ClockThứ Ba, 17/10/2017 13:41
RẢI VÀNG MÃ KHI ĐƯA TANG:

Tuyên truyền kết hợp với xử phạt

TTH - Mới đây, một đám tang di quan từ đường Dương Văn An đến nghĩa trang TP. Huế, dọc đường đi, tang quyến rải vàng mã, tiền đồng Việt Nam ra đường, dù việc này bị cấm theo quy định của UBND TP. Huế. Để hạn chế tối đa tình trạng này, ngoài tuyên truyền cần kết hợp xử phạt, trong đó cần tính đến phương án phạt nguội.

Người đàn ông mặc tang phục rải tiền lẻ, vàng mã trong suốt quá trình đưa tang

Chưa nhiều chuyển biến

Sau khi có sự vào cuộc của các ban ngành, nhất là Công an TP. Huế bằng việc mời các cơ sở cho thuê xe đưa tang cam kết không rải vàng mã, tiền đồng Việt Nam, tình trạng rải vàng mã lúc đưa tang trên địa bàn TP. Huế có giảm hơn trước.

Tuy thế, vẫn còn khá nhiều đám tang lúc di quan, người nhà rải cả vàng mã và tiền đồng Việt Nam, dù điều này đã được cấm bằng Quyết định 6113, ngày 17/8/2016. Theo đó, hành vi rải tiền Việt Nam, tiền nước ngoài và vàng mã lúc đưa tang có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng và điều này được áp dụng cho chủ cơ sở, người điều khiển phương tiện, có thể hiểu là người cho thuê và điều khiển xe tang.

Quy định đã có, song việc xử phạt đối với các cơ sở cho thuê xe tang đến nay vẫn chưa được triển khai thường xuyên. Công an TP. Huế cho biết, đã mời một số trường hợp chủ cơ sở cho thuê xe tang vi phạm để nhắc nhở và xử phạt về vi phạm hành chính, song vẫn còn nhiều trường hợp chưa chấp hành cam kết và quy định của UBND TP. Huế.

Trở lại với đám tang nêu trên, theo quan sát, dù thời gian đưa tang hơn 8 giờ sáng và trong ngày làm việc, song, người nhà tang quyến vẫn rải vàng mã, tiền Việt Nam khi đi qua các con đường trung tâm TP. Huế, như Lê Quý Đôn, Hà Nội, Lê Lợi, Điện Biên Phủ. Dù không nhiều, song cứ mỗi đoạn khoảng vài chục mét, người nhà tang quyến tung tiền lẻ và vàng mã ra đường một lần.

Dù cơ quan chức năng không thể buộc dừng đưa tang để nhắc nhở, xử phạt người nhà tang quyến, song, nếu làm tốt công tác tuyên truyền từ đầu khi có đám tang, các cơ quan chính quyền, đoàn thể đến gia đình tang quyến để vận động, nhắc nhở, có thể sẽ làm giảm tình trạng hoặc loại bỏ hoàn toàn việc rải vàng mã, tiền lẻ khi đưa tang. Điều này được Bí thư Thành uỷ Huế Huỳnh Cư khẳng định tại nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của TP. Huế mới đây, khi ông cho hay, đã  có nhiều đám tang sau khi được các đồng chí trong Thường vụ Thành uỷ, chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động, người nhà không rải vàng mã và tiền Việt Nam trong lúc đưa tang. Điều đó cho thấy, nếu làm tốt công tác tuyên truyền sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong việc thực hiện quy định về đốt, rải vàng mã, tuy thế, gắn việc tuyên truyền với các biện pháp răn đe cứng rắn để đạt hiệu quả cao hơn cũng là việc cần thiết.

Ông Hoàng Việt Thắng, Chủ tịch UBMTTQVN TP. Huế đề xuất, cần có cơ chế khen thưởng bằng tiền hoặc tương đương với những người có bằng chứng như ảnh, video đối với hành vi rải vàng mã lúc đưa tang, rải xuống sông hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định để giảm tình trạng đốt rải vàng mã và thực hiện tốt Nghị quyết 05 của Thành uỷ Huế về các vấn đề cấp bách trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị cũng như quy định về đốt, rải vàng mã của UBND TP. Huế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc TP. Huế sẽ có thêm căn cứ, cơ sở cần thiết để xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm.

Tuyên tryền gắn với xử phạt

Bí thư Thành uỷ Huế Huỳnh Cư cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 05 của Thành uỷ cần có sự phối hợp vào cuộc của tất cả các ban ngành, trong đó vai trò của mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ, người đứng đầu các địa phương, công an khá quan trọng.

