ClockThứ Tư, 05/07/2017 19:12

Tuổi trẻ viết về vị tướng trong lòng dân

TTH.VN - Nhà báo Bùi Chí Trung cùng nhóm tác giả đã dày công sưu tầm, tìm tư liệu để viết và biên soạn bộ sách gồm ba cuốn về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Sau bao ngày miệt mài, sáng tạo, bộ sách ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Đại tướng.

Người trẻ tôn vinh cha ông

Nhà báo Bùi Chí Trung cho biết: “Từ khoảng gần hai chục năm trước, tôi đã được đọc sách và đã có một ý thức tìm kiếm thông tin về vị tướng mà không chỉ lớp người cùng thời mà lớp trẻ chúng tôi cũng rất ngưỡng mộ. Qua năm tháng thì nguồn tư liệu ấy ngày một nhiều lên. Nhiều người biết đến một Nguyễn Chí Thanh sắt đá, cương quyết, chứ chưa hiểu hết một Nguyễn Chí Thanh sâu lắng, nhân hậu. Gương sáng của ông là một giá trị mà thế hệ sau này cần gìn giữ, phát huy”. 

Để tiến hành bộ sách này với nhóm tác giả còn có một cơ duyên khác. Từ ba năm trước, Bùi Chí Trung đã cùng với nhóm anh em đồng nghiệp làm bộ phim tài liệu 4 tập mang tên “Đại tướng nông dân”. Phim được làm hết sức công phu, được phát trên VTV1 và nhiều đài truyền hình khác. “Từ quá trình làm phim mà cá nhân tôi có mối quan hệ đặc biệt với gia đình Đại tướng, nên trong tôi đã nhen nhóm tâm nguyện phải làm một công trình, hoặc làm sách về Đại tướng một cách nhanh chóng”, Chí Trung chia sẻ.

Chung tâm sự ấy, Đại tá Kiều Bách Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Quân đội Nhân dân chia sẻ: “Bộ sách là sự tri ân của thế hệ sau với các thế hệ đi trước, đặc biệt là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đồng thời, thể hiện tình cảm của Nhân dân nhân kỷ niệm 50 ngày mất của Đại tướng”.

Chân dung vị tướng giản dị

Bùi Chí Trung đã quy tụ được một đội ngũ những người hiểu biết, giàu tâm huyết và kính yêu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thông qua những tư liệu cả trong và ngoài nước, những nhân chứng mà các nhóm tác giả thể khai thác tư liệu trực tiếp. Song như thành viên Lương Bích Ngọc chia sẻ, nhóm phải tìm về quê hương Đại tướng ở Huế; nơi phát động phong trào thi đua sôi nổi “Gió Đại Phong” - đó là một hợp tác xã thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hay tìm về Tòng Bạt (Ba Vì, Hà Nội) - nơi thể hiện sự gần gũi, gắn bó với người nông dân qua hình ảnh vị tướng vật tay với nông dân. Vật tay chỉ là cách tạo ra sự hòa đồng, để rồi trong không khí ấy gửi đi lời nhắn nhủ, dễ hiểu mà nhớ lâu.

Bộ sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Tuổi Trẻ

Có một điều đặc biệt, nhóm làm sách được quy tụ đều có khả năng kết nối làm việc nhóm, có kinh nghiệm và thống nhất là tất cả các tư liệu đều phải tiếp cận với góc độ khoa học. Cá nhân Bùi Chí Trung để xây dựng xong một đề cương thì đã ngốn mất nửa năm! Và để hoàn thành tác phẩm mất gần ba năm. Thật may mắn cho nhóm tác giả, bởi hiếm có gia đình nào lại có ý thức gìn giữ bảo quản di vật như gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ấy thế nhưng, để thuyết phục được gia đình cung cấp thông tin, trao thư từ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi về nhà, nhóm tác giả phải nêu ra được ý tưởng mới, cách làm mới, để không đi vào lối mòn. Quả nhiên, bà Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng chia sẻ: “Các bạn ấy đã thuyết phục được gia đình vì ý tưởng táo bạo, với cái nhìn của tuổi trẻ, hậu thế rất xúc động”.

Một điểm nữa là nhóm tác giả cũng chịu khó tìm hiểu việc giao lưu giữa các học giả trong nước và quốc tế. Vấn đề nghiên cứu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam dường như đang được quan tâm nhiều hơn. Như thế đã tạo cho giới nghiên cứu trong nước phải bước vào cuộc chạy đua, bởi: Nước ngoài họ làm được, vậy nếu mình không tham gia thì sẽ thành góc nhìn một phía, một chiều.

