ClockThứ Năm, 14/03/2019 16:43

Tuyên truyền pháp luật về khai thác thủy sản: Người dân nêu nhiều ý kiến

TTH.VN - Chiều 14/3, tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, hơn 150 ngư dân, chủ tàu, tổ trưởng tổ phó các tổ tàu an toàn trên địa bàn thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà dự hội nghị tập huấn tuyên truyền khai thác thủy sản vùng được cấp phép, do Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp Chi cục thủy sản tỉnh tổ chức. Nhiều ý kiến, tâm tư của ngư dân được nêu ra tại hội nghị.

Mức phạt cần đủ sức răn đeXử lý nạn đánh bắt hải sản bằng tàu giã cào: Khó nhưng phải làm

Hoạt động giã cào vẫn diễn biến phức tạp

Theo Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục thủy sản tỉnh: Thời gian qua, tình trạng hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vi phạm tuyến khai thác trên vùng biển của tỉnh vẫn diễn ra phức tạp. Hoạt động nghề giã cào ở vùng biển ven bờ gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản; khai thác tận diệt các loài cá con, phá vỡ sinh thái đáy biển và các bãi sinh sản ven bờ của các loài thủy sản; gây thiệt hại tài sản của ngư dân làm nghề lưới rê, các nghề khai thác ven bờ ở các xã, thị trấn ven biển; đe dọa đến tính mạng, đời sống kinh tế của ngư dân; gây mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột trên biển, tạo nên sự bức xúc của một bộ phận ngư dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các vùng biển của tỉnh. Vấn đề này được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngư dân đánh bắt hải sản ven bờ quan tâm.

Hơn 150 chủ tàu, ngư dân tham dự hội nghị với nhiều ý kiến

Ông Trần Thanh, Nguyễn Văn Nam, ngư dân thị trấn Thuận An lo ngại: Bên cạnh các tàu giã cào ở tỉnh khác đến, thì vẫn tồn tại một số bộ phận ngư dân trên địa bàn tỉnh, thị trấn, cũng hoạt động giã cào trái pháp luật. Thời gian vi phạm thường vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều trong ngày và thường xảy ra nhiều nhất từ khoảng tháng 3 đến tháng 7 trong năm. Địa điểm vi phạm tập trung chủ yếu khu vực biển đối diện xã Quảng Công đến xã Điền Hương; từ khu vực biển đối diện xã Vinh Thanh, Phú Vang đến khu vực biển đối diện thị trấn Lăng Cô....

Ngư lưới cụ của ngư dân bị tàu giã cào phá hỏng

Phương thức, thủ đoạn hoạt động chủ yếu là lợi dụng đêm tối, sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát ngư trường của các lực lượng chức năng để hoạt động. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các tàu vi phạm dùng lưới để che biển số đăng kiểm tránh bị quay phim, chụp ảnh; một số trường hợp vi phạm cắt lưới bỏ chạy sau đó quay lại để trục vớt. Thậm chí có một số trường hợp ngư dân trên tàu đông nên gây áp lực chống lại lực lượng làm nhiệm vụ…

Nhiều ý kiến

Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Chi cục Thủy sản tỉnh trình bày một số nội dung trọng tâm của nghị định 33 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản; nghị định 103 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; giới thiệu thêm về dự thảo xử phạt hành chính (trong lĩnh vực này) đang trong thời gian thẩm định chờ thông qua. Theo đó, nếu dự thảo được thông qua, theo quy định, mức phạt cao nhất đối với tàu trên 15 mét khai thác vùng ven bờ, vùng lộng là 50 triệu đồng (bất kỳ tàu khai thác các ngành nghề khác nhau, không riêng giã cào). Đồng thời phạt mức cao nhất 50 triệu đồng đối với tàu trên 15 mét khai thác không đúng nghề đã đăng ký trong giấy phép.

Như vậy, cảnh báo được đưa ra: nếu không tuân thủ theo quy định (một lúc phạm 2 lỗi: khai thác đúng vùng, đúng nghề) chủ tàu (trên 15 mét) có thể phải chịu mức phạt cao nhất tới 100 triệu đồng. Các loại tàu khác nếu vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt tương ứng, phù hợp, nghiêm khắc hơn rất nhiều. Nhiều quy định “sát sườn” đối với ngư dân khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển của được trình bày rõ ràng.

Liên quan đến quyền lợi thiết thực nên nhiều ngư dân đã đưa ra nhiều ý kiến. Bên cạnh những chủ tàu đánh bắt xa bờ, tuân thủ pháp luật đề xuất các lực lượng chức năng “siết chặt” công tác tuần tra, xử phạt nghiêm vi phạm, thì cũng không ít ý kiến của ngư dân cho rằng, do phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ, chỉ có thể đánh bắt ven bờ, nếu ra khơi sẽ rất nguy hiểm. Để có thể vươn khơi, ngư dân phải đầu tư cải hoán tàu thuyền, nâng công suất, nhưng họ lại khó khăn về tài chính, chỉ có thể chuyển đổi nghề nghiệp lên bờ làm ăn.

Theo Đại tá Vũ Văn Uy, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh: Sau sự cố môi trường biển, Nhà nước đã có chính sách bồi thường, hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề hoặc đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, vươn khơi. Tuy nhiên, lực lượng biên phòng ghi nhận tâm tư của một số ngư dân tại hội nghị, đồng thời cho biết sẽ tham mưu UBND huyện, tạo điều kiện giúp đỡ. “Tuy nhiên cộng đồng ngư dân cần chấp hành tốt pháp luật về thủy sản để chấm dứt tình trạng đánh bắt sai vùng quy định; tích cực phối hợp, cung cấp thông tin và hỗ trợ phương tiện giúp lực lượng BĐBP tỉnh; lực lượng kiểm ngư trong vấn đề bắt giữ tàu giã cào…

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Return to top