Đối với đề nghị thưởng tiền cho người có bằng chứng về đốt, rải vàng mã không đúng nơi quy định, lãnh đạo TP. Huế cho hay sẽ xem xét khi tìm được nguồn thích hợp hoặc có những vận dụng khác.

Một nhà nghiên cứu Huế nêu giải pháp, nếu đã có cam kết với các chủ cơ sở cho thuê xe tang không cho người nhà rải vàng mã, tiền Việt Nam trong lúc đưa tang mà trong quá trình đưa tang vẫn xảy ra việc đó thì cần phạt nguội người cho thuê phương tiện đưa tang. Việc này không khó nếu có sự phối hợp giữa tổ dân phố, chính quyền địa phương, công an khu vực, cảnh sát giao thông trong việc ghi lại hình ảnh, bằng chứng như số xe, giờ đưa tang và người rải vàng mã để xử lý sau khi sự việc kết thúc, bởi việc dừng xe tang để xử phạt là điều không thể vì điều đó còn liên quan đến đời sống tâm linh, tính nhân văn “nghĩa tử nghĩa tận”.

Kết hợp giữa tuyên truyền với xử phạt nặng chứ không chỉ nhắc nhở có lẽ là giải pháp cần thực hiện ngay để giảm thiểu tình trạng rải vàng mã, tiền Việt Nam lúc đưa tang. Làm được thế, chắc chắn các cơ sở cho thuê xe tang sẽ có ràng buộc chặt chẽ hơn với gia đình tang quyến. Nếu gia đình đưa tang không chấp hành, họ sẽ không cho thuê xe, như thế việc rải vàng mã sẽ được hạn chế, người này đề xuất

Điều này cũng đã được Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế Nguyễn Hồng Sơn cho hay, khi đến thuê xe đưa tang, người nhà tang quyến phải ký cam kết không rải vàng mã, tiền lẻ, nếu không doanh nghiệp sẽ từ chối cho thuê.

Việc ký cam kết không rải vàng mã, tiền lẻ giữa cơ quan công an với chủ cơ sở cho thuê xe tang, giữa chủ cơ sở cho thuê xe tang với người dân là điều kiện cần, song việc giám sát trong quá trình đưa tang như chụp ảnh, quay phim là điều kiện cần thiết để vừa có cơ sở xử lý, vừa nâng cao tính răn đe, đồng thời đem lại hiệu quả tích cực góp phần hạn chế tình trạng rải vàng mã và tiền lẻ trong lúc đưa tang.

Đối với một số đám tang từ các huyện, thị xã khi qua TP. Huế cũng cần được áp dụng các hình thức tương tự để đường phố không còn vàng mã, tiền lẻ Việt Nam bay tung toé khi xe tang đi qua, đồng thời xóa đi hình ảnh phản cảm khi một số người dân, xích lô, xe thồ tranh nhau nhặt tiền lẻ và điều đó còn gây mất trật tự an toàn giao thông.

Ngoài các giải pháp vừa nêu, lãnh đạo TP. Huế cho rằng, giải pháp xuyên suốt vẫn là vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ hành vi, thói quen đốt, rải vàng mã khi đưa tang vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ, đồng thời là đời sống tâm linh của một đại bộ phận người dân Huế. Do đó, việc này cần nhiều thời gian chứ không thể nóng vội trong một vài tháng mà có thể là nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ sau và có khi còn hơn thế, miễn là đem lại kết quả tốt.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cháy nhà khi đang tổ chức đám tang

Một trường hợp hỏa hoạn xảy ra rất hy hữu tại một đám tang vào lúc 14 giờ 41 phút chiều nay (13/6) trên địa bàn TP. Huế.

Cháy nhà khi đang tổ chức đám tang
Phú Diên “nói không” với đốt, rải vàng mã

“Hình ảnh những con đường đầy vàng mã khi có đám tang đi qua cứ khiến lòng tôi trĩu nặng. Nhất là trong ngày mưa gió, những vạt giấy ướt nhoe nhoét khiến con đường nhếch nhác, bẩn thỉu”, ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Diên (huyện Phú Vang) mở đầu câu chuyện về công tác “dân vận khéo” để người dân thay đổi nhận thức, dẹp bỏ hủ tục rải vàng mã trên đường.

Phú Diên “nói không” với đốt, rải vàng mã

TIN MỚI

Return to top