ClockThứ Sáu, 29/03/2019 06:30

Tuổi 90 vẫn dẻo tay “múa” kéo…

TTH - Ở cái tuổi 90, cụ Cháu vẫn vững tay, tinh mắt vẫn để “múa” từng đường kéo làm đẹp cho “góc con người”…

Nhiều người trẻ tin tay nghề của cụ Cháu

Nói tiệm không đúng, nói quán chẳng phải, bởi nơi cụ Cháu đang lách cách những tông đơ, dao, kéo chỉ là một góc nhỏ với tấm bạt che nắng che mưa cột níu vào gốc bàng cùng khoảng không vừa đủ đặt chiếc ghế cắt tóc, 2 chiếc ghế con, 1 để cụ ngồi, 1 dành cho khách đợi tới phiên trên vỉa hè đường Chùa Ông, sát bên Niệm phật đường Thuận Hóa.

Nhà trên đường Chi Lăng, gần 70 năm “rờ đầu thiên hạ”, “địa bàn hoạt động” của cụ Cháu cũng chỉ loanh quanh khu vực chùa Diệu Đế, đường Chi Lăng chứ không hề xa hơn. Hỏi lý do, cụ bảo, quen khách một phần mà quen người, quen đất, quen chỗ ngồi cũng một phần. Nhiều lúc vắng khách, ngoài người bạn là chiếc radio hiệu Sony thì xóm giềng gần đó người đi ngang chào một câu, người đi về hỏi với một câu cũng giúp tui đỡ buồn.

Cụ Cháu không phải là người đầu tiên đem ngón nghề làm đẹp cho thiên hạ về đất Huế, càng không phải là người thợ có tay nghề đẹp nhất đất Thần kinh thời trước 1975 cho đến chừ, nhưng có thể, một phần thời đó còn ít thợ cắt tóc, một phần người ta hợp với những đường kéo thanh thoát, gọn, sắc, có hồn và khoái kiểu trò chuyện điềm đạm pha chút dí dỏm, thông tuệ của cụ mà không ít hoàng thân quốc thích ở khu vực Chi Lăng, Gia Hội và cư dân quanh đó… đều là khách quen của người thợ tuổi 90 này.

Khách của cụ Cháu đa phần là khách quen. Hơn nửa thế kỷ làm nghề, gặp biết bao người, chắc chắn chẳng thể nào nhớ hết tên, nhưng cụ chỉ cần nhớ mặt là được. Khách tới, cứ thế ngồi lên ghế rồi… để mặc cụ muốn mần chi thì mần.

Tóc thì năm bảy kiểu, người thì năm bảy sở thích, chưa kể khách thích kiểu này, nhưng nếu cắt sẽ không hợp. Thế nên, phải tính toán cắt thế nào để vừa hợp ý khách, nhưng cũng vừa hợp ý người cắt cũng không hề đơn giản. “Khách muốn kiểu nào mình cắt kiểu đó thì khỏe. Nhưng như rứa, nếu lỡ không hợp với khuôn mặt của khách thì bản thân tui cũng thấy khó chịu. Gặp trường hợp như rứa thì mình phải dung hòa răng cho khi cắt xong, khách thấy hài lòng mà bản thân mình cũng thấy thoải mái”, cụ Cháu chia sẻ.

Có lẽ, từ suy nghĩ của cụ Cháu nên nhiều khách gắn bó với cụ cho đến lúc xuôi tay. Và cũng không ít khách hoặc là tuổi đã cao, hoặc đi đứng bất tiện đều nhờ người chở cụ Cháu đến cắt tận nhà. Những lúc như vậy, cụ vui vẻ gom đồ nghề đến tận nơi mà không hề lấy thêm đồng tiền công nào.

Ở cái tuổi 90 của cụ, cứ tưởng nhiều người, nhất là thanh niên sẽ ngại khi “giao phó” mái tóc của mình cho cụ Cháu bởi sợ cụ không “bắt kịp thời đại”. Nhưng ngược lại, bên cạnh thường xuyên “cập nhật” cộng thêm kinh nghiệm mấy mươi năm cầm kéo, cụ Cháu vẫn khiến khách hàng yên tâm khi muốn cắt kiểu cổ điển hay hợp thời.

