Thể thao quốc tế
ĐÀO TẠO BÓNG ĐÁ TRẺ HUẾ:

Tương lai đang ở phía trước

ClockChủ Nhật, 13/08/2017 05:41
TTH - Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Đồng Tháp là 3 địa phương duy nhất toàn quốc có đầy đủ các tuyến đào tạo bóng đá từ U11, U13, U15… cho đến đội 1. Tuy nhiên, so với đơn vị bạn, thành công trong chuyện đào tạo trẻ của bóng đá Huế vẫn là dấu hỏi lớn.

Một buổi tập của đội U17 Thừa Thiên Huế

Nhìn người mà nghĩ đến ta

Từ rất lâu rồi Đồng Tháp được xem là một trong những “cái nôi” đào tạo trẻ tốt của bóng đá Việt Nam. Sau “thế hệ vàng” của Lai Hồng Vân, Trần Công Minh, Trịnh Tấn Thành… từng đoạt 2 chức vô địch quốc gia năm 1989 và 1996, Đồng Tháp tiếp tục cho ra lò những Trung Vĩnh, Minh Nghĩa, Quang Trãi… "Tre già măng mọc", sau đó Thanh Bình, Tấn Trường, Bửu Ngọc, Thanh Hiền… được đôn lên thay thế và chưa bao giờ khiến người hâm mộ thất vọng. Trong quá khứ, U15 Đồng Tháp từng 3 lần đăng quang giải quốc gia các năm 2007, 2009 và 2014, trong khi U19 Đồng Tháp cũng 2 lần vô địch ở năm 2003 và 2012; các đội trẻ khác thường xuyên được lọt vào vòng chung kết.

Cùng với Đồng Tháp, mảnh đất xứ Nghệ khá thành công với cách đào tạo bóng đá trẻ. Thành công dễ thấy của bóng đá xứ Nghệ là góp 5 gương mặt cho U15 Việt Nam làm nên kỳ tích vượt qua người Thái giành chức vô địch U15 Đông Nam Á 2017. Với cách làm hiệu quả, cầu thủ xứ Nghệ luôn xuất hiện trong các đợt tập trung của đội tuyển quốc gia.

Trong khi hai đơn vị bạn có thành công nhất định trong đào tạo trẻ, bóng đá Huế vẫn chưa làm người hâm mộ yên tâm khi hiệu quả đào tạo trẻ đang là dấu hỏi. Xét trong khoảng 10 năm trở lại, sau lứa cầu thủ trưởng thành từ U11 như Võ Lý, Minh Hoàng, Văn Chiến… Trưởng đoàn Bóng đá Huế - Đoàn Phùng thừa nhận, các cầu thủ sau này mới dừng lại ở mức chơi được, chưa có gương mặt thực sự xuất sắc.

Có nhiều lý do khiến công tác đào tạo bóng đá trẻ ở Huế gặp khó, trong đó kinh phí là yếu tố hàng đầu. Tuy cách làm bóng đá của Huế có điểm tương đồng với xứ Nghệ, song nếu xét về mặt đầu tư thì bóng đá Nghệ An hơn hẳn Huế. Theo HLV Đoàn Phùng, chỉ riêng đào tạo bóng đá trẻ, Nghệ An bỏ ra rất nhiều tiền cho các đội U, trong khi đó, kinh phí hạn hẹp nên bóng đá Huế phải tập trung ưu tiên cho đội 1, còn tuyến trẻ thì chưa nhiều.

