ClockThứ Năm, 14/05/2015 15:55

Tuyệt phẩm thời Khải Định trên kiến trúc cung đình Huế

TTH - Tại diễn đàn hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhấn mạnh thêm giá trị độc đáo của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế bằng ba bài văn ngự chế trang trí trên kiến trúc thời vua Khải Định. Trong ba bài văn này, có hai bài ở cung An Định và một bài ở Thái Bình Lâu (Đại Nội). Bài viết nhỏ này chỉ xin đề cập đến một trong hai bài văn được thể hiện ở cung An Định.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An giới thiệu tư liệu

Vua Khải Định trị vì trong khoảng 10 năm và băng hà lúc 41 tuổi, nhưng đã để lại khá nhiều công trình kiến trúc mang phong cách mới lạ, kết hợp hài hòa hai nền mỹ thuật truyền thống và hiện đại, Đông Á và Tây Âu. Chính khiếu thẩm mỹ của vị vua này đã thổi một luồng sinh khí mới vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung, nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế nói riêng.

Liên quan đến mô – típ trang trí thơ văn trên kiến trúc cung đình thời Nguyễn, phong cách trang trí dưới thời của Khải Định cũng có những nét tân kỳ. “Ngoài phong cách trang trí truyền thống theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, thời Khải Định còn có một phương thức trang trí đặc biệt nữa là thể hiện chữ nghĩa bằng cách đắp nổi văn tự trực tiếp lên một vị trí thích hợp ở công trình kiến trúc”, Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết.

Cung An Định là cung điện riêng của vua Khải Định, tọa lạc bên bờ sông An Cựu (nay là số 97 đường Phan Đình Phùng, TP. Huế). Mục đích vua Khải Định xây dựng cung An Định là dùng làm cơ ngơi riêng cho con trai trưởng của mình là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này).

Bức trấn phong có bài thơ đắp chữ nổi ở cung An Định

Theo Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, dù đang ở trên ngai vàng, nhưng vua Khải Định vẫn lo ngại những bất trắc có thể xảy ra trong việc truyền ngôi với hoàng tử Vĩnh Thụy. Sự bất ổn trong việc kế thừa ngôi báu đã xảy ra liên tục trước đó - suốt 33 năm sau cái chết của vua Tự Đức, đã có 8 vị vua bị thay nhau tôn phế - khiến nhà vua bị ám ảnh. Do đó, nhà vua phải “thu xếp tương lai” cho con trai bằng cách gây dựng một cơ ngơi để an cư, phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra trong việc kế thừa ngôi báu. Cơ ngơi này do chính nhà vua bỏ tiền tạo dựng và ban tặng cho Hoàng trưởng tử Vĩnh Thụy làm tài sản riêng. Ý định này đã được vua Khải Định nói rõ trong một tờ “sắc” ban hành vào tháng 8 năm Kỷ Mùi (1919) và nhất là trong hai bài văn Ngự chế được đắp nổi để trang trí ở cung An Định. Sau đó, khoảng 8 tháng, nhà vua lại viết một bài văn khác, dài 336 chữ, với nội dung như tờ sắc trên, nhưng đề cập kỹ hơn về quá trình hình thành và mục đích của việc xây dựng tòa cung điện này. 

Hệ thống thơ văn chữ trên kiến trúc cung đình Huế gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau (gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ...) trên công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn như một cách thức trang trí đặc biệt, chỉ riêng có tại Cố đô Huế. Với 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ, tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương thời Nguyễn. Tư liệu này đang được hoàn thiện hồ sơ đề cử vào Danh mục Di sản Tư liệu Thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO.

Bài văn Ngự chế được đắp nổi trên một bức bình phong bằng bê tông hình chữ nhật hơn 3m và cao gần 1,8m. Tất cả các chữ trong bài văn đều được viết dọc thành 25 dòng. “Mỗi chữ được chế tác riêng bằng đất sét nung kỹ, rồi mới gắn vào từng vị trí thích hợp ở bức bình phong. Đây là một loại thủ công mỹ nghệ có giá trị độc đáo mà tôi chưa hề thấy ở các công trình kiến trúc cung đình trước đó”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhấn mạnh.

Ông Phan Thuận An cũng chia sẻ thêm thông tin đặc biệt không kém là ở đầu và cuối bài Ngự chế, có đến 3 khuôn dấu được đắp nổi. Trong đó, có dấu ấn khắc 4 chữ “Khải Định thần hàn” theo lối chữ triện. Khuôn dấu nặng đến 2kg vàng và nay đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử cách mạng Việt Nam. Nghĩa dịch của bài văn Ngự chế có đoạn: “… Huống chi nghĩ rằng tuổi tác của Trẫm đã cao mà Hoàng tử thì còn nhỏ. Đạo đời khó thấy trước, việc người phải phòng xa. Sợ một ngày kia, Hoàng trưởng tử không được như Trẫm, nên phải lo trước đó thôi…”

Bàn về giá trị của bài Ngự chế này, trong một công trình nghiên cứu, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đồng sự, cũng nói rõ: “Có thể xem đây là một bản di chúc của nhà vua được gắn ngay trên công trình để muôn đời sau rõ ý nguyện của ông về việc xây dựng cung An Định, một công trình kiến trúc mang phong cách tân cổ điển rất đặc sắc”.

Ngoài bài văn Ngự chế trên, tại cung An Định cũng có bài văn thứ hai nữa. Bài này ngắn hơn, khoảng 130 chữ, được đắp nổi thành một dải chạy quanh ba mặt ở ban công tầng 1 trước sảnh chính của lầu Khải Tường. Nội dung của nó có thể xem như bản rút gọn từ bài trên, mặc dù được làm trước.

“Các ý kiến tại hội thảo bàn nhiều về giá trị của tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trên chất liệu gỗ, pháp lam… mà ít ai nói cụ thể về nghệ thuật thể hiện thơ văn trên chất liệu kiến trúc bê tông. Loại hình trang trí này không hề thấy thể hiện dưới thời 12 vị vua khác của triều Nguyễn. Có thể nói, mỗi khung hình trang trí văn Ngự chế, với chữ nghĩa và hoa văn đắp nổi, là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ tuyệt vời, đề nghị các nhà quản lý cần bổ sung vào hồ sơ “Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” để giá trị của tư liệu này càng thêm phong phú”, Ths. Nhà nghiên cứu Phan Thuận nhắn nhủ.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top