Trong cuộc đời cầm kéo, gia tài giá trị nhất của cụ có lẽ là dạy ra 12 học trò, mà cụ nói vui là “thập nhị kéo”. Những người này đều xa quê lập nghiệp, nhưng cứ mỗi khi về thăm nhà, người đầu tiên họ ghé thăm là ân sư của mình. Hỏi cụ răng dạy học trò ít rứa, cụ trầm ngâm một lúc rồi bảo, ít mà chất, mà tinh. Học ra đời kiếm miếng cơm mà cắt xong khách lắc đầu nhăn mặt thì tội cho trò và mang tiếng thầy.

Nghề cắt tóc nói khó không khó, nhưng dễ cũng không dễ. Ngoài chút năng khiếu, nghề này còn đòi hỏi sự khéo tay, mắt tinh, có óc quan sát, và biết nắm bắt, nhớ được sở thích của khách. Mà tâm lý khách hàng, một khi cảm thấy hợp với người nào thì lần sau đều chỉ muốn chính người thợ đó cắt cho mình. Điều này vừa là niềm vui của người thợ, nhưng lắm khi lại dẫn đến… mất khách.

“Có người ghé quán tui đã mấy chục năm, có lần tui đang có học trò theo học. Mà học trò tui cắt giỏi rồi nên tui mới yên tâm để nó cắt cho vị khách quen này. Rứa mà người khách đó nhất quyết không chịu, một hai đòi phải chính tay tui cắt. Giải thích một hồi, khách tự ái bỏ về, từ đó không ghé quán tui nữa”, cụ Cháu kể giọng buồn buồn.

Nói là cắt tóc, nhưng trong cắt tóc còn bao gồm cả cạo mặt, lấy ráy tai. Với tuổi của cụ Cháu, thú thật khi ngồi lên ghế, người viết cũng hơi run run. Nhưng không, tay cụ vẫn vững, mắt cụ vẫn tinh nên từng đường dao cạo vẫn được cụ đưa một cách nhẹ nhàng mà dứt khoát, cách lấy ráy tai vẫn êm, nhẹ, đều đều…

Chiều nay, chợt nhớ đến cụ Cháu, xách xe chạy tới tính hỏi cụ cắt cho người rứa rồi ai cắt cho cụ. Nhưng khi tới nơi, cái quán lúp xúp che miếng bạt xanh không còn. Lại có một vài người tới nhòm nhòm rồi đi, thấy mình đứng lơ ngơ, một người gần đó nói với ra cụ đau nằm viện rồi…

Thôi thì mong cụ mau lành bệnh, mong cụ vẫn tay vững, mắt tinh để có thể tiếp tục cầm tông đơ, dao, kéo như là một niềm vui cho đến cuối đời…

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNICEF và SAP hợp tác hỗ trợ thế hệ lao động trẻ tuổi toàn cầu

Vừa qua, công ty phần mềm lớn nhất châu Âu SAP và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) đã thiết lập một mối quan hệ toàn cầu mới nhằm cung cấp giáo dục chất lượng, đào tạo kỹ năng sống, cũng như kỹ năng làm việc cho giới trẻ tại những cộng đồng còn nhiều khó khăn, nhờ đó hỗ trợ thanh thiếu niên sẵn sàng tiếp cận với công việc tử tế và có quyền công dân đầy đủ.

UNICEF và SAP hợp tác hỗ trợ thế hệ lao động trẻ tuổi toàn cầu
Bà giáo dạy thiện nguyện ở tuổi 90

Vượt qua hoàn cảnh, gần 25 năm làm cô giáo không lương cho hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, bà đã tìm thấy niềm vui giữa dòng đời bất tận. Bà tên là Trần Thị Bê, 90 tuổi, ở tại 68/7 đường Điện Biên Phủ, tổ 4, khu vực 2, phường Trường An (TP. Huế).

Bà giáo dạy thiện nguyện ở tuổi 90
Giày thể thao, tuổi nào cũng có

Tiện lợi, có thể kết hợp với nhiều trang phục khác nhau nên gần đây giày thể thao được xem là phụ kiện không thể thiếu của nhiều người, đủ mọi lứa tuổi.

Giày thể thao, tuổi nào cũng có
Return to top