ClockThứ Sáu, 11/08/2017 14:16

Tương lai nào cho làng cổ Phước Tích ?

TTH - Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) là một trong hai ngôi làng cổ ở Việt Nam được công nhận là di tích cấp quốc gia. Nhiều dự án trong và ngoài nước được triển khai để giữ hồn làng, bảo vệ những ngôi nhà rường xuống cấp, phát huy nghề gốm và tạo ra một không gian du lịch.

Một trong những mối quan tâm của người làng Phước Tích là sự hồi sinh của nghề làm đôột đôột, tức là nghề làm om, niêu, các đồ dùng bằng gốm. Người làng đắn đo, bởi lẽ, đã hơn 40 năm, Phước Tích không còn làm nghề này nữa, trừ lò gốm đang có của làng cũng chỉ một nhóm thợ nhỏ vận hành.

Khánh thành nhà cổ được phục dựng tại làng Phước Tích. Ảnh: Kim Oanh

Ông Lê Trọng Đào, ngoài 70 tuổi, thỉnh thoảng cũng nung vài ba sản phẩm gốm, tâm sự: “Tôi làm gốm để nhớ về tuổi thơ, ai mua thì bán mà không thì để trưng bày cho vui cửa vui nhà”. Cùng niềm đam mê với ông Đào, còn có một người trẻ là anh Lương Thanh Hiền. Anh đã bỏ tất cả những ước vọng ở đất khách quê người để trở về xây dựng ước mong hồi phục nghề bên lò gốm xưa của làng. Anh Hiền chia sẻ: “Làng có nghề truyền thống thì mình học và làm, giống như mình tìm lại một phần giá trị của làng để tự hào, để sống”.

Phục hồi và phát huy những giá trị vốn có của Phước Tích không chỉ là nghề gốm truyền thống mà còn là những ngôi nhà rường. Thế nhưng, nhà rường ở Phước Tích đã quá già cỗi để chống chọi với thời gian và đa số những người đang sống dưới mái nhà rường ấy cũng đang ở tuổi xưa nay hiếm. Phục hồi, bảo tồn những ngôi nhà rường đa phần lại là nỗ lực cá nhân, gia đình, dòng họ.

Hiểu được khó khăn của người sống dưới những mái nhà rường, những dự án bảo tồn nhà rường cũng đã đến với Phước Tích. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà rường được Phân viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế trùng tu theo dự án nghiên cứu về nhà rường và văn hóa làng xã. Ba lần lui tới ngôi nhà đó chẳng thấy một ai. Tìm hiểu mới biết, sau trùng tu không lâu, ngôi nhà này cứ mãi đóng cửa và luôn trong tình trạng im lìm. Đơn giản, những người sống dưới mái nhà này phải đi làm ăn xa và thường xuyên vắng nhà.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế tâm sự: “Dự án trùng tu ngôi nhà này có thể nói là một nỗi buồn của những người nặng lòng với văn hóa làng xã. Chúng tôi muốn qua dự án trùng tu này tạo nên một kiểu mẫu của trùng tu nhà rường cho làng cổ Phước Tích nói riêng và Huế nói chung. Tuy nhiên, trùng tu xong lại để đó và đóng cửa là chủ yếu, thợ trùng tu nhà rường này chẳng được mang kiến thức của mình tiếp tục trùng tu các nhà khác bởi vướng các loại giấy tờ chứng nhận khác nhau”.

Phước Tích có cơ hội mới cho việc tiếp thêm sinh lực khi mọi người phát hiện ra rằng, làng có giá trị du lịch. Cũng là lúc, người làng tìm cách xoay xở để lấy du lịch làm nền tảng cho việc phục hồi những giá trị vốn có. Mong muốn đó càng lớn hơn khi làng được công nhận là làng di sản quốc gia. Tuy vậy, mong muốn đó vẫn chỉ là của người già.

Phước Tích trở thành một làng du lịch nổi bật của huyện Phong Điền, một trong số ít những làng làm du lịch cộng đồng của Thừa Thiên Huế. Những lợi ích từ việc phục vụ khách du lịch phần nào đó gắn kết người làng lại với nhau khi nhận thấy sự chung lưng đấu cật mang lại cho họ niềm vui và cả thu nhập. Những tổ, nhóm phục vụ ẩm thực cho khách hình thành. Những hướng dẫn viên không chuyên dần quen với việc thuyết minh về làng cho khách nghe.

Nhưng những gì du khách thấy và thưởng thức ở Phước Tích vẫn còn quá ít. Vì thế, trừ những người thuộc các tổ nhóm ẩm thực hay một vài người hướng dẫn không chuyên, gần như đa số người làng đứng ngoài guồng quay ấy. Họ nghĩ rằng, Phước Tích có nhiều hơn ngoài những mái nhà rường đang đón khách, ngoài cái miếu có tên dân gian Cây Thị và cái lò gốm bỏ không. Ông Lê Trọng Cờ, một bô lão của làng, mong mỏi: “Chúng tôi muốn góp phần vô các hoạt động cho du lịch của làng nhưng chẳng biết làm sao cho hợp lý”.

Chưa phát huy được hết những giá trị vốn có thì Phước Tích lại có những tồn tại khó nói. Người làng biết phục vụ khách du lịch và biết hòa hợp với nhu cầu tìm hiểu của khách trước khi có ban quản lý làng cổ. Vì thế, Phước Tích gần như đang mặc nhiên có 2 hệ thống phục vụ du khách, một của người dân đã có từ trước và một của ban quản lý làng cổ. Phước Tích vì thế lại lấn cấn, chồng chéo lẫn nhau trong việc phục vụ du khách. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban quản lý làng cổ Phước Tích, đắn đo: “Làm sao để hoạt động du lịch đi vào quy củ, thống nhất là mong mỏi của chúng tôi, bởi lẽ, chỉ có như vậy thì mới phát huy được sức mạnh chung của làng và tạo niềm tin cho du khách”.

Biết giá trị và phát huy được giá trị chẳng phải khi nào cũng gắn liền với nhau. Do vậy, dù có mấy trăm năm lịch sử, với những ngôi nhà rường đóng cửa nhiều hơn mở, với người già nhiều hơn người trẻ, với nghề gốm của một nhóm thợ nhỏ, Phước Tích có kéo dài được những giá trị ấy để tiếp tục là một ngôi làng điển hình của vùng Huế hay không đang là điều cần suy ngẫm.

Đình Đính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Return to top