Nhiều thông tin mới mẻ

Với sự nỗ lực của nhóm tác giả và NXB Quân đội Nhân dân, bộ ba cuốn sách đã ra đời. Cuốn thứ nhất “Nguyễn Chí Thanh - Những góc nhìn từ hậu thế”, dày 288 trang, chắt lọc, hệ thống lại từ các công trình nghiên cứu riêng biệt của nhiều tác giả. Trong đó, có những góc nhìn chân thực của những nhà báo, nhà khoa học và cũng có những cảm xúc của những nhà văn, nhạc sĩ. Trong cuốn sách, nhiều thông tin mới mẻ từ trong và ngoài nước, thậm chí cả những gì “lần đầu tiên được công bố”.

Cuốn “Những cánh thư ra Bắc vào Nam”, với 240 trang, là cuốn sách mà đúng như tiêu đề phụ “Chuyện về những bức thư của gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, trong đó, bên cạnh những câu chuyện về Đại tướng với gia đình được kể lại theo từng chủ đề, nhân vật, sự kiện rất nhẹ nhàng, sinh động và hấp dẫn, thì lần đầu tiên 73 bức thư Đại tướng gửi gia đình và vợ con  gửi cho Đại tướng (từ năm 1948 đến năm 1967) được in trọn vẹn. Mỗi lá thư như dò tìm lại từng bước chân trên cả con đường của một con người, một gia đình, với bao nhiêu khắc khoải lo âu lúc cách xa, những dặn dò ân cần, những niềm vui, những khao khát trong lòng người chồng, người cha, đang gánh vác nhiệm vụ nặng nề… Tiến sĩ Lê Kiên Thành cho biết: “Trong tất cả những bức thư của Nguyễn Chí Thanh, không có bức nào viết dài. Câu viết ngắn gọn, đơn giản. Những bức thư mà đọc nó, chúng ta càng thấy được sự giản dị, đời thường mà vô cùng ấn tượng của một con người mà như nhà văn Trần Công Tấn đã khẳng định “Sáng trong như ngọc một con người”.

Cuốn sách ảnh “Nguyễn Chí Thanh - Đại tướng nông dân”, với 188 trang, là hệ thống những tư liệu ảnh được khai thác, biên soạn công phu, bố cục chặt chẽ theo chủ đề, tạo sự mới lạ trong cả nội dung và phong cách trình bày, lần đầu tiên bạn đọc được tiếp cận với một cuốn sách ảnh mà trong mỗi chủ đề như một câu chuyện kể bằng hình ảnh chứ không đơn giản là chỉ sắp xếp theo tuyến thời gian. Thông qua những tư liệu ảnh về hoạt động đa dạng trên nhiều vùng miền, nhiều lĩnh vực của Đại tướng và cả những trích dẫn đánh giá, bình luận, cảm nhận bằng hình ảnh từ các nhân chứng cả trong và ngoài nước, mỗi chủ đề đều thể hiện tính chân thực, khách quan.

Viết bằng tư duy mới

Với bộ ba tác phẩm này, nhóm tác giả đã thử nghiệm một phương pháp tiếp cận lịch sử với liên ngành công nghệ thông tin tiên tiến trong xử lý dữ liệu, tư liệu mang tính khoa học. Đặc biệt là với một góc nhìn, cách thể hiện mới, không khuôn sáo, lối viết lịch sử có chủ quan (cái tôi) dẫn chuyện, nhằm tạo nên sức hấp dẫn trong từng chi tiết được kể ra, hành văn cũng rất ngắn gọn, chính xác.

Nguyễn Chí Thanh không phải là người sinh ra để đeo vòng nguyệt quế. Hình ảnh của ông ẩn khuất, không sáng bừng bởi những ánh hào quang. Viết về ông, chúng ta còn phải nhớ rất nhiều câu chuyện khác. Dòng chảy lịch sử khắc nghiệt mà hào hùng không thể bị lãng quên. Bộ ba cuốn sách không chỉ nói về Đại tướng, mà còn góp phần giữ niềm tin của những thế hệ trẻ Việt Nam, những người biết trân trọng, tự hào tìm hiểu về lịch sử đất nước.

Nguyễn Văn Học

 

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”
Con đường vào Nam

Các tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tái hiện tương đối đầy đủ thân thế và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng, về quê hương Thừa Thiên Huế, về quá trình xây dựng quân đội, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong đó, có những hiện vật gốc như chiếc cặp da, đôi giày da, mũ da là những vật dụng được Đại tướng sử dụng để cải trang thành nhà tư sản trên con đường vào Nam nhận nhiệm vụ.

Con đường vào Nam

TIN MỚI

Return to top