ClockThứ Năm, 10/03/2016 14:28

Tuân thủ các quy trình, nông sản sẽ vào được siêu thị

TTH - Trong khi nhiều nông dân hướng đến nông sản sạch thì tỷ lệ mặt hàng này đứng chân trong siêu thị là con số khiêm tốn. Dường như có một “độ vênh” giữa cung và cầu khiến đầu ra của nông sản gặp nhiều khó khăn. Dưới góc độ đơn vị kinh doanh, ông Lê Thanh Tú, Giám đốc Siêu thị Coop Mart Huế cho biết:

Loay hoay tìm đầu ra

Ông Lê Thanh Tú, Giám đốc Siêu thị Coop Mart Huế

Quá trình kinh doanh, chúng tôi nhận thấy phần lớn các mặt hàng nông sản ở Thừa Thiên Huế đều đảm bảo an toàn, rất ít các sản phẩm vi phạm về chất lượng. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm đều sản xuất bằng thủ công, quy mô nhỏ lẻ nên có khi chất lượng chưa đồng đều; cách bao gói sản phẩm còn thô sơ, đơn giản, chưa bắt mắt. Nhiều nông đặc sản thiếu sự đầu tư phát triển về nhãn hiệu, thương hiệu cũng như thiếu sự cải tiến phương thức nuôi trồng, chế biến dẫn đến chất lượng giảm sút, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn thị trường.

Đơn vị đang hợp tác với 19 nhà cung cấp (NCC) nông sản trên địa bàn tỉnh, bao gồm các mặt hàng trứng gia cầm, thịt heo, bò, các mặt hàng rau, mắm, kẹo mè xững, tương măng, trà cung đình, rau má, trà vả, nước mắm, thanh trà… Doanh số trung bình đạt gần 6.5 tỷ đồng/năm.. Tất cả các mặt hàng khi đưa vào kinh doanh tại siêu thị, ngoài đáp ứng các theo quy định của nhà nước, đơn vị còn chủ động lấy mẫu để kiểm tra chất lượng hàng hóa, như test hàn the, forml, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; gửi mẫu đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm tỉnh để kiểm tra.

Các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh vào siêu thị chiếm tỷ lệ khá thấp, như tươi sống khoảng 30%, còn các mặt hàng công nghệ chỉ 5-10%. Nguyên nhân là do phần lớn nguồn sản phẩm được sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó kiểm soát chất lượng. Công nghệ sản xuất còn lạc hậu nên chất lượng nông sản chưa đáp ứng yêu cầu.

Các mặt hàng muốn vào siêu thị cần đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu như thế nào?

Để hàng hóa có thể đưa vào siêu thị, đơn vị chúng tôi đòi hỏi NCC phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo qui định Nhà nước. Đối với hàng hóa bao gói sẵn phải có giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Hồ sơ công bố phải đầy đủ các nội dung: bảng công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (có xác nhận cơ quan y tế); nhãn hiệu sản phẩm hoặc dự thảo nhãn; kế hoạch kiểm soát chất lượng, kế hoạch giám sát định kỳ; kết quả kiểm nghiệm sản phẩm phải đầy đủ các chỉ tiêu đã công bố trong hồ sơ.

Nhiều loại nông - đặc sản sạch do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất đã có mặt tại Siêu thị Co.opMart Huế

Đối với hàng hóa không có bao gói sẵn (rau, củ, quả) phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (1 lần/năm) và chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng. Tất cả các NCC đều phải đủ điều kiện an toàn về cơ sở sản xuất. Nếu các NCC điạ phương đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, đơn vị chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, có cơ hội phát triển và đưa vào siêu thị cũng như 81 siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc.

Một số nhà cung cấp cho rằng, thủ tục thanh toán, vào siêu thị quá rắc rối, mất thời gian, lượng tiêu thụ ít... Đây có phải là khúc mắc giữa cung và cầu? Theo ông, có cách nào để tháo gỡ?

Đúng vậy! Hầu hết sản phẩm của các nhà cung cấp được siêu thị thanh toán bằng phương thức chuyển khoản, nhưng nhiều người thì không có số tài khoản. Chu kỳ thanh toán có thể hai tuần chuyển một lần. Trong khi đó, tâm lý của họ muốn “tiền trao, cháo múc”. Đương nhiên, sản phẩm vào siêu thị phải qua nhiều thủ tục, như kiểm tra, kiểm định chất lượng, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… nên khá “nhiêu khê”, song đó là quy định, yêu cầu cần thiết. Điều này phần nào khiến lượng nông sản của người dân địa phương vào siêu thị rất ít… Muốn nông sản vào siêu thị, người dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn; các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp quản lý chất lượng tại chỗ, sản phẩm sau thu hoạch phải qua sơ chế, đóng gói, bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu. Sắp đến, siêu thị sẽ xem xét chi trả bằng tiền mặt nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi cung cấp hàng vào siêu thị.

Theo ông, người dân cần thay đổi tư duy như thế nào để có thể trở thành đối tác của siêu thị?

Trước hết cần chuyển đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang tập trung, gắn với quy trình công nghệ cao nhằm tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa lớn, an toàn. Các nhóm hộ sản xuất, kinh doanh phải liên kết, thành lập tổ đội chuyên thu mua sản phẩm, sau đó ký hợp đồng để đưa vào siêu thị. Sản phẩm cần được xây dựng thương hiệu, mẫu mã, đóng gói, bao bì đầy đủ…

Làm sao để mối liên kết giữa nhà cung cấp và siêu thị bền vững?

Cả nhà sản xuất, cung cấp và siêu thị phải có chung quan điểm là hướng đến lợi ích, an toàn của người tiêu dùng. Điều đó đòi hỏi nhà sản xuất phải tạo ra nguồn sản phẩm sạch, phía siêu thị sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhà sản xuất, cung cấp cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước về việc hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các thủ tục pháp lý để đưa hàng vào siêu thị.

Sắp đến, đơn vị có những cơ chế hỗ trợ gì để sản phẩm địa phương được vào siêu thị?

Hệ thống Siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc sẵn sàng liên kết với bất kỳ các tổ chức, cá nhân, nông dân để tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Các mặt hàng nem, chả, thủy sản vào siêu thị sẽ được hỗ trợ 100% chi phí kiểm nghiệm đầu vào. Đối với các cơ sở sản xuất các mặt hàng khác, nếu gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ 50% chi phí, tuy nhiên nếu không đạt các tiêu chí quy định thì phải chi trả toàn bộ chi phí cho siêu thị. Nếu các mặt hàng đảm bảo chất lượng, quy định của Nhà nước sẽ được đơn vị cho nhập ngay vào siêu thị mà không phải chi trả bất kỳ loại chi phí nào. Ngoài ra, siêu thị còn cử cán bộ thường xuyên đến các cơ sở sản xuất để tư vấn, giới thiệu công đoạn đóng gói, bao bì, nhãn mác, hướng dẫn các thủ tục pháp lý và giới thiệu các nhà cung cấp…

Xin cảm ơn ông!

HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức mua tăng, giá cả không biến động mạnh

Hiện, các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại, phục vụ người tiêu dùng cùng dự báo giá cả không có biến động lớn trong những ngày tiếp theo

Sức mua tăng, giá cả không biến động mạnh
Nông dân với nông sản hữu cơ, OCOP

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, OCOP đã xuất hiện nhiều hộ nông dân vừa làm giàu vừa giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, việc làm để vươn lên thoát nghèo.

Nông dân với nông sản hữu cơ, OCOP

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top