ClockChủ Nhật, 28/08/2016 15:08

Tuyệt kỹ “Chai chò”

TTH - Tháng 8, thời điểm chuẩn bị đánh cá vụ Bắc, ngư dân Phú Diên (Phú Vang) mang thuyền lên bờ tu sửa với “đội quân” làm nghề quét dầu hắc, dầu rái (chai chò) cho nan thuyền.

Hồi ức thương thuyền

Ông Nguyễn Quả, Trưởng thôn Phương Diên (xã Phú Diên) bảo rằng, bây giờ dù kỹ thuật đóng thuyền của người Việt có phát triển đến đâu thì những kinh nghiệm làm thuyền nan tre hoạt động gần bờ vẫn còn “sức sống” với hàng vạn ngư dân vùng bãi ngang. Phú Diên là địa phương có nhiều ghe bãi ngang nhiều nhất tỉnh, cứ sắp kết thúc vụ cá Nam, các thuyền nan lại được ngư dân đưa “lên đà” để quét dầu hắc, dầu rái. Nhưng để tường tận cái “món nghề” này thì phải hỏi mấy lão ngư trong làng.

Quét “chai chò”, cho thuyền nan

Căn nhà ông Nguyễn Đông Thạch (85 tuổi), nằm bên mép biển Phương Diên. Con đường dẫn vào ngõ chỉ mấy bước chân là nhìn thấy biển. Ông Thạch đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng với ông, ở làng biển mà tuổi như ông thì còn “tương đối” lắm! “Tui khỏe như ri là nhờ ngửi hơi biển, hưởng gió biển mà một thời trẻ đạp gió ra khơi”, ông Thạch bật cười sảng khoái khi nói về cái tuổi của mình.

Ra biển từ lúc thân ngấp nghé mạn thuyền, chiếc thuyền nan tre của bố ông Thạch đã đi vào trong ký ức những giấc ngủ chập chờn trong đêm trăng chờ con cá vướng lưới hay những trưa hè nắng như đổ lửa, ra biển quét dầu rái của cậu bé Thạch. “Nói về dầu rái thì dân vùng biển đều biết. Một thời cái thứ đó đã gắn vào máu thịt ngư dân, không có nó thì ngư dân gần bờ không thể ra biển. Giờ rất ít người dùng vì đã có các chất khác thay thế, nhưng ngư dân bãi ngang vẫn còn tường tận nó lắm”, ông bắt đầu câu chuyện.

“Từ thời Pháp thuộc, tui mới mười mấy tuổi đầu. Thương thuyền từ trên vùng cầu Tuần (Hương Thọ, Thủy Bằng), được dân buôn chèo theo sông Hương qua ngã ba Sình về hạ nguồn rồi đổ ra biển, chở theo từng thùng dầu rái về bán cho ngư dân vùng bãi ngang để quét thuyền nan tre. Cứ một thùng 2-3 đồng về bán 4-5 đồng bạc Đông Dương”.

Vùng đồi núi phía trên cầu Tuần vốn có nhiều cây chò, thân to bằng mấy người ôm, được dân “miền thượng” chặt bán lại cho ngư dân vùng biển để đóng thuyền. Cây chò gỗ bền, khi chẻ ra thì không xuôi theo đường rựa mà “dích dắc” xương gỗ nên rất tốt. Chò cũng là loại gỗ chịu được mưa nắng và đặc biệt là nước mặn, nên được ngư dân chọn làm mạn thuyền. Từ cây chò 2-3 người ôm, dân “miền thượng” đục một lỗ, cứ 1 đến 2 tháng chất mủ tiết ra, gặp tiết trời mát của núi rừng thì vón từng cục gọi là “chai chò”. Chai chò to như nắm tay. Dân vùng biển mua về chỉ cần bỏ ra ngoài nắng là tự tan chảy ra thành dầu rái, dùng nó quét liên tục lên thuyền, sau khi phơi 2-3 nắng lại tiếp tục quét, khi nào các khe hở của nan tre thuyền khít thì thôi.

Ông Thạch bảo rằng không chỉ tường tận “chai chò” từ việc bao năm quét thuyền nan chuẩn bị mùa vụ mới ra biển mà ông từng vào Tuy Hòa (Phú Yên) để lặn “chai chò” mang bán cho ngư dân. Rừng chò Tuy Hòa nằm ven sông, khi mùa mưa, chò sinh mủ đông cứng như đá, vón cục lăn xuống sông. Đến mùa, các thợ tìm đến lặn chai chò bán cho ngư dân.

Câu chuyện dùng dầu rái trên biển Phú Diên còn được những lão ngư nhắc đến từ thời Pháp thuộc, khi những thương thuyền “mua gian bán lận”, bỏ dầu rái trên thùng, còn mun tro dưới đáy để lừa ngư dân vùng biển. Cũng từ đó, thương thuyền không còn ghé vùng biển Phú Diên nữa.

Càng nắng càng bền

Quét dầu hắc, dầu rái lên nan thuyền có lẽ ra đời từ lúc… ngư dân biết đi biển. Đối với ngư dân vùng bãi ngang Phú Diên, tháng 8 trời nắng như đổ lửa, cát như rang dưới chân người, vẫn không ngăn được những thợ thuyền “lên đà” cho đứa con biển cả của mình. Từ trên bãi biển thôn Phương Diên, có hơn 100 chiếc thuyền được kéo lên bờ, “úp mặt” lên cát vàng.