Thiếu hụt kinh phí gây ra nhiều cái khó cho các đội bóng của Huế, nhất là tuyến trẻ khi họ bị xếp sau trong thứ tự ưu tiên đầu tư. HLV Dương Công Quốc của đội tuyển U17 Thừa Thiên Huế thừa nhận, tuy được cải thiện so với trước (hiện hỗ trợ 80.000 đồng/ngày cho VĐV ăn ở tập trung) song nếu so sánh với các đơn vị bạn, sẽ thấy cầu thủ Huế có phần thiệt thòi. Ngoài ra, do thiếu thốn điều kiện sân bãi tập luyện, các đội tuyển trẻ phải sắp xếp giờ tập để tránh trùng nhau, có khi phải tập giữa trưa nắng hoặc lúc sáng sớm. Ở những thời điểm như thế, hiệu quả tập luyện phần nào giảm sút. Thiếu thốn nhiều mặt là một phần lý do khiến các cầu thủ tài năng tìm bến đỗ mới.

Cần lo cho cầu thủ trẻ

Bao năm qua, bóng đá Huế trăn trở với nỗi lo túi tiền eo hẹp. Vì chưa tìm được nhà tài trợ, bóng đá Cố đô đặt ra chiến lược là sử dụng nguồn nhân sự sẵn có, được đào tạo từ các tuyến trẻ với niềm tin người Huế sẽ cống hiến 100% sức lực cho bóng đá Huế.

Rõ ràng, chiến lược nói trên là hợp lý khi bóng đá Huế đang còn “cậy” vào nguồn ngân sách. Đào tạo VĐV trẻ cho tương lai không chỉ tiết kiệm kinh phí thuê cầu thủ cho đội 1 mà sẽ tạo ra “chất địa phương” (như Nghệ An) để xây dựng một tập thể đội bóng gắn kết. Điều này phù hợp với quan điểm nhiều đại biểu tại Đại hội VFF khóa VII (năm 2014): “Muốn có quả ngọt, phải tự vun trồng”. Sau chiến thắng giải U15 Đông Nam Á, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn một lần nữa khẳng định, nỗ lực đầu tư đào tạo trẻ của các CLB đóng vai trò then chốt tạo ra lực lượng kế cận ngày càng chất lượng, góp thành công cho nền bóng đá nước nhà. Từ đó có thể thấy, hướng đi mà bóng đá Huế theo đuổi là đúng, chỉ có điều cần thêm sự đầu tư.

Vẫn biết, kinh phí đầu tư cho bóng đá Huế còn eo hẹp. Tuy nhiên, khi đã định hướng được chiến lược hướng đến đào tạo trẻ thì không thể cứ "ôn nghèo kể khổ" mà cần phải cân – đo – đong – đếm, quan tâm hợp lý đến các đội bóng trẻ. Ngành thể thao và Đoàn bóng đá Huế có thể tính toán lại nguồn chi tiêu hợp lý cho đội 1 và các đội bóng tuyến trẻ, khắc phục những khó khăn trước mắt để kích thích sự đam mê của VĐV, qua đó tạo niềm tin cho các tài năng bóng đá trẻ yên tâm tham gia, cống hiến.

Thiếu nhà đầu tư là bài toán khó để phát triển bóng đá, nhưng nếu cứ nhìn vào cái khó thì sẽ không thể tìm ra giải pháp sáng tạo, linh hoạt để vận dụng thực tiễn. Nhiều năm qua, tuy khó, bóng đá Huế vẫn được nhiều chuyên gia thừa nhận giàu tiềm năng. Chỉ cần những người làm bóng đá Huế nỗ lực duy trì và nghiên cứu cách làm khéo léo, cộng với sự chung tay của các ban ngành liên quan gỡ khó, tin rằng cánh cửa tương lai sẽ rộng mở với bóng đá Cố đô.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Tương lai của các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á

Các nền tảng giao đồ ăn là một trong những hoạt động kinh doanh thành công nhất kể từ đại dịch COVID-19. Trong khi những hoạt động kinh doanh khác cố gắng duy trì lợi nhuận bằng cách chuyển hoạt động sang hình thức trực tuyến, thì thành công của họ vẫn không bằng những gì mà các nền tảng giao đồ ăn đạt được.

Tương lai của các nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á
Return to top