợi lộc hơn nhưng không đúng với năng lực bản thân mà vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ.

Mong ước có việc làm phù hợp trình độ, năng lực là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Khát vọng vươn lên trong công việc để được làm việc, cống hiến cũng là động cơ tốt, lành mạnh.

Tuy nhiên, khi chúng ta không tự đi trên đôi chân của mình, khi ai đó vẫn muốn đi “đường tắt”, “đường vòng” với tư duy “xin xỏ, chạy chọt” để có việc làm, để có chức vụ không đúng với khả năng, trình độ, sở trường của bản thân thì tất yếu nảy sinh tiêu cực, với cơ chế bất bình thường (xin-cho) mà cái giá, dù cách này hay cách khác, đều ít nhiều phải trả.

Không chỉ là mất tiền bạc (với những nạn nhân của tội phạm lừa xin việc), không chỉ là mất chức, quyền (khi những kẻ chạy chức, chạy quyền bị phát giác), với những ai đã từng “chạy chọt”, họ đã đánh mất một thứ có lẽ lớn hơn cả tiền bạc và chức quyền. Đó là danh dự và lòng tự trọng.

Minh Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top