ClockThứ Bảy, 24/06/2017 13:32
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017:

Tỷ lệ vắng thấp, thí sinh ra về với nhiều tâm trạng

TTH.VN - Sáng 24/6, các thí sinh (TS) của cụm thi Thừa Thiên Huế (cụm thi 33) bước vào buổi thi cuối cùng, bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) với thời gian làm bài 150 phút, theo hình thức trắc nghiệm.

Trước giờ thi, tâm trạng một số TS khá thoải mái

Trong buổi thi này, TS được phép mang vào phòng thi máy tính bỏ túi và atlat địa lý nên cán bộ coi thi kiểm tra khá kỹ các vật dụng mang theo.

Đây là buổi thi cuối cùng nên tâm lý nhiều phụ huynh khá căng thẳng. Tại một số điểm trường, phụ huynh đưa con đi thi dặn dò rất kỹ. Chị Đặng Thị Hải Yến, phụ huynh TS ở điểm Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho biết: “Tôi dặn cháu tắt máy điện thoại, ngồi trong phòng thi trật tự, tập trung làm bài. Những ngày trước thi tốt mà buổi cuối có sự cố gì thì coi như thua”.

Kết thúc bài thi tổ hợp các môn khoa học xã hội, TS ra về với nhiều tâm trạng khác nhau. Tại điểm Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Phú Vang), TS Hoàng Thị Bích Thuận than: “Đề lịch sử quá khó, có nhiều chi tiết lịch sử rất nhỏ người học có thể bỏ qua. Những phần lớn của lịch sử như các chiến dịch, nhất là phần kháng chiến chống Mỹ tụi em học kỹ thì gần như trong đề không có. Với đề sử, khả năng em và rất nhiều người dưới 5 điểm”.

Trái ngược với môn lịch sử, đa số TS “thở phào” với đề địa lý và giáo dục công dân. Nguyễn Thị Ngọc Diệp, TS có dự định chọn tổ hợp các môn khối C để đăng ký xét tuyển đại học phân tích: “Đề địa lý hầu hết kiến thức trong sách giáo khoa hoặc chỉ cần vận dụng atlat địa lý. Đề môn giáo dục công dân không cần thí sinh phải học, chỉ cần liên tưởng đến các bài học thực tiễn cuộc sống là dễ dàng làm được. Với đề địa lý, giáo dục công dân, những thí sinh chỉ thi tốt nghiệp cũng có thể lấy được điểm 7, riêng những người học giỏi khối C khả năng có thể làm được điểm tuyệt đối”.

Do lần đầu 3 môn này được áp dụng thi theo hình thức trắc nghiệm nên không tránh khỏi tình trạng TS bỡ ngỡ. Nguyễn Văn Phú, thi ở điểm Trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết, một số kiến thức cần suy nghĩ kỹ, nhất là môn lịch sử, trong khi thời gian 50 phút lại có đến 40 câu nên làm vội khả năng sai sót, nhầm lẫn kiến thức sẽ xảy ra.

Theo báo cáo nhanh của bộ phận trực thi, môn lịch sử có 7.686 TS đăng ký dự thi; con số này ở môn địa lý và giáo dục công dân lần lượt là 7.505 TS và 9.695 TS. Trong buổi thi này tỷ lệ TS có mặt môn lịch sử đạt 99,5%, vắng 40 em; môn địa lý đạt 99,5%, vắng 37 em; giáo dục công dân đạt 99,7%, vắng 22 em. Tình hình thi bình thường, đúng quy chế, không có biên bản bị lập.

Sau 5 buổi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã kết thúc. Kỳ thi lần này diễn an ra toàn, nghiêm túc, không có cán bộ hay TS bị lập biên bản. Ngày mai (25/7) Ban thư ký, Hội đồng phách cụm thi 33 chính thức làm việc. Dự kiến ngày 7/7 sẽ hoàn thành công tác chấm thi.

Năm nay, trừ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi sẽ được chấm bằng máy quét. Riêng hơn 12.500 bài thi môn ngữ văn đã được sở GD&ĐT lên kế hoạch chấm trong 6 ngày với 64 giám khảo. Để bảo đảm tính khách quan, Hội đồng chấm sẽ tổ chức 4 giáo viên làm công tác chấm kiểm tra (5% trên tổng số bài) với 659 bài.

Theo tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thi THPT Quốc gia cụm thi 33 - Thừa Thiên Huế, kỳ thi vẫn còn một công đoạn nữa mới có thể đánh giá mức độ thành công, đó là chấm thi. Tuy nhiên, sau 4 ngày vừa qua, công tác làm đề, in sao, bảo mật và vận chuyển đã diễn ra không hề có sai sót, nhầm lẫn. Thành công thứ hai là sự phối hợp giữa sở GD&ĐT với các ban ngành, nhất là ngành Công an, Đại học Huế, Trường cao đẳng Sư phạm đã diễn ra tốt đẹp, hiệu quả. Thành công thứ ba là với đội ngũ gần 3.000 cán bộ giáo viên, giảng viên làm công tác giám thị và hơn 13.000 thí sinh trong một kỳ thi rất quan trọng nhưng không ai vi phạm quy chế thi, không biên bản nào phải lập. 

* Một số hình ảnh trong buổi thi cuối cùng:

Cán bộ coi thi kiểm tra khá kỹ Atlat địa lý của TS

Một phòng thi ở điểm Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Phụ huynh của các TS ở điểm Trường THPT Phan Đăng Lưu chọn một góc mát bên đường đợi con

TS ra về sau buổi thi cuối cùng

Tin, ảnh: Hữu Phúc - Hương Giang

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân

Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như kinh tế, lịch sử, văn hóa, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học... trong Phong trào Duy Tân đã được các chuyên gia bàn luận, trao đổi tại hội thảo quốc tế “Quá trình Duy Tân tại Huế và Trung bộ trong thời kỳ Pháp thuộc” diễn ra tại TP. Huế ngày 19/12.

Làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa Pháp - Việt trong phong trào Duy Tân
Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng

Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy học bộ môn lịch sử trong giai đoạn hiện nay” được Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức sáng 13/12.

Dạy và học môn lịch sử chưa được như kỳ vọng
Return to top