Thuyền nan tre sau khi quét dầu, phơi từ 7-8 nắng

Với kinh nghiệm những thợ quét dầu hắc, dầu rái lâu năm, để có một chiếc thuyền tốt, ngoài kết cầu gỗ chò nơi mạn thuyền, phải bắt đầu từ khâu chọn tre. Anh Nguyễn Ngọc Bi (thôn Phương Diên), một thợ thuyền cho biết, tre phải là “tre đực”, ngọn không bị gãy, tre già không nứt, được cẩn thận vót đều từng nan khoảng 2 phân. Khi đã đan thành từng nan thuyền, người thợ bắt đầu dùng rơm trộn phân trâu để trét nhiều lần lên từng kẽ hở của nan tre. Lớp phân trâu sẽ trở thành lớp đệm, giúp ngăn nước trước khi quét lên lớp dầu hắc hoặc dầu rái.

Mỗi chiếc thuyền từ khâu đóng tre, chọn gỗ đến quét dầu, giá khoảng 20-25 triệu đồng. Nếu gắn thêm máy 12 hoặc 24CV, giá dao động từ 40-45 triệu đồng. Theo anh Bi, công đoạn quét dầu hắc, dầu rái là quan trọng nhất. Đối với dầu rái, chỉ cần bỏ “chai chò” ra giữa nắng là tự tan chảy. Vì tự tan chảy nên phải quét 7-8 lần, lớp dầu càng mỏng càng mau khô giữa tiết trời nắng. Dầu rái còn được ngư dân quét lên những thân gỗ chò dùng làm mạn thuyền giúp gỗ chịu được nắng mưa, hơi biển mặn, lâu hư hỏng. Dầu rái quét lên thuyền với chất màu tự nhiên nên rất bóng đẹp nhưng lại không bền bằng dầu hắc. Dầu hắc được ngư dân pha thêm dầu hỏa, “chai phà” (chất có màu trắng nhưng dẻo như nhựa thông) rồi đem nấu lên. Mỗi chiếc thuyền nan tre quét dầu hắc chỉ tốn mấy trăm nghìn đồng, nhưng công của người thợ thì gian nan vô cùng.

Thợ quét dầu hắc cần một điều kiện tiên quyết: trụ giữa nắng cả mấy ngày liền. Nắng càng to thì dầu hắc bám vào mạn thuyền càng bền. “Đang quét dầu mà trời râm thì anh em nghỉ việc ngay. Còn gặp mưa mà không che đậy kịp thì xem như hôm đó “công toi”, phải quét lại từ đầu. Bởi thế, thời điểm hết vụ cá Nam, nắng miền biển đổ lửa chỉ trong 3 tháng cũng là lúc mình đưa thuyền “lên đà” quét dầu”, anh Bi lý giải.

Ở vùng biển Phú Diên cũng như nhiều vùng bãi ngang trong tỉnh, khi đưa thuyền lên bờ đại tu cho mùa cá mới, mỗi ngư dân đều giúp đỡ nhau bằng cách chia sẻ công việc quét dầu cho thuyền. “Ở đây chỉ đóng thuyền, xẻ gỗ là thuê thợ trong và ngoài xã, còn khi quét dầu, chủ thuyền là “thợ chính”, vì ai cũng muốn hoàn thiện chiếc thuyền của mình cho chắc chắn để ra biển mưu sinh, còn “thợ phụ” là cánh anh em đỡ đần nhau công việc. Không có chuyện thuê công cán chi hết. Nghĩa tình ngư dân vùng biển là rứa đó!”, ông Nguyễn Ngọc Quýnh (thôn Phương Diên), một thợ thuyền trải lòng với tôi như thế.

"Toàn xã Phú Diên có 262 ghe thuyền nan tre gần bờ, công suất máy từ 12-24CV. Là vùng bãi ngang truyền thống, nên việc phát triển ghe thuyền đang tạo thêm thu nhập cho ngư dân bám biển, bình quân mỗi hộ thu nhập vài trăm đến triệu đồng/ngày"

Ông Hoàng Trọng Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diên

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phập phù hoa tết

Tiết trời vụ đông không thuận lợi cộng với ảnh hưởng dịch COVID-19, báo hiệu một vụ hoa tết không mấy thuận lợi cho người nông dân từ việc ươm cây cho đến thị trường đầu ra.

Phập phù hoa tết
Trường mầm non Hương Sơ bị lún

Ngày 1/7, UBND TP Huế cho biết, vừa có công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư Xây dựng khu vực TP. Huế khẩn trương kiểm tra, khắc phục tình trạng lún tại công trình Trường mầm non Hương Sơ giai đoạn 1 (phường Hương Sơ, TP. Huế) và báo cáo kết quả trước ngày 3/7.

Trường mầm non Hương Sơ bị lún
Nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ đập

Giai đoạn 2021-2025, cần hơn 150 tỷ đồng đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước lớn, nhỏ trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn trong giai đoạn biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp hiện nay.

Nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ đập
Khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau lũ

Theo thống kê của các địa phương, các đợt mưa lũ liên tiếp kéo dài hơn 10 ngày qua làm hơn 330 ha ràu màu, 150 ha sắn, hàng chục ha hoa, cây ăn quả và diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập úng, cuốn trôi gây thiệt hại nặng.

Khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất sau lũ
Xây dựng nông thôn mới chất lượng, bền vững

Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 87%, trong đó có 40% xã NTM nâng cao, 10% xã NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 4/8 huyện, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM, có 1 huyện NTM nâng cao. Phấn đấu toàn tỉnh không còn xã dưới 15 tiêu chí.

Xây dựng nông thôn mới chất lượng, bền vững
